Sáng tạo kỹ thuật đi vào thực tiễn
Lan tỏa phong trào
Hiện nay phong trào lao động, sáng tạo của người lao động ở tỉnh Phú Yên rất sôi nổi, lan tỏa rộng trong các giai tầng. Những mô hình giải pháp có tính ứng dụng vào thực tế cuộc sống của các tác giả, nhóm tác giả đã được nhân rộng, phục vụ thiết thực vào cuộc sống của người dân.
Riêng lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật, do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên (Liên hiệp Hội Phú Yên) tổ chức bằng những kỳ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh (02 năm một lần), mỗi kỳ tổ chức có gần 100 giải pháp tham gia. Đa số giải pháp đều thể hiện được tính sáng tạo, tính hiệu quả và chất lượng. Qua mỗi kỳ Hội thi những tác giả đã rút kinh nghiệm cho nên phần lớn các giải pháp tham gia kỳ tiếp theo có chất lượng hơn. Và đối tượng tham gia và “sân chơi”, sáng tạo kỹ thuật không chỉ dừng lại ở các huyện đồng bằng hay thành phố mà còn la tỏa đến các huyện miền núi. Tác giả, nhom tác giả ngày càng đa dạng, từ các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, giáo viên các cấp, những anh bộ đội, những sỹ quan công an, đến các thành phần nông dân, công nhân, sinh viên, học sinh… đều nhiệt thành hưởng ứng phong trào Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật.
Tại buổi Tổng kết trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 7 (2016-2017) do Liên hiệp Hội Phú Yên tổ chức (16/10/2017), đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ghi nhận và đánh giá cao Hội thi và mong muốn các tác giả đoạt giải tiếp tục sáng tạo để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng ứng dụng vào sản xuất, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Đồng chí Phan Đình Phùng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả, nhóm tác giả đoạt giải phát triển ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn nữa.
ThS. Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, Trưởng Ban tổ chức Hội thi trăn trở: Thời gian qua có nhiều sáng kiến cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh được Hội đồng khoa học các cấp xét cấp giấy chứng nhận nhưng thực chất, số lượng sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực ứng dụng vào thực tiễn còn khiêm tốn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng mấu chốt là điều kiện để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng còn hạn chế, cũng như vẫn tồn tại nhiều bất cập trong xét công nhận danh hiệu sáng kiến. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng những sáng tạo kỹ thuật vào cuộc sống.
Góp phần phát triển kinh tế
Trong nhiều năm qua, một số giải pháp thực sự có chất lượng đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Nghị ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) tham gia giải pháp “Sản xuất than củi trấu đạt giải Nhì Hội thi STKT cấp tỉnh lần thứ 3 (2012-2013), đạt giải Nhất Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 11 92011-2012). Hiện nay anh Nguyễn Văn Nghị đã có 6 nhà máy, cung cấp củi trấu cho nhiều công ty lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty CP Bia Phú Minh, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina, Công ty CP An Hưng, Công CP Dệt Hòa Khánh (Đà Nẵng)… Cùng với sản xuất củi trấu, anh Nguyễn Văn Nghị cũng nhận lắp ráp hơn 70 máy ép củi trấu cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Anh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 40 công nhân (đa phần là cựu chiến binh) với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, xây dựng cho gia đình căn nhà gần 2 tỉ đồng. Hàng năm, các cơ sở sản xuất củi trấu của anh cho lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Đặc biệt anh được bầu chọn gương điển hình tiên tiến dự đại hội Thi đua toàn quốc năm 2016.
Giải pháp “Giường kéo dãn cột sống model M-01” của cử nhân Vật lý trị liệu Lê Phạm Bá Khánh, đạt giải Nhất Hội thi STKT cấp tỉnh lần thứ 5 (2013-2014) đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013) và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. Sản phẩm của Lê Phạm Bá Khánh có đầy đủ tính năng như một chiếc giường kéo dãn hiện đại, giá rẻ, đồng thời khắc phục hạn chế của chiếc giường nhập ngoại có giá gần 200 triệu đồng. Không dừng lại trong khuôn khổ cuộc thi, tác giả đã từng bước cải tiến sản phẩm và cung cấp cho nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực phía Bắc. Sắp tới đây, tác giả cho biết sẽ cho ra đời giường kéo dãn cột sống thế hệ thứ 3 với nhiều cải tiến mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Giải pháp “Nghiên cứu chế tạo thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương” của nhóm tác giả Phạm Duy Phượng và Bùi Ngọc Dịnh thuộc Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đạt giải Nhì hội thi cấp tỉnh lần thứ 6 (2015-2016) Thiết bị này nặng khoảng 20kg, sử dụng nguồn điện 24V từ bình ắc quy, kích qua bộ xung điện với cường độ dòng điện từ 40 đến 45V. Bán kính nguồn điện phát ra chỉ khoảng 1m, nên không ảnh hưởng đến các loại hải sản khác ở ngoài bán kính này. Thời gian kích điện để gây tê cá từ 3 đến 5 giây. Kết quả, con cá bị kích điện được “ru ngủ” ngay dưới nước và bắt lên rất nhẹ nhàng. Bộ thiết bị gây tê này giúp ngư dân nâng cao giá trị kinh tế trong mỗi chuyến biển.
Với mong muốn tạo ra một sản phẩm giúp ích cho người bị bệnh bại liệt 02 chân có một cuộc sống thoải mái, yêu đời hơn, không bị ức chế, mặc cảm vì bệnh tật, anh Nguyễn Văn Thắng ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã sáng tạo ra chiếc xe lăn “5 trong 1”. Sáng chế của anh đã được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI (2014-2015) sản phẩm có tính thiết thức cao trong cuộc sống để phục vụ người bênh.
Giải pháp “Ứng dụng E.M Trùn vào nuôi tôm theo công nghệ Biofloc” ( làm sạch môi trường bằng cụm sinh học Biofloc) thay thế công nghệ nuôi truyền thống KS Huỳnh Văn Vũ ( Trung tâm khuyến ngư TP Tuy Hòa-Phú Yên) giải pháp đưa ra nhằm vừa xử lý chất thải làm sạch môi trường vừa tạo nguồn thức ăn cho tôm vừa hỗ trợ công tác phòng bệnh để phát triển bền vững nghề nuôi tôm đã được ứng dụng ở các vùng nuôi tôm ở tỉnh Phú Yên góp phần tạo lập sự bền vững cho phát triển sản xuất.
Với những giải pháp được ứng dụng và phát huy hiệu quả vào thực tiễn, chẳng những các tác giả có thể vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, để cùng với chính quyền và người dân xây dựng tỉnh Phú Yên nhà ngày càng phát triển./.