Singapore cải cách giáo dục theo hướng dạy ít, học nhiều (P.2)
Chỉ dẫn chất lượng của mô hình “Dạy ít, học nhiều”
Theo Bộ GD Singapore, mô hình mới “Dạy ít, học nhiều” sẽ từng bước gạt bỏ sự phụ thuộc vào lối học vẹt, các kỳ kiểm tra lặp đi, lặp lại và phương pháp dạy “phù hợp với tất cả”. Đồng thời, nó củng cố vai trò của học tập tích cực thông qua những khám phá mang tính trải nghiệm, phương thức dạy đa dạng, việc học tập những kỹ năng có ích lâu dài trong cuộc sống và xây dựng nhân cách nhờ vào các chiến lược cũng như phương pháp dạy hiệu quả và mới mẻ.
Nhưng làm thế nào để biết một nền GD đã chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng? Đây là một vấn đề đòi hỏi cách xử lý tinh tế bởi vì việc cung cấp các chương trình và cấu trúc mới, tuy cần thiết, nhưng không đảm bảo sẽ tạo ra sự chuyển biến từ số lượng sang chất lượng trong bản chất của nền GD.
Dấu hiệu minh chứng chất lượng GD dưới hình thức những tấm gương xuất sắc đã tồn tại từ lâu trong nền GD Singapore. Tuy nhiên, việc đối phó với hình thức coi trọng thành tích này lại làm nảy sinh áp lực tìm kiếm những chỉ báo chất lượng có thể định lượng. Đây là một công việc không hề đơn giản bởi các chỉ báo chưa chắc nắm bắt được những sắc thái tinh vi trong sự thay đổi về chất lượng.
Vì vậy, các nhà sư phạm rất cần tìm kiếm một bộ các “biển chỉ dẫn” chất lượng. Bộ chỉ dẫn này phải có tác dụng như một cẩm nang hướng dẫn các trường học trong quá trình phát triển, giúp các trường đánh giá trạng thái hiện tại và đi đúng hướng. Những yếu tố sau có thể trở thành “biển chỉ dẫn” cho nền GD Singapore:
• Xây dựng kiến thức (chứ không chỉ truyền đạt kiến thức)
• Hiểu (chứ không chỉ ghi nhớ)
• Chú trọng phương pháp sư phạm (chứ không chỉ tiến hành hoạt động)
• Tạo dựng xu hướng xã hội (chứ không chỉ học tập cá thể)
• Học với định hướng của bản thân (chứ không chỉ với định hướng từ giáo viên)
• Đưa ra những đánh giá và tự đánh giá mang tính định hình (chứ không chỉ tổng hợp điểm)
• Học về cách học (chứ không chỉ học về chủ điểm).
Khi nói đến nhu cầu thay đổi nhận thức luận trong quá trình dạy và học, việc cảnh báo cũng rất cần thiết để tránh trường hợp những người tham gia dao động, chuyển sang hướng ngược lại. Do đó, cần tạo ra sự cân đối hợp lý giữa nội dung và kỹ năng tư duy.
Việc khuyến khích học sinh tham gia tất cả các hoạt động “thú vị” núp bóng mô hình “Dạy ít, học nhiều” mà không cân nhắc tới nội dung hay yếu tố sư phạm rất nguy hiểm. Học sinh có thể không học hỏi được nhiều từ các hoạt động này và lơ là các môn đọc, viết và số học.
Vì vậy, vấn đề lớn nhất ở đây vẫn liên quan đến điểm cân bằng.
Một mặt, nội dung hiện tại đang bị nhồi nhét với quá nhiều chi tiết, định nghĩa, công thức và “vật trang sức” khác. Mặt khác, nội dung ngắn gọn hơn không đồng nghĩa với việc chỉ cần tóm lược các cuốn sách giáo trình, ghi chú hay các nguồn thông tin khác dưới dạng sườn thông tin sơ sài.
Trong khi hệ thống hiện tại với những bài tập và bài kiểm tra lặp đi, lặp lại kìm hãm tư duy sáng tạo của học sinh. Mặt khác, muốn đạt hiệu quả cao, học sinh phải thường xuyên ôn lại kiến thức. Do đó, các bài tập lặp đi, lặp lại không phải lúc nào cũng vô tác dụng. Vậy điểm cân bằng nằm ở đâu?
Khó khăn đặt ra ở đây là giáo viên phải lựa chọn điểm cân bằng giữa kiến thức với kỹ năng học tập; giáo viên là trung tâm hay học sinh là trung tâm; chương trình học chuyên sâu theo trục dọc hay chương trình học đa dạng, phát triển theo chiều ngang; thành tích cá nhân hay hoạt động học tập chung của tập thể; trách nhiệm của học sinh và sự tự chủ đi kèm.
Tất nhiên, lý tưởng nhất là đồng thời đạt được cả hai yếu tố trong các cặp đôi trên. Tuy nhiên, ngay cả khi giáo viên phải đánh giá và điều chỉnh liên tục để đạt được sự cân bằng, trạng thái lý tưởng này cũng rất khó xảy ra.
Đạt được sự chuyển biến rộng khắp hệ thống
Về bản chất, mô hình “Dạy ít, học nhiều” là sự chuyển đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi trong việc thực hành GD. Mặc dù chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những ví dụ và nghiên cứu tình huống đơn lẻ, nhưng việc đạt được sự chuyển biến rộng khắp hệ thống là một thách thức rất lớn.
Trước hết, có nhiều dự án phát triển và cải cách GD đặt ra giả định: Tự bản thân các chương trình học và giảng dạy mới đã rõ ràng, tường minh. Do đó, giáo viên có thể áp dụng ngay sau khi tham gia những khóa đào tạo sơ lược. Khi những ý tưởng “vượt trội rõ ràng” của chương trình mới được đưa dồn dập cho giáo viên, họ chỉ cần chuyển từ cách dạy truyền thống sang phương pháp mới và thay đổi thói quen lâu năm.
Trái với suy nghĩ này, việc thay đổi phương pháp sư phạm là một quá trình rất đỗi phức tạp. Bản thân các giáo viên là sản phẩm của thế hệ cũ. Đức tin của họ được hình thành từ những trải nghiệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ được đào tạo thông qua một hệ thống đức tin khác biệt hoàn toàn với hệ thống đang được hô hào, cổ vũ.
Tuy nhiên, không chỉ giáo viên, mà cả các nhà quản lý GD cũng phải hiểu bản chất và biết cách áp dụng mô hình GD mới, bởi họ là người cung cấp nền tảng để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy.
Lãnh đạo các trường cần chuyển theo hướng quản lý kiến thức giảng dạy và chương trình học, chứ không chỉ đơn thuần là quản lý hành chính. Với cương vị là đầu tàu, họ phải định hướng và tạo động lực cho giáo viên thực hiện quá trình chuyển đổi quan trọng từ “người thực hiện” trở thành “người kiến thiết”.
Tuy nhiên, ở khía cạnh này, kẻ thù tồi tệ nhất của sự tiến bộ và cải cách có thể chính là thành công. Nhiều phụ huynh đã quen sử dụng thước đo định lượng là thành tích học tập. Trong một thời gian dài, người ta đã quen với suy nghĩ, một học sinh giỏi là học sinh có kết quả học tập xuất sắc. Do đó, các hiệu trưởng khó lòng cho phép mình tách rời quá xa quan điểm cũ, khi họ đang là người đứng mũi chịu sào trước kết quả của trường trong các kỳ thi quốc gia.
Với tâm lý ngại rủi ro như thế, đâu sẽ là triển vọng cho những thay đổi liên tục, trên quy mô rộng trong đó việc dạy các kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện, kết hợp công nghệ thông tin vào dạy và học cũng như các hình thức khuyến khích của bài tập dự án chính là thước đo đánh giá?
Cải cách chứ không vay mượn cơ chế
Ở một chừng mực nào đó, trường hợp của Singapore là ví dụ điển hình cho những cuộc cải cách GD gần đây trong hệ thống GD của Đông Á. Các nước Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore dường như đang háo hức chối bỏ hệ thống mà cả thế giới, đặc biệt là Mỹ muốn có: Một chương trình học toán và khoa học có hệ thống, chặt chẽ và nghiêm ngặt để đổi lấy một nền GD toán học và khoa học đặt trọng tâm là học sinh, đi theo hướng xây dựng xu hướng và tùy theo yêu cầu – hệ thống mà nhiều nhà sư phạm Mỹ đang muốn vứt bỏ.
Tất nhiên, những nước này cũng đang tìm kiếm các cách thức khác nhau để giải quyết những vấn đề như việc học sinh thiếu tính sáng tạo, tập trung vào ghi nhớ hơn là ứng dụng, thiếu sự liên hệ giữa những điều được học trong nhà trường với thực tế cuộc sống v.v…
Nhưng về cơ bản, những gì mà các nhà cải cách Đông Á nhắm đến trong tương lai chính là quá khứ và hiện tại của Mỹ và ngược lại.
Sai lầm của các nhà cải cách Đông Á tập trung vào những điểm sau:
Đầu tiên, họ đã vô tình từ bỏ những điều quý giá. Khi học hỏi từ người khác, họ quên mất rằng những gì họ đạt được vẫn vẹn nguyên giá trị. Do đó, họ đánh mất thế mạnh của mình.
Thứ hai, họ thường có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những gì lung linh trong thành tựu của người khác mà bỏ qua các góc khuất.
Thứ ba, họ thường vô tình quên mất điều kiện giúp người khác đạt được thành tựu đó. Họ chỉ tập trung vào việc vay mượn cơ chế mà không tính đến điều kiện về hệ thống, xã hội và văn hóa khiến cơ chế đó hoạt động hiệu quả.
Thứ tư, các nhà cải cách thường nhìn vào chiến lược và thực hành ở góc độ riêng lẻ, bỏ qua khả năng chúng có thể tương tác với nhau tạo ra những tác động như mong muốn. Cuối cùng, họ thường đánh giá kinh nghiệm của nước khác từ góc nhìn của mình, do đó thường hiểu sai vấn đề.
Nhiều hệ thống GD đã thất bại với nỗ lực cải cách tập trung hóa trên diện rộng nhằm tác động đến cách học tập của học sinh. Liệu Singapore có thể chứng minh điều ngược lại trong cuộc cải cách mô hình “Dạy ít, học nhiều” của mình? Câu trả lời hiện thời vẫn đang để ngỏ.
Mặc dù mục đích của chính sách này có thể đúng đắn, nhưng để thật sự tác động và làm thay đổi bản chất của thói quen dạy và học, cuộc cải cách GD của Singapore không thể chỉ dừng lại ở việc thay đổi cấu trúc ở cấp hệ thống mà cần phải giải quyết những vấn đề tinh vi và khó nhằn hơn.
Nếu không, việc thực hiện một mô hình khuyến học, chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng trên toàn hệ thống sẽ trở thành những mục tiêu trên giấy.