Sẽ ô nhiễm nặng từ chất thải điện tử
Nghiên cứu về hệ thống thu gom, xử lý chất thải điện, điện tử và đề xuất mô hình thu gom bền vững tại Việt Nam do các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các cộng sự thực hiện được công bố mới đây. Đây là nghiên cứu hiếm hoi ở Việt Nam về chất thải điện và điện tử.
Theo kết quả nghiên cứu, do nhu cầu sử dụng thiết bị điện, điện tử tăng nhanh cùng với việc giảm thời gian sử dụng thiết bị dẫn đến sự bùng nổ các chất thải điện, điện tử như tivi, máy tính, điện thoại, tủ lạnh, máy giặt. Theo tính toán, ở nội thành Hà Nội đến năm 2020, các chất thải điện tử gồm ti vi, điện thoại, máy tính, điều hòa nhiệt độ, máy giặt đều tăng từ 2-3 lần so với hiện nay. Ở thành phố Hồ Chí Minh còn lớn hơn, lượng ti vi, điện thoại, điều hòa, máy giặt thải ra mỗi năm từ 300.000-400.000 sản phẩm chỉ riêng khu vực nội thành.
Một nghiên cứu trước đó của Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cũng cho thấy, sự gia tăng chóng mặt của chất thải điện tử ở Việt Nam. Đến năm 2020, sẽ có khoảng gần năm triệu ti vi thải bỏ, gấp hơn ba lần năm 2014, máy tính là gần 1,5 triệu chiếc, máy giặt là 2,6 triệu chiếc. Báo cáo của Nhật Bản cũng cho thấy, Việt Nam sẽ nằm trong vùng sôi động của thị trường chất thải điện, điện tử.
Thu gom, tháo dỡ, tái chế thủ công
Xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một trong những nơi thu gom, tháo dỡ chất thải điện tử lớn ở miền Bắc. Theo ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã, nghề thu gom, tháo dỡ chất thải điện tử của làng xuất hiện cách đây hơn chục năm. Lúc đầu có vài hộ làm nghề, sau phát triển với quy mô ngày càng lớn. Nay xã có hơn 100 hộ làm nghề.
Hằng ngày, ô tô, xe máy của các hộ làm nghề tản về nhiều địa phương ở miền Bắc để thu gom rác thải điện tử, chủ yếu là tivi, máy tính, điện thoại đã qua sử dụng. Một chủ hộ làm nghề trong làng cho biết, cao điểm mỗi ngày gia đình anh thu gom tới 5.000 ổ cứng máy tính. Các chất thải điện tử sau khi thu gom về được người dân tháo dỡ hoàn toàn bằng tay. Sau khi tháo dỡ các vật liệu có thể tái chế hoặc tái sử dụng được như linh kiện, sắp thép, đồng, nhôm, nhựa được phân loại, đóng gói và bán lại cho người dân ở các làng tái chế hoặc xuất sang Trung Quốc.
Ông Toàn cho biết, tất cả các khâu trong quá trình thu gom, hầu hết người dân không có trang bị bảo hộ lao động, họ chỉ dùng găng tay và khẩu trang. Các bộ phận của tivi, máy tính không tái chế được thải trực tiếp ra môi trường chứ không theo một quy trình xử lý nào cả. Cuối năm 2013, một số đoàn công tác của ngành môi trường về xã Mẫn Xá lấy mẫu đất, nước để đo mức độ ô nhiễm.
Theo PGS.TS Huỳnh Trung Hải, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, chất thải điện tử là dòng thải chứa nhiều chất độc hại làm ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khỏe cộng đồng như: PCBs, PBDEs, HBCDs. Những chất này rất khó phát hiện và độc hại, có thể gây di chứng đến thế hệ sau.
Trong khi đó ở Việt Nam việc kiểm soát xử lý chất thải điện, điện tử chưa được chặt chẽ, ngoại trừ việc xuất nhập khẩu và xử lý chất thải nguy hại. Nghiên cứu chỉ ra việc tháo dỡ chất thải điện tử hiện nay hoàn toàn do tư nhân kiểm soát với các trung tâm như Cẩm Xá (Hưng Yên), Văn Môn (Bắc Ninh), Tề Lỗ (Vĩnh Phúc). Việc tái chế chủ yếu thực hiện tại các làng nghề với công nghệ cũ, lạc hậu, hiệu suất thu hồi thấp, nhất là chưa kiểm soát được việc thải bỏ các thành phần không tái chế. Các nhà khoa học khuyến cáo, trước nguy cơ bùng nổ chất thải điện tử, Việt Nam cần sớm xây dựng một mô hình xử lý chất thải điện tử với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, đơn vị thu mua, tháo dỡ tái chế theo một quy trình chặt chẽ, khoa học thay vì thả lỏng như hiện nay.
Hoãn thời điểm thu hồi điện thoại, máy tính bảng Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1/1/2015, nhiều sản phẩm điện tử như máy vi tính, điện thoại di động, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy tính bảng hết hạn sử dụng sẽ phải tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 50 để phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi ban hành ngày 23/6/2014. Theo đó, thời điểm thu hồi các sản phẩm điện tử thải bỏ trên có thể lùi vào 1/7/2015 hoặc 1/1/2016. |