Tăng cường phối hợp triển khai hoạt động DA QTC Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026
Ngày 10/9 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo với chủ đề “Huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Ths. Nguyễn Quyết Chiến -Tổng Thư ký VUSTA; TS. Phạm Nguyên Hà - Phó Giám đốc kỹ thuật Ban Quản lý Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Ban Điều phối Quốc gia Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao, Sốt rét (CCM Việt Nam); gần 50 đại biểu đến từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, các tổ chức cộng đồng của 7 tỉnh dự án phía Nam: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và Khánh Hòa và đại diện của các đơn vị thực hiện dự án tại 7 tỉnh phía Nam là Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (Life).
PGS.TS Phạm Ngọc Linh -Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Dự án phát biểu chỉ đạo hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: Chia sẻ thông tin về dự án giai đoạn 2024-2026 tới 7 tỉnh dự án phía Nam; Tăng cường phối hợp với các đối tác trong việc triển khai hoạt động Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026.
Với mong muốn tăng cường phối hợp với các đối tác tại địa phương, hội thảo đã được lắng nghe những chia sẻ của đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) ở 7 tỉnh thành phố là cơ quan chỉ đạo về mặt chuyên môn, chia sẻ ý kiến về cách thức hợp tác giữa 2 bên cũng như các biện pháp để thúc đẩy việc triển khai các hoạt động của dự án. Ngoài ra một đầu mối rất quan trọng của dự án đó là Liên hiệp Hội ở 7 tỉnh của dự án. Hội thảo cũng đã nhận được những chia sẻ của đại diện các tổ chức cộng đồng ở 7 tỉnh triển khai dự án khu vực phía Nam.
Giai đoạn 2024 – 2026 Dự án Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS mang tính kế thừa của giai đoạn 2021-2023, tuy nhiên có sự thay đổi cho phù hợp với Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo đó, dự án sẽ cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao gồm người nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chuyển giới nữ (CGN); Củng cố hệ thống cộng đồng ứng phó với HIV/AIDS; Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
Với vai trò và sự thành công của Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS từ năm 2011 đến nay, nhất là giai đoạn 2015-2023 khi VUSTA trở thành đơn vị nhận tài trợ chính từ QTC (PR) đã được các cơ quan Bộ Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan trung ương cũng như địa phương và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đánh giá rất cao.
Sự tham gia và đóng góp có hiệu quả của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng của Dự án trong những năm qua đã được ghi nhận trong các báo cáo quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS. Trong hoạt động dự phòng, các tổ chức đã tiếp cận và tuyên truyền vận động kinh phí xét nghiệm HIV, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị. Các tổ chức này đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho các văn bản pháp luật liên quan như Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, các Chương trình Quốc gia năm 2004 và 2012, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật BHYT sửa đổi, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Khám bệnh và Chữa bệnh, Luật phòng chống Ma túy sửa đổi năm 2021 v.v. Trong phối hợp đa ngành, các tổ chức đã kết nối chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng, giảm tác hại, chăm sóc tại nhà, hỗ trợ sinh kế.