Tâm thế của Nhà báo trong kỷ nguyên số 4.0
Được biết, trước đây những thập niên 1960 đến 1990, những thiết bị “Bất ly thân” để tác nghiệp của các nhà báo là cây bút, cuốn sổ và chiếc máy ảnh (loại máy chụp phim âm bản). Ngày nay, trong thời công nghệ 4.0, đa số các nhà báo đã sử dụng những thiết bị “tối tân” như máy điện thoại thông minh (Smartphone) máy Ipat hay Laptop và máy chụp ảnh kỷ thuật số, máy ghi âm đa chức năng...Cho nên trong thời công nghệ số 4.0, quyển sổ và cây bút có lẽ là vật dụng truyền thống hiếm hoi còn hiện hữu trong hành trang của nhà báo.
Và quá trình tác nghiệp làm báo trong kỷ nguyên số 4.0 hiện nay đòi hỏi bản thân các nhà báo ít nhiều phải biết thao tác: viết bài, chụp ảnh, quay phim, biết sử dụng đồ họa vi tính...rất biết khi xã hội phát triển thì tương ứng với nó là các lĩnh khác cũng phát triển theo để kịp đáp ứng nhu cầu của thời đại, trong đó lĩnh vực công nghệ 4.0 đã ra đời mang lại tính hữu ích cho công nghệ thông tin truyền thông trong lĩnh vực báo chí, nhất là tiện ích đối với các nhà báo. Nhưng dù cho nền kỹ thuật công nghệ trong tương lai có ra đời 5.0 hay 6.0...cũng không thể thay đổi được được cái tâm của nhà báo. Vì mỗi nhà báo có một sở trường, sở đoản và có một “gu” để thể hiện theo cách riêng của mình trong mỗi tin, bài, ảnh...
Với mỗi một nhà báo (Phát thanh &Truyền hình; báo in; báo điện tử) để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác báo chí trong thời đại hiện nay, hơn hết là nhà báo phải luôn luôn tuân thủ hai vấn đề: Sự thật nội dung và công bằng với nhân vật. Nếu thực hiện nghiêm điều này tức là giữ được đạo đức nghề nghiệp và từ đó tâm thế của nhà báo được bạn đọc, đồng nhiệp và các cơ quan báo chí sẽ ghi nhận và vinh danh. Bỡi lẽ cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông thời công nghệ số, thì trình độ cảm thụ một bài báo, một tin ngắn hay loạt ảnh phóng sự...của bạn đọc cũng thay đổi. Do đó báo chí sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Vì thực tế cuộc sống, các sự kiện, sự việc của xã hội diễn ra rất đa dạng, cho nên tâm thế của các nhà báo dựa vào Luật báo chí để biết được sự kiện nào viết và không viết. Còn Quy định đạo đức nghề làm báo sẽ giúp nhà báo biết điều gì nên làm và không nên làm. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì với công nghệ 4.0, sức lan tỏa của một bài báo không chỉ còn thu hẹp trong một tòa soạn, một địa phương, một đất nước mà là toàn thế giới. Khi đặt bút viết tác phẩm, nhà báo phải luôn đứng trên lợi ích của cộng đồng của địa phương và hơn hết là của đất nước, tránh sự viết bài, tin tức thiếu kiểm chứng vô hình chung chúng ta đánh mất đi danh dự của một nhân vật, gia đinh, mất đi uy tín một một đơn vị hoặc sụp đổ của một doanh nghiệp… Vì chỉ sau mươi giây đồng hồ, một sự kiện nóng đã lan truyền đầy ắp không gian mạng, cả thế giới đã biết “điều gì vừa xảy ra”!?.
Cụ thể, trong năm 2016 đã có 50 cơ quan báo chí đưa sai vụ việc nước mắmcó hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định đã làm tổn hại đến doanh nghiệp và người tiêu dùng...kết quả những cơ quan báo chí ấy phải chịu trách nhiệm bằng nhiều hình thức kỷ luật do Bộ Thông tin-Truyên thông ban hành xử lý. Và cũng không ít nhà báo sai phạm khi viết bài đưa tin sai sự thật, hay vi phạm trong việc tác nghiệp và đã được Bộ thông tin Truyền thông xử lý thu hồi thẻ nhà báo.
Với thời công nghệ kỹ thuật số hiện nay thì hình thức người dân đọc báo bằng hình thức “lướt mạng” với nhiều phương tiện như: trên điện thoại Iphone, Laptop, Smartphone hoặc một máy tính bảng...Hầu như rất ít thấy hình ảnh bác chạy xe ôm tranh thủ chờ khách mua tờ báo để báo, người uống cà phê quán cóc ở vỉa hè vừa nhâm nhi ly cà phê vừa theo dõi một phóng sự dài kỳ hay một bài tường thuật trận bóng đá vừa kết thúc hồi đêm, hay chi tiểu thương tranh thủ chưa có khách mua lướt qua tờ báo có chuyên mục giá cả thị trường...Do đó nhà báo được ví như người “Đầu bếp văn hóa” luôn sản xuất những “món ăn” tinh thần để phục vụ nhu cầu của công chúng. Muốn thực hiện được điều này cá nhân mỗi nhà báo trong kỷ nguyên 4.0 không chỉ giỏi về viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn mà còn đặt hết chữ “Tâm lực” “Trí lực” của mình vào chất lượng của mỗi tin, mỗi bài thật chuẩn xác về sự kiện, hay về nội dung, đẹp về trình bày để nhanh chóng phục vụ bạn đọc. Nói cách khác, nhiệm vụ của nhà báo thời công nghệ 4.0 sẽ khó khăn hơn bao giờ hết trước tình trạng “nở như nấm” của mạng xã hội: Giữa vô số những “món ăn tinh thần” được “bày ra” trên nền tảng truyền thông đa phương tiện của hàng chục triệu Facebooker; hàng ngàn “tin tặc” cho nên mỗi bài báo, mỗi phóng sự hay mỗi tin tức của mình đưa ra vừa thỏa mãn được thị hiếu của người đọc, người xem lại vừa thể hiện đầy đủ tính đúng đắn, chuẩn mực, khuôn mẫu trong vai trò định hướng dư luận, tuyên truyền cho cộng đồng tham gia để tạo nên động lực phát triển cho xã hội.
Là một thành tố góp phần làm nên lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam thừa hưởng bản lĩnh kiên cường, ý chí quật khởi, tinh thần vượt khó khăn gian khổ, sáng tạo nên đường đi lên cho riêng mình. Thượng tôn pháp luật, tận hiến với trách nhiệm xã hội, tận lực vì nghĩa vụ công dân, mỗi người làm báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam từng ngày từng giờ bám sát thực tiễn, lăn lộn với cuộc sống với tinh thần phục vụ dân, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước. Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái Tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian.
“Với trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng và tinh thần dũng cảm, các nhà báo cần vượt qua khó khăn thách thức để phản ánh những bất cập, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ như thế hôm 18/6/2017 trong cuộc gặp đại diện các cơ quan báo chí nhân 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Kỳ vọng của Thủ tướng cũng chính là quyết tâm của các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam, nỗ lực phát huy truyền thống, gắn kết với sự tiếp nhận của cách mạng công nghệ 4.0 để tạo dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trở thành nền báo chí hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc./.