Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/12/2011 20:44 (GMT+7)

Tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa và chính sách thu hồi ruộng đất đến lao động, việc làm ở nông thôn

1. Tác động của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và thu hồi đất nông nghiệp đến đời sống, việc làm khu vực nông thôn.

Tính đến nay, ở nước ta đã xây dựng hơn 190 KCN. Diện tích đất tự nhiên do các KCN đang sử dụng là 32.325 ha. Diện tích đất đã lấp đầy trong các KCN là 21.367 ha, chiếm 53,4% tổng diện tích đất quy hoạch. Vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã xây dựng 34 KCN tập trung với diện tích đất quy hoạch là 6.455 ha. Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết định thành lập 8 khu kinh tế, trong đó có những khu kinh tế khởi động nhanh như Chu Lai, Dung Quất, Phú Quốc. Theo quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp từ nay đến năm 2015, cả nước dự kiến thành lập mới 100 KCN với diện tích tự nhiên là 26.000 ha. Bên cạnh đó, hàng ngàn dự án KĐT mới và khu dân cư tập trung cũng đang được triển khai, nhiều KĐT có kết cấu hạ tầng hiện đại đã hình thành. Theo chiến lược phát triển đô thị đến năm 2020, sẽ có hàng trăm KĐT mới được xây dựng, diện tích đô thị sẽ tăng từ 105.000 ha hiện nay lên 460.000 ha vào năm 2020, đưa tỉ lệ đô thị hoá từ 28% lên khoảng 45% vào năm 2020.

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, đang nảy sinh những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá tới khu vực nông nghiệp - nông thôn; đưa tới những hậu quả không mong muốn và các "hệ luỵ" như gây xáo trộn và bất ổn xã hội, gia tăng thất nghiệp và nghèo đói ở nông thôn; người nông dân mất đất canh tác không còn kế sinh nhai, bắt buộc phải ra thành phố để tìm kiếm việc làm. Hiện tượng này gây nên "vòng tròn khép kín" đô thị hoá - nghèo đói và bất ổn xã hội cả ở nông thôn lẫn thành thị. Quá trình đô thị hoá được đẩy nhanh, kéo theo bài toán nan giải về công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất công nghiệp - dịch vụ, đất đô thị. Người dân vùng đô thị hoá bị mất đất canh tác trăn trở, băn khoăn, nảy sinh các khiếu kiện về đất đai và là ngòi nổ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2005 số vụ khiếu kiện của nông dân trong cả nước về đất đai là 18.000, đến năm 2007 con số này tăng lên là 31.000. Nội dung khiếu kiện có 70,6% là về bồi thường, giải phóng mặt bằng; 10% tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; 8,6% tranh chấp đất đai; 6,8% đòi lại đất cũ; 4% những trường hợp khác. Trong số các trường hợp khiếu kiện nêu trên, có tới 70% khiếu nại về giá đất tính bồi thường thấp so với giá thị trường; 20% khiếu nại đòi bồi thường thêm theo giá đất mới; 6% khiếu nại đòi bồi thường đối với đất mà Nhà nước đã thu hồi trước đây nhưng không bồi thường; 3% khiếu nại về chưa thực hiện tái định cư và 1 % khiếu kiện sự thiếu công bằng trong áp dụng chính sách giữa các trường hợp giống nhau. Công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra càng mạnh thì đất đai nông nghiệp bị thu hồi càng nhiều. Vấn đề người nông dân mất đất, thiếu việc làm và có nguy cơ lâm vào nghèo đói trở nên hiện hữu.

Tính đến ngày 01-4-2009, khu vực nông thôn nước ta có trên 13,78 triệu hộ gia đình; trong đó, 70,9% là hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Dân số nông thôn có 60,4 triệu người, chiếm 70,4% dân số cả nước. Lao động nông thôn chiếm trên 60% lao động xã hội; trong đó, 80% là nông dân làm nghề nông. Quỹ đất nông nghiệp có gần 9,3 triệu ha; trong đó, đất trồng cây hàng năm hơn 6 triệu ha. Quỹ đất nông nghiệp ít, lại giảm nhanh do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Từ năm 2001 đến năm 2010, bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn ha, riêng năm 2007 giảm 120 nghìn ha. Cơ cấu ngành nghề và sản xuất nông thôn thay đổi nhanh chóng, một số ngành nghề gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống bị thu hẹp, các ngành nghề - dịch vụ hướng về thị trường có xu hướng mở rộng. Tuy nhiên, vì thiếu quy hoạch và kế hoạch, các hoạt động ngành nghề - dịch vụ mới và chỗ làm việc mới tạo ra tại địa phương thường không nhiều ngoại trừ một số địa phương vốn có ngành nghề truyền thống được đánh thức, khơi dậy. Hơn nữa, không phải ai cũng có điều kiện và khả năng chuyển đổi nghề (học và thực hành thành thạo một nghề mới), nhất là với những người lớn tuổi.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, cứ 1 ha đất nông nghiệp mất đi sẽ làm 4 lao động mất việc và với nửa triệu ha đất nông nghiệp mất đi từ năm 2001 đến năm 2010, số lao động mất việc làm lên tới hàng triệu người. Trong số lao động của các hộ nông dân mất đất do đô thị hoá và công nghiệp hoá, chỉ có 13% tìm được việc làm phi nông nghiệp tại địa bàn, 20% thất nghiệp hoàn toàn, 67% thất nghiệp từng phần, chỉ có việc làm nông nghiệp vào thời vụ. Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện nay có 6 - 7 triệu lao động dư thừa không có việc làm thường xuyên; trong đó, có trên 50% chỉ có việc làm từ 3 đến 4 tháng trong năm. Số người di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, các khu, cụm công nghiệp để làm thuê bằng đủ các loại nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven tăng lên. Tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các đô thị mới trong vùng và cả nước. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, mỗi năm Hà Nội có hàng triệu người lao động thời vụ nhập cư vào thành phố có hoặc không có đăng kí chính thức, Tp. Hồ Chí Minh trên 1 triệu người. Người nông dân vốn quen với công việc đồng áng, "quanh năm một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm", giờ đây buộc phải làm quen với môi trường xã hội và công việc mới mẻ ở đô thị. Tỉ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới gần 71 % lao động xã hội, nhưng chỉ tạo ra hơn 20% GDP (năm 2009) và xu hướng này còn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới. Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng nêu trên là:

Thứ nhất,các luồng di dân tự phát ra thành phố gây áp lực quá tải về đáp ứng nhu cầu bố trí lao động - việc làm cũng như cung cấp các dịch vụ đô thị cho người dân; tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị có xu hướng tăng cao, (tại khu vực đô thị vùng đồng bằng sông Hồng là 16% - cao hơn mức trung bình cả nước). Kết quả khảo sát 8 xã ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hầu như không có lao động dưới 40 tuổi ở nông thôn, hầu hết lao động trẻ đều đến các đô thị để kiếm việc làm, chỉ còn lại những người trên trung niên và cao tuổi. Hiện tượng này khiến lao động khu vực nông thôn bị khan hiếm, chất lượng lao động giảm sút, lao động thanh niên trong độ tuổi giảm nhanh.

Thứ hai,các tệ nạn xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng ở khu vực nông thôn. Một bộ phận không nhỏ những người ở lại làng quê tiếp tục làm ruộng với quỹ đất giảm dần, nên "nhàn cư vi bất thiện". Còn ở thành phố thì không phải tất cả người di cư từ nông thôn ra đều kiếm được việc làm, trong khi chi phí sinh hoạt thành phố lại đắt đỏ "đói ăn vụng túng làm càn" - đây là môi trường cho các tệ nạn như cờ bạc, lô đề nghiện hút, tội phạm nảy nở.

Thứ ba,môi trường sinh thái vùng nông thôn, vùng ven đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các yếu tố bất lợi với môi trường sinh thái như nguồn nước sạch, thảm thực vật, cây xanh giảm xuống. Ngoài ra, các yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm môi trường như bụi, nước thải công nghiệp, rác công nghiệp từ các KCN, từ bệnh viện, trường học tăng lên. Tại các KCN và cụm công nghiệp - làng nghề, một số cơ quan, trường học, bệnh viện. ..vẫn chưa có bộ phận xử lý các chất thải, nước thải mà xả thẳng ra môi trường.

Thứ tư,phát sinh những mâu thuẫn mới trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng quỹ đất cho đô thị hoá, công nghiệp hoá với giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân mất đất; giữa yêu cầu giải phóng lao động nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá với tập quán người cày có ruộng, tâm lý nông dân không muốn xa quê hương bản quán; giữa ứng dụng khoa học, công nghệ đế giảm lao động sống với lao động dư thừa; giữa tâm lý tăng năng suất, tăng sản lượng là chủ yếu của nông dân với yêu cầu tăng chất lượng, tăng độ sạch của nông sản đế tăng sức cạnh tranh.

Thứ năm,việc thu hồi đất nông nghiệp tất yếu ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Nhà nước đã có chính sách đền bù cho họ tương đối thỏa đáng theo giá trị thị trường. Nhưng sau khi nhận tiền đền bù, giải toả, nhiều hộ nông dân có một khoản tiền khá lớn trong tay lại không biết chi tiêu, đầu tư hợp lý. Một số người có kinh nghiệm kinh doanh, đã sử dụng nguồn tiền đó đầu tư vào dịch vụ nên thu nhập và đời sống khá lên. Tuy nhiên, không ít hộ lại dùng tiền này mua sắm đồ đạc đắt tiền, xây dựng sửa sang nhà cửa, ăn tiêu hoang phí, thậm chí sa vào các tệ nạn xã hội.

