Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng
Ngày 26/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vì sức khỏe và tầm vóc Việt”. TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Linh – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm CLB đại biểu Quốc hội chủ tọa tọa đàm.
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đạm, TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, năm 2019, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá thực tế tác động của Nghị định số 09 qua việc khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất và một số doanh nghiệp có sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất làm nguyên liệu đầu vào. Kết quả khảo sát cho thấy việc tăng cường vi chất có làm tăng chi phí nhưng không cao, có thể chấp nhận được. như tăng 50.000-200.000 đ/tấn muối (giá muối I-ốt hiện từ 2.8-3 triệu đ/tấn, tăng từ 35.000-70.000 đ/tấn đối với bột mì (giá bột mỳ sắt, kẽm hiện khoảng 9 triệu đ/tấn; tăng 100đ/l dầu ăn (giá dầu ăn từ 20.000-50.000đ/l). Các doanh nghiệp được khảo sát đều không có khó khăn về công nghệ, nếu có phát sinh chi phí thì cũng được tính vào giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường.
Theo kết quả 34 nghiên cứu khoa học về tác dụng của muối I-ốt thì không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng muối I-ốt gây ra những thay đổi bất lợi về cảm quan của người tiêu dùng hay làm thay đổi chất lượng sản phẩm.
Với kết quả nghiên cứu, đánh giá nêu trên, Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị định số 09 do những lợi ích nổi trội đã được khoa học chứng mình của thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tới sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng, TS Khải cho biết thêm.
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam
Theo ý kiến của TS.BS Trần Khánh Vân – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo kết quả điều tra cho thấy, về thiếu máu có 29% ở trẻ 0 – 5 tuổi, 29% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 36% ở phụ nữ mang thai. Thiếu Vitamin A có 13% ở trẻ 0 – 5 tuổi. Thiếu kẽm có 69,4% ở trẻ 0 – 5 tuổi, 65% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 80% ở phụ nữ mang thai.
TS.BS Trần Khánh Vân – Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 14 nước trên thế giới không tiêu thụ đủ I ốt, chính vì thế, theo TS Vân thì tăng cường vi chất I ốt vào muối được khuyến cáo như là một cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa thiếu I ốt; Tăng cường vi chất vào bột mì được khuyến cáo như một phương pháp phòng ngừa, bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm bắt buộc phải được tăng cường nguyên tố sắt và kẽm. Mục đích của tăng cường sắt là để phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt và khắc phục các hậu quả như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ. Mục đích của tăng cường kẽm nhằm phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục; Tăng cường vi chất dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc bắt buộc phải được tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp. Mục đích của tăng cường vitamin A là để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Còn theo ý kiến của TS.BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, tại Việt Nam, điều tra toàn quốc đầu tiên về tình trạng thiếu i ốt được tiến hành năm 1993. Kết quả cho thấy, 94% dân số Việt Nam có nguy cơ bị thiếu i ốt: tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 22,4% và mức trung vị i ốt niệu là 32 μg/l. Thiếu i ốt không chỉ ở miền núi mà còn ở cả khu vực đồng bằng và khu vực ven biển. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện các hoạt động phòng chống CRLTI.
TS.BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương
TS Dương cho biết thêm, sau năm 2005, Chương trình Mục tiêu Y tế quốc gia phòng chống CRLTI trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế với mục tiêu là duy trì thành quả đạt được năm 2005. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình thiếu i ốt đã trở lại. Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và UNICEF cho thấy tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn 69,5%; tỷ lệ bước cổ trẻ em 8-12 tuổi là 9,8%, mức trung vị I ốt niệu là 84 μg/l. Tổ chức Mạng lưới quốc tế thiếu I ốt đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước thiếu I ốt.
Tiếp tục thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Theo ý kiến của ThS. Nguyễn Mẫn Hà Anh, Phó phòng pháp chế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 09/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 28/01/2016, quy định về việc muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt, bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm và dầu thực vật phải được tăng cường vitamin A (trừ dầu dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện Nghị định này, Chính phủ đã quy định lộ trình bắt buộc áp dụng là 01 năm (15/3/2017) đối với muối I-ốt và 02 năm (15/3/2018) đối với bột mỳ sắt, kẽm và dầu ăn vitamin A. Đó là khoảng thời gian cần thiết và đủ để các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của Nghị định này thực hiện các công tác chuẩn bị về kỹ thuật cũng như sắp xếp về sản xuất, kinh doanh.
ThS. Nguyễn Mẫn Hà Anh, Phó phòng pháp chế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế
Đến nay, tất cả các cơ sở sản xuất muối, bột mỳ và dầu ăn (11/11 cơ sở) đều thực hiện sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng (từ ngày 15/3/2017 đối với cơ sở sản xuất muối và từ ngày 15/3/2018 đối với cơ sở sản xuất bột mỳ và dầu ăn). Các cơ sở sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng có thể thực hiện lâu dài do không gặp khó khăn trong đầu tư máy móc cơ bản, mua vi chất dinh dưỡng và bố trí nhân công triển khai.
Theo kết quả khảo sát, sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ so với thị trường nội địa. Trong đó, có một cơ sở sản xuất thực phẩm có tỷ lệ xuất khẩu cao nhất cũng chỉ chiếm 10% tổng sản lượng và tỉ lệ sản phẩm phải sử dụng muối và bột mỳ (chủ yếu là mỳ ăn liền) cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong số 10% xuất khẩu này, Ths Hà Anh cho biết.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một chính sách nhân văn, mang lại nhiều lợi ích nổi trội cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng cường vi chất cho các nhóm đối tượng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đối thoại, giải quyết thỏa đáng những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, Ths Hà Anh cho biết thêm.
Còn đối với ý kiến của TS.BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, có thể nói Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã đi vào đời sống và là biện pháp hiệu quả để đạt và duy trì bền vững việc thanh toán CRLTI tại Việt Nam thay cho việc Chính phủ phải đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đạt được mục tiêu này (như trước năm 2005, có những năm kinh phí được cấp đến 40-60 tỷ đồng/năm). Việc thanh toán CRLTI sẽ góp phần duy trì và nâng cao trí thông minh của các thế hệ trẻ Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề vi chất dinh dưỡng, tuy nhiên đồng quan điểm, các nhà khoa học cho rằng để tránh tình trạng thiếu I ốt tại Việt Nam, cần tiếp tục tăng cường việc triển khai và thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt đối tượng phụ nữ và học sinh về tầm quan trọng của việc phòng chống các rối loạn thiếu I ốt, sử dụng gia vị mặn bổ sung I ốt để duy trì và nâng cao trí thông minh của các thế hệ người Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất muối và gia vị mặn, cần chủ động nghiên cứu những sản phẩm bổ sung I ốt mới phù hợp với thị hiếu, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng hiện nay. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình chỉ sử dụng muối là 33,1%, còn lại là sử dụng muối cùng hoặc chỉ sử dụng các gia vị mặn khác không phải là muối như bột canh, bột nêm, nước mắm…
Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng muối và các gia vị mặn có bổ sung I ốt nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả phòng bệnh đối với người tiêu dùng cũng như đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện việc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tin, ảnh: HT