Tại sao phải phối hợp nhiều thuốc chống lao?
Năm 1882 nhà bác học người Đức Robert Koch bằng kính hiển vi quang học đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao. Do đó người ta đã lấy tên ông để đặt cho loại vi khuẩn gây bệnh lao là Bacilus koch viết tắt là BK. Tại các bệnh viên hoặc phòng khám chuyên khoa lao, người ta xét nghiệm đờm tìm BK bằng cách nhuộm soi trực tiếp. Nếu kết luận BK dương tính, ký hiệu BK (+) có nghĩa là bệnh nhân đang mang trong cơ thể một số lượng lớn vi khuẩn lao, khoảng 5.000 con BK trong 1ml đờm, còn trong các hang lao ở thể lao phổi số lượng vi khuẩn có tới hàng hàng tỉ con (10 7-10 9vi khuẩn). Hiện nay trong các tài liệu chống lao người ta dùng ký hiệu AFB (+) để chỉ vi khuẩn lao là loại vi khuẩn kháng axit.
Vi khuẩn hình gậy, thân mảnh, dài, nên còn gọi là trực khuẩn lao. Ngoài cơ thể, chúng có thể tồn tại vài ngày, thậm chí 3-4 tháng nếu gặp điều kiện thuận lợi như bóng tối, ẩm ướt…nhưng lại chịu nhiệt độ kém, bị chết ở 80ºC sau 10 phút. BK sinh sản chậm 20-24 giờ 1 lần, khi gặp điều kiện không thuận lợi, chúng sinh sản chậm hơn hoặc nằm yên không sinh sản (còn gọi là vi khuẩn “ngủ”). Thuốc chống lao chỉ có tác dụng tốt lên vi khuẩn đang sinh sản, khí chúng “nằm ngủ” thì thuốc ít có tác dụng hoặc vô hiệu đối với vi khuẩn.
Vi khuẩn lao rất hiếu khí và đòi hỏi có nhiều chất dinh dưỡng mới phát triển được chính vì thế mà lao phổi là thể lao phổ biến nhất chiếm 85% các trường hợp lao vì vi khuẩn lao khu trú ở các hang lao tại phế quản trong phổi để hấp thu được nhiều oxy và chất dinh dưỡng. Bênh lao phổi đặc biệt nguy hiểm vì rất dễ lây lan cho mọi người xung quanh.
Không nên sử dụng đơn độc một loại thuốc chống lao vì trong các thương tổn lao, số lượng vi khuẩn nhiều đến mức có một số phát triển khác thường, chúng trở nên đột biến và có thể kháng lại một hoặc tất cả các loại thuốc chống lao hiện nay. Khả năng đột biến kháng thuốc khác nhau tuỳ từng loại thuốc. Đối với Rifampicin là 10 -7(có nghĩa là trong 10.000.000 con vi khuẩn lao thì có 1 con kháng lại thuốc). Tương tự như thế đối với INH là 10 -6, S là 10 -5, E là 10 -5. Như vậy nếu trong các hang lao có số vi trùng lao càng lớn thì khả năng có vi trùng đột biến kháng thuốc càng cao. Người ta đã nghiên cứu thấy trong một hang lao ở phổi có khoảng 10 8con vi trùng lao. Trong 1cm 2vách hang lao có 10 10đến 10 12vi trùng lao.Khi điều trị lao, nếu chỉ dùng một thứ thuốc đặc hiệu thì các vi trùng chịu tác dụng sẽ bị tiêu diệt ngay, nhưng số vi trùng đột biến kháng thuốc sẽ vẫn còn sống và chúng tiếp tục phát triển trong tổn thương lao đó dần dần thành một quần thể chỉ gồm toàn các vi trùng lao kháng thuốc. Nếu ta phối hợp cả 3 loại thuốc gồm Rifampicin, INH, Streptomycin thì tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc sẽ giảm đến rất nhỏ (10 -7. 10 -6. 10 -5= 10 -8). Vì vậy, phối hợp các thuốc chống lao trong điều trị là biện pháp có hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất đột biến kháng thuốc của vi khuẩn lao.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 82(1800)