Tái sử dụng cát phun vỏ tàu làm gạch block
Tại các nhà máy đóng tàu, một công đoạn không thể thiếu trong việc đóng mới và sửa chữa là đánh bóng vỏ tàu. Hiện nay, trừ một số ít nhà máy sử dụng hạt nix (hạt đồng) đắt tiền, hầu hết các nhà máy đều sử dụng cát trong công đoạn này. Cát được phun với tốc độ cao sẽ làm bắn ra các chất bẩn bám trên vỏ tàu, đồng thời vỡ vụn thành các hạt nhỏ. Cát sau sử dụng thường lẫn với rỉ sắt, cặn sơn (chứa chì và các chất độc). Loại cát này không đủ chất lượng để sử dụng làm vữa tường hoặc bê tông mác cao, vì không tạo độ kết dính, lại độc hại, do vậy các nhà máy thường bỏ hoang thành đống, đôi khi cho người dân lấy để san lấp mặt bằng... Bãi cát cũng bốc bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đồng thời gây ô nhiễm nước ngầm, làm thay đổi thành phần thổ nhưỡng của đất.
Một nhà máy cỡ nhỏ như nhà máy đóng tàu Phà Rừng, KCN Minh Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng năm 2004 thải ra trên 7.000 mét khối cát thải. Riêng tại Hải Phòng đã có 6 nhà máy đóng tàu như vậy, và trên cả nước có đến vài chục nhà máy, nên lượng cát thải là rất lớn.
Hiện tại, Đức đã thí điểm dùng Ý tưởng của Nguyễn Minh Đức, sinh viên năm thứ 2, khoa Kinh tế Vận tải biển, Đại học Hàng hải Việt Nam là sơ chế số cát này, tái sử dụng để đóng gạch block, dùng lát vỉa hè, công viên... Cát thải qua sàng lọc sơ bộ để loại rác rưởi và những thành phần không phù hợp, rồi trộn với xi măng, nước, đá và ép dưới áp suất cao, giống như công đoạn làm gạch block bình thường. Các thành phần sẽ bao quanh những nhân độc hại trong cát, ngăn không có chúng tiếp xúc với môi trường (cố định chất ô nhiễm trong gạch). Về bản chất, sắt và gỉ sơn có tính axit yếu, trong khi vữa bê tông và phối liệu có tính bazơ, chúng sẽ trung hoà với nhau, do đó là giảm sự độc hại. Theo ước tính của Đức và các bạn, tiền xử lý cát thải theo cách thủ công là 11.000 - 15.000 đồng/mét khối, rẻ hơn 4-5 lần so với tiền mua cát nguyên liệu hiện nay là 60.000 - 70.000 đồng/mét khối. Từ đó, giá thành gạch tạo ra cũng thấp hơn nhiều. Gạch lại có độ cứng cao hơn bình thường do cát mịn hơn, khi ép dưới áp suất cao sẽ nén chặt hơn. Đức cho biết mong muốn được đầu tư để có thể lập dự án đóng gạch block từ nguyên liệu thải này. Xa hơn nữa, anh hy vọng sẽ xử lý được cát thải triệt để, nhằm sử dụng cho mọi mục đích khác nhau như với cát thường. Công ty Thanh Phúc, TP HCM, chuyên cung cấp dây chuyền sản xuất và gạch block cho biết đã sẵn sàng hỗ trợ công nghệ và cung cấp dây chuyền nếu dự án của Đức đi vào hoạt động. Mới đây nhất, ngày 16/6, đề án của Đức đã được Ngân hàng Thế giới đồng ý tài trợ, với giá trị 150 triệu đồng. Đức cho biết anh sẽ sớm triển khai dự án theo lộ trình đã đặt ra. Liên hệ: Nguyễn Minh Đức,duc2490@yahoo.com, DT: 0989.186.705 Nguồn: vnexpress.net 7/7/2005 |