Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 14/09/2005 14:44 (GMT+7)

Sản xuất xăng dầu từ rác thải

Thứ chất lỏng màu đen, đem đổ vào máy nổ rồi khởi động. Tiếng máy giòn tan như đang chạy dầu thứ thiệt. Nhưng ít ai biết, cái chất lỏng đen đen hữu ích ấy lại được chiết xuất từ các bao tải.


Anh Vũ Đức Hoà, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Hải, Kiến An, Hải Phòng cho biết: "Chúng tôi thu gom các loại nhựa phế liệu. Đây là loại nhựa không thể tái chế được nữa. Mình thu gom về để chế biến thành dầu. Rác này có thể là nhựa phế thải, cao su thừa của giày da, hay dầu phế thải của ô tô xe máy".


Trước khi trở thành dầu, rác thải qua khâu sàng lọc, làm sạch, rồi qua một hệ thống dây chuyền chưng cất ở nhiệt độ cao với nhiều phụ gia khác nhau. Tất cả hệ thống hoạt động tuân theo những công thức hoá học, được viết ra từ phòng thí nghiệm gia đình. Sáng kiến này là của ông Vũ Hồng Khánh, cha của anh Hoà, người đang phụ trách dây chuyền "biến rác thành dầu" của Hợp tác xã Đông Hải. Ông là chủ nhân của nhiều đề tài khoa học, trong đó có đề tài đã được nhận giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam.


Nói về phát minh của mình, ông Khánh cho biết: "Tôi thấy khi đốt thì cao su hoá lỏng chảy thành nước, thỉnh thoảng có sợi cao su xịt ra khói và tạo thành tia lửa. Do đó tôi nghĩ gốc của nó là chất cháy hoá lỏng. Và tôi gọi đó là chất cháy ướt. Khi nó hoá lỏng, hoá cháy thì tôi nghĩ ngay xăng, dầu mỡ có thể lấy từ đây".


Ý tưởng tình cờ này được hai cha con từng bước hiện thực hoá. Đầu tiên là một dây chuyền thu nhỏ, rồi sang dây chuyền sản xuất lớn hơn. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm và thực tế, hai dây chuyền làm ra đã bị cháy. Đi theo đó là 4-5 tỷ đồng. Với suy nghĩ "thất bại là mẹ thành công", họ không dừng lại, tiếp tục thử nghiệm và vượt qua những khó khăn về mặt bằng, tiền vốn. Đến nay, dây chuyền thứ 3 đã mang lại những kết quả khả quan. Theo anh Hoà, "dây chuyền này có thể xử lý 5 tấn/ngày. Một giờ có thể cho ra 200 lít dầu. Trừ hết chi phí, lãi suất cũng được vài triệu một ngày".


Chưa được cơ quan chức năng nào nghiệm thu, đánh giá chất lượng, nhưng thứ chất lỏng màu đen sản xuất ra đến đâu, đã có những chiếc xe téc đợi sẵn chở đi vì chúng có tác dụng tương tự như dầu diezel và dầu FO, có thể dùng làm nhiên liệu chạy ôtô, tàu thuyền, máy nổ hay đốt lò. Hải Phòng mỗi ngày thải ra khoảng 12 nghìn khối rