Sở hữu trí tuệ ở VN: Từ lề đường bước vào xa lộ
Dưới đây là bài viết của tác giả Phạm Duy Nghĩa (ĐH Quốc gia Hà Nội). Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) số ra tháng 8/2004. Nhận thấy nội dung bài viết có nhiều điểm còn mang thời sự xung quanh vấn đề nhận thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở VN, chúng tôi xin giới thiệu lại bài viết này.
Một chút lịch sử... Vào năm 1947, Viện dân biểu cửa thành phố tự trị Venedig ban hành một đạo luật đầu tiên và quyền sáng chế, cho phép người phát minh độc quyền sử dụng sáng chế đó trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp bản quyền.
Kể từ đó các đạo luật bảo hộ sáng chế nối tiếp nhau ra đời và lan rộng nhiều lĩnh vực, ngày nay mọi tri thức có giá trị thương mại đều dễ dàng được bảo hộ chúng dễ dàng tư bản sinh lời.
Còn tại VN, Bộ Luật dân sự 1995, Luật Thương mại 1997, Bộ Luậ hình sự 1999, và vô số nghị định thông tư đã hướng dẫn thi hành đủ loại quyền tài sản trí tuệ. Từ quyền của giới tri thức văn nghệ, cho tới độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thậm chí bí mật thương mại cũng được bảo hộ đầy đủ ở VN.
Văn bản luật thì nhiều, vậy mà buồn thay, trong khi Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... đều đã nối đuôi Nhật Bản biến thành cường quốc công nghệ, người VN vẫn chỉ đứng bên lề đường mà nhìn công nghệ vụt đi nhanh.
Học hàm, học vị ngày càng được phát nhiều, song công trình nghiên cứu được công bố trên các ấn phẩm quốc tế, sáng chế và sở hữu trí tuệ của người trong nước trên trường quốc tế thật hiếm hoi.
Đôi khi luật sở hữu trí tuệ của nước ta trên thực tế bảo hộ cho tài sản cho ngoại bang là chính. Cứ khoảng 1.200 văn bằng cấp sáng chế cho người nước ngoài thì mới có 30 văn bằng cấp cho người trong nước.
Việt tộc, một dân tộc ưu tiên theo cách chiết tự chữ Bách Việt của Kim Định, không thể còn vô cảm trước những nguy cơ ngày càng lộ rõ khi bước vào ngôi làng toàn cầu.
Nếu chỉ trông cậy vào dầu thô, dệt may, đánh bắt thủy sản, xuất khẩu lao động giản đơn, cho đến bao giờ người nước ta mới có thể làm chủ cuộc chơi toàn cầu và biến dông bão của thời thế thành sức ép canh tân.
Đuổi theo và vượt là kế sách mà các nước đồng văn đã bắt đầu làm từ thời Nguyễn Trường Tộ soạn Tế cấp bát điều.Sau nhiều năm tìm những con đường mới, có lẽ nước ta nên nhìn láng giềng mà học cách phát triển kỹ nghệ.
Để pháp luật góp phần khuyến khích và bảo hộ sở hữu trí tuệ một cách tốt hơn trong thời mở cửa, theo thiển ý của tôi ba vấn đề sau đây cần được quan tâm:
Thứ nhất,Khi Minh Trị và quần thần làm lễ canh tân, họ đi vào thế giới bằng cách mở cửa trái tim và trí óc của dân tộc Nhật. Bàn đàm phán cho VN gia nhập WTO có lẽ không chỉ diễn ra ở Genève, mà gay go hơn sẽ diễn ra ở HN. Tri thức và kỹ nghệ phương Tây chỉ mang lại sức mạnh cho người Nhật, nếu chúng được đón nhận thành tâm. Tiếp nhận luật lệ WTO và chuyển hóa các yêu cầu của chúng thành Luật VN thì dễ, song làm cho thứ luật lệ trên giấy đó tương thích với ý thức hệ, với văn hóa và lối sống của người trong nước mới khó khăn hơn.
Văn bản luật không cần nhiều và tinh vi phức tạp, điều quan trọng là tinh thần pháp luật phải rõ ràng. Suy cho cùng bảo vệ sở hữu trí tuệ là tôn trọng quyền tài sản tư nhân, giảm thiểu can thiệp của nhà nước và tự do định đoạt quyền tư hữu này. Chỉ khi minh định chủ đích đó, pháp luật mới đỡ chồng chéo, sự can thiệp tùy tiện của công quyền mới giảm và người dân mới có niềm tin học cách sử dụng pháp luật để bảo vệ tài sản tư của mình.
Thứ hai,thời Napoléon cho soạn những bộ luật đồ sộ đã qua. Thế giới biến đổi quá mau lẹ, bởi thế người ta thường ban hành các đạo luật ngắn gọn, phản ứng tức thì với mọi đổi thay.
Thay vì tô vẽ thêm cho Bộ luật dân sự hay Luật Thương mại như các ban soạn luật đang làm hiện nay, người làm luật nước ta nên ban hành nhiều đạo luật chuyên biệt nhỏ về phát minh, nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng phần mềm máy tính, thiết kế mạch tích hợp và những thứ tương tự.
Việc tổng hợp các đạo luật nhỏ đó thành những tuyển tập và phân chia chúng theo các tệp cho dân chúng dễ sử dụng là công việc của các nhà xuất bản, chứ không phải của nhà làm luật.
Thứ 3, thiếu luật không chỉ nghiêm trọng bằng thiếu thiết chế thực thi, đặc biệt là thiếu những tòa án biết cách bảo vệ tài sản tư của người dân.
Khi hàng nhái tràn lan thì việc đầu tư cho thương hiệu trở nên xa xỉ, khi mẫu giày dép, quần áo mau chóng bị sao chép, thì sức sáng tạo của người tạo mẫu suy giảm.
Công lý chỉ có thể đạt được, nếu tòa án đề cao sở hữu tư nhân và nghiêm trị hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài gia tăng hình phạt, cần tịch thu mọi nguồn thu của doanh nghiệp vi phạm nhằm tiêu diệt mọi phương tiện thu lợi bất chính.
Trong bất cứ đạo luật nào, nếu thấy nguy cơ sở hữu tư bị đe dọa, đều có thể quy định tội danh và hình phạt để trấn áp. Thêm nữa cần thành lập tòa chuyên môn cho các việc liên quan tới vi phạm sở hữu trí tuệ, chí ít là đối với những tranh chấp về tác quyền, độc quyền phát minh hoặc nhãn hiệu thương mại. Thẩm phán chuyên xử những vụ việc kiểu này , ngoài kiến thức pháp luật, cần có những tri thức nghiệp vụ nhất định về từng loại sở hữu trí tuệ.
Chỉ khi đó, tài sản tư hy vọng mới được bảo đảm một cách hiệu quả, người ta mới dám đầu tư cho nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo hy vọng những cố gắng đó được đền bù trong tương lai.
Từ vài năm nay dường như rầm rộ nổi lên những nghiên cứu về toàn cầu hóa. Người ta sốt sắng đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi vô số văn bản pháp luật. Đó là một cách nhìn phổ biến. Song đôi khi người ta lại mong pháp luật cần thưa thớt hơn, cốt sao cởi trói cho doanh nhân, cởi trói cho người lãnh đạo các ngành vì địa phương, để cho họ có cơ hội năng động cạnh tranh với các nước láng giềng. Điều mơ ước ấy có thể cũng đúng cho pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tình trạng yếu kém của hiệu lực thực thi pháp luật sở hữu công nghiệp nói chung, pháp luật về patent nói riêng khiến người ta không hy vọng pháp luật có thể đảm bảo cho việc quyền sở hữu không bị xâm phạm. Điều này khiến các nhà sáng chế phải thỏa hiệp với những dàn xếp "hạ sách" hoặc tìm ra phương thức khác để bảo vệ lợi ích của mình. Một ví dụ là trường hợp chuyển giao công nghệ sản xuất máy sấy hạt của Đại học Nông lâm Thủ Đức. Trong hơn 15 năm, thày trò khoa cơ khí công nghệ của trường này đã dành nhiều công sức nghiên cứu, thiết kể, chuyển giao công nghệ các loại máy sấy hạt và đến nay đã có hàng ngàn máy sấy thuộc đủ chủng loại quy mô khác nhau đã được sản xuất, sử dụng nhiều địa phương trong nước. Bốn máy đã được cấp patent cho giải pháp hữu ích nhiều cơ sở cơ khí địa phương đã được chuyển giao công nghệ sản xuất theo đúng bản thiết kế chuẩn. Đặc biệt công nghệ máy sấy "siêu rẻ" đã được chuyển giao cho Ấn Độ, Philippin... trong chương trình hợp tác với viện lúa quôc tế. Mặc dù chuyển giao công nghệ, trong đó có cả công nghệ được bảo hộ bằng patent nhưng đến nay đại học Nông lâm vẫn chưa thu được đồng nào từ patent đó. Theo giải thích của anh Hiền, tác giả của một số máy sấy thì trong máy sấy hạt duy nhất chỉ có chiếc quạt là khó làm nhất. Nếu quạt chất lượng kém thì máy sấy cũng kém chất lượng và thất bại. Lúc đầu khoa cũng tính lập xưởng sản xuất rồi tung ra thị trường bán nhưng trong hoàn cảnh thị trường máy sấy nằm dài khắp các vùng nông thôn, người ta sớm muộn gì cũng tìm cách bắt chước. Nếu vậy thì có nguy cơ hàng tốt hàng kém chất lượng lẫn lộn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, uy tín của Đại học Nông lâm. Suy nghĩ như vậy nên với loại máy sấy thế hệ gần đây nhất khoa đã thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho 16 cơ sở sản xuất quạt trên cả nước chủ yếu ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giá chuyển giao công nghệ là trọn gói phần cứng là cái quạt 8 triệu đồng, phần mềm thực chất là tiền xe đò 2 triệu. Có doanh nghiệp chỉ làm được hai cái rồi thôi cũng có doanh nghiệp làm tới 400-500 cái. Trong số các cơ sở sản xuất máy sấy này có doanh nghiệp gắn nhãn Đại học Nông lâm, song cũng có những doanh nghiệp mang nhãn khác. Tuy nhiên, với những máy sấy quy mô trên 100 triệu đồng thì khoa chưa dám làm vì công nghệ phức tạp hơn, và nếu hỏng thì không có gì để đền. |
Nguồn: Tia sáng