Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng trong bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng
Nhằm góp phần thúc đẩy thực thi bền vững và toàn diện thoả thuận triển khai FLEGT/VPA giữa EU và Việt Nam, ICCO Hà Lan, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) và Trung tâm Pháttriển nông thôn Miền Trung (CRD) đang phối hợp thực hiện dự án “Sự tham gia của mạng lưới XHDS về Thực thi pháp luật, Quản trị rừng, và Thương mại lâm sản (FLEGT) trong tiến trình thực FLEGT-VPA (Thoả thuận đối tác tự nguyện)”. Thời gian thực hiện: 2014-2016. Dự án được EU và ICCO Hà Lan tài trợ, được triển khai trên địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và một số vùng lân cận.
Mục tiêu cụ thể của dự án là tăng cường năng lực cho mạng lưới VNG-FLEGT, các tổ chức cộng đồng (CBO) và tổ chức dân sự (CSO) ở miền Trung Việt Nam nhằm tác động đến tiến trình có sự tham gia EU-VN FLEGT/VPA từ tham vấn cộng đồng đến thực thi tiến trình.
Để đạt được những mục tiêu này, dự án sẽ tổ chức nâng cao nhận thức và năng lực cho các thành viên mạng lưới và 170 tổ chức XHDS & tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ, và người dân địa phương về tiến trình và công cụ thực hiện thoả thuận EU-VN FLEGT.VPA; nghiên cứu chính sách tiến trình EU-VN FLEGT/VPA thể hiện tiếng nói của cộng đồng phụ thuộc rừng và các doanh nghiệp nhỏ; nâng cao nhận thức và kỹ năng vận động về quản trị rừng & thương mại gỗ cho các tổ chức CSO/CBO; thực hiện tiến trình FLEGT ở các nội dung: xác nhận nguồn gốc gỗ; pháp luật và sinh kế liên khai thác gỗ và trồng rừng; tiến trình VPA về thương mại gỗ; tư liệu hóa và chia sẻ mô hình dựng quản trị rừng cộng đồng hỗ trợ FLEGT/VPA.
Ông Nguyễn Văn Diệu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Nam
phát biểu khai mạc Hội thảo – Ảnh: Dự án FLEGT
Trong năm 2014, dự án đã tổ chức một loạt các hội thảo tham vấn góp ý cho dự thảo báo cáo phục vụ cho tiến trình đàm phán VPA/FLEGT với sự tham gia của đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, các cơ sở chế biến gỗ, nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và các cơ quan ban ngành liên quan của 04 tỉnh triển khai dự án và đại diện của cơ quan Trung ương đến từ Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, cũng như các thành viên trong mạng lưới VNGO-FLEG.
Mục tiêu của hội thảo nhằm: (1) Chia sẻ các kết quả điều tra hiện trường đã được thực hiện thông qua các hoạt động như hội thảo bàn tròn, tham vấn cộng đồng và nghiên cứu hành động; (2) Thu thập ý kiến, quan điểm của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và các cơ quan ban ngành liên quan tại 04 tỉnh triển khai dự án để chỉnh sửa và bổ sung các thông tin cho dự thảo báo cáo, và (3) Thống nhất các vấn đề và nội dung cần cung cấp cho Tổng cục Lâm nghiệp và góp ý cho dự thảo phục vụ tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT.
Tại hội thảo tham vấn, nhóm tư vấn dự án thuộc Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Huế và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý tài nguyên (CORENARM) đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu và tham vấn cộng đồng tại các địa phương, đặc biệt đã đưa ra được các thực trạng, khó khăn/ thách thức và các giải pháp cho từng chủ đề liên quan đến sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các hoạt động sản xuất của các hộ trồng rừng; hoạt động sản xuất của các hộ chế biến biến gỗ; và tình hình khai thác gỗ trái phép ở các địa phương trong thời gian qua.
Các đại biểu đã đóng góp các ý kiến về các vấn đề liên quan đến FLEGT và tác động tiềm tàng của VPA/FLEGT đến sinh kế của hộ gia đình. Đồng thời, họ đã chia sẻ một số góp ý nhằm hoàn thiện, thống nhất để bổ sung thông tin trong dự thảo báo cáo phục vụ cho tiến trình đàm phán VPA/FLEGT nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của tiến trình cho các bên liên quan cũng như tăng cường khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội phát triển khi hiệp định được ký kết và áp dụng.
Cùng với các hội thảo tham vấn, vừa qua, ban quản lý dự án FLEGT đã tổ chức tập huấn về các yếu tố xã hội, chính trị cản trở sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong tiến trình thực hiện VPA/FLEGT cho 30 học viên thuộc mạng lưới VNGO-FLEGT và đến từ các CBO ở khu vực miền Trung.
Được biết, đến nay, Việt Nam và EU đã tiến hành phiên họp cấp kỹ thuật lần thứ 8 và phiên đàm phán cấp cao lần thứ 4 về VPA/FLEGT.
Hiện tại có 6 nước đã ký VPA với EU bao gồm Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi, và các nước này đang tiến hành xây dựng các hệ thống nhằm kiểm tra, xác minh và cấp phép gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Các nước trên được gọi là “các nước đối tác của VPA”. Chín quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia, đang tiến hành đàm phán với EU và 11 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với VPA.
Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT) được thành lập vào tháng 1/2012 với mong muốn đóng góp tích cực và có giá trị vào quá trình đàm phán và thực thi Hiệp đinh Đối tác tự nguyện (VPA) và Chương trình FLEGT tại Việt Nam, từ đó góp phần thực hiện Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và thúc đẩy việc hình thành các cơ chế, chính sách cho cộng đồng địa phương sống phụ thuộc rừng được hưởng lợi công bằng và bền vững.
Tính đến tháng 10 năm 2014, VNGO-FLEGT có 40 tổ chức thành viên trên khắp cả nước cam kết tham gia đóng góp vào các hoạt động của Mạng lưới.