Thứ sáu,tại khu vực nông thôn đã có sự phân hoá thu nhập và đời sống trong nội bộ dân cư. Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thời kì 1996-2006 là 2,7% so với 8,8% ở thành thị; thu nhập của dân cư nông thôn chỉ bằng 54,6% dân đô thị, lại giảm dần đến năm 2006 chỉ còn bằng 47,85%, năm 2008 còn 47,45%. Điều này được lý giải do mất đất, di chuyển nơi ở, chưa quen với ngành nghề mới phi nông nghiệp, đời sống một bộ phận nông dân gặp khó khăn, lao động dư thừa, việc làm thiếu, tệ nạn phát sinh. Từ đây xuất hiện các điểm nóng về xã hội, các tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, trước hết là tại các KCN - KĐT.

2. Một số giải pháp khắc phục những hạn chế nảy sinh trong quá trình thu hồi đất của nông dân.

Một là, quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng các KCN, KĐT phải gắn với phương án bố trí việc làm cho lao động, nhất là lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt trong nông nghiệp, do đó, phải hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp cho mục đích công nghiệp và đô thị hoá. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở quy mô lớn phải do Quốc hội quyết định. Xây dựng, ban hành và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cả nước một cách ổn định, lâu dài. Phương án đền bù và bố trí công ăn việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân phải hợp lý. Giá đền bù phải tính tới cả những thiệt hại vật chất và thiệt hại vô hình, không chỉ chú ý thỏa mãn lợi ích kinh tế trước mắt mà còn phải tính đến lợi ích lâu dài, bảo đảm cho người dân bị thu hồi đất có cuộc sống và việc làm ổn định. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại địa phương.

Công tác quy hoạch KCN, cụm công nghiệp và KĐT mới cần phải có sự tham gia của tất cả các địa phương liên quan để cho người dân nắm được quy hoạch dài hạn và từ đó chủ động trong công việc sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi ngành nghề mới khi Nhà nước thu hồi đất. Phải làm rõ KCN, cụm công nghiệp ở đâu, quy mô của nó là bao nhiêu, các doanh nghiệp nào sẽ đầu tư vào đó, tránh tình trạng lãng phí đất nông nghiệp, thu hồi đất rồi để đó không kêu gọi được nhà đầu tư, trong khi nông dân không có đất để sản xuất và quy hoạch mảnh đất tốt để lại mảnh đất xấu làm nông nghiệp.

Hai là, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân nhất là những vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vùng nông dân bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Mở rộng quyền tự chủ, chịu trách nhiệm trong tổ chức cưng cấp dịch vụ đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập. Xây dựng cơ chế tự chủ tài chính để các đơn vị này phát huy được các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực. Bên cạnh đó, cần phải có những chính sách phát triển, mở rộng quy mô đào tạo và tạo nguồn thu lớn ngoài ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo nghề. Khuyến khích các cơ sở này năng động, chủ động trong việc tạo lập các nguồn thu chính đáng. Xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất canh tác.

Ba là, củng cố và mở rộng hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Một trong những vấn đề khó khăn của nông thôn là tìm kiếm việc làm, khả năng tiếp cận các dịch vụ việc làm. Để tạo điều kiện cho họ hưởng thụ các dịch vụ như thông tin về cung - cầu lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp... trong những năm tới, cần chú trọng hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động như thông tin về lao động chưa có việc làm, nhu cầu tìm việc làm, thông tin xuất khẩu lao động, nhu cầu học nghề, lao động mất việc và có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp... trên cơ sở đó, cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhà nước nên tăng cường tổ chức các phiên chợ việc làm tại các vùng bị thu hồi đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở đào tạo nghề trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông tin nhu cầu lao động - việc làm, thông qua đó, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở trên mảnh đất bị thu hồi. Đồng thời, giúp người lao động ở vùng bị thu hồi đất nông nghiệp tìm kiếm được việc làm, định hướng học nghề, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, nhất là khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp.

Bốn là, sửa đổi lại quy định về giá đền bù đất đai.

Luật Đất đaisửa đổi năm 2003 và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-01 -2006 của Chính phủ là bước tiến để thực hiện xác định giá đất phù hợp với giá đất thị trường, khắc phục tình trạng "hai giá". Mặt khác, cơ chế, chính sách giá đền bù, hỗ trợ tái định cư nên có sự ổn định, tránh một dự án trải qua nhiều chủ đầu tư và quá nhiều cơ chế giá, dễ diễn ra những thắc mắc, khiếu kiện gây cản trở trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết (thường là cấp xã, phường), cần phải thực hiện tốt việc phân tích, đánh giá cũng như tổ chức lấy ý kiến của người dân.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.