Sự sống cổ đại trong giọt dầu
TS. Herbert Volk từ tổ chức CSIRO Petroleum ở Sydney, giới thiệu nghiên cứu của nhóm tại hội thảo khoa học trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học quốc gia Australia .
"Phát hiện về thân tảo hữu cơ là rất ấn tượng vì tảo không có các phần thân cứng, chúng hầu như không bao giờ được bảo tồn trong các hoá thạch", Volk, một nhà địa hoá học hữu cơ, nhận xét.
"Điều thú vị trong nghiên cứu của chúng tôi là chúng tôi có thể chắc chắn đây là tảo", ông nói thêm.
Các nhà khoa học từ lâu đã muốn tìm hiểu những loài tảo và vi khuẩn tí hon tồn tại từ thủơ sơ khai của trái đất, vì chúng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tiến hoá của những dạng sống phức tạp hơn. Tuy nhiên, hoá thạch từ thời kỳ này rất hiếm hoi và được bảo tồn quá kém, đến mức một số nhà nghiên cứu đã quay ra tìm hiểu tàn tích của các vi sinh vật cổ đại trong trầm tích dầu ở Australia, đông Siberi, Canada và Nam Phi. Tàn tích đó là những bộ khung hydrocarbon cấu thành nên vỏ tế bào sinh vật.
Tuy nhiên, biết được chính xác niên đại của vi khuẩn và tảo cổ đại lại không dễ chút nào, và người ta thường cho rằng nhiều khả năng chúng bị nhiễm bẩn từ môi trường vào mẫu.
Song giờ đây, Volk và cộng sự đã tìm thấy các "nang thời gian" chứa đầy hydrocarbon - bằng chứng có thể đảm bảo rằng những hydrocarbon này cũng cổ như lớp đá bao quanh chúng.
Nhóm đã phát hiện ra các bóng dầu nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong những hạt đá thạch anh và đá núi lửa cổ đại có tuổi đời 1,2 tỷ năm ở thung lũng Roper, phía Bắc lục địa Australia. Trong những hạt dầu này là các hydrocarbon tiền sử, chứng tỏ sự có mặt của một loài vi khuẩn quang hợp đơn bào, có tên gọi cyanobacteria. Chúng là loài đã tạo ra ôxy cho bầu khí quyển.
Vì các túi dầu này nằm gọn trong tinh thể đá, nên nó đảm bảo rằng các hydrocarbon của sinh vật có tuổi ít nhất một tỷ năm. Volk hy vọng việc phân tích hỗn hợp hydrocarbon trong túi dầu sẽ tạo cơ hội để tìm hiểu về tỷ lệ các loài sinh vật khác nhau tồn tại ở những thời kỳ nào đó trong lịch sử trái đất.
Nguồn: vnexpress.net 22/8/2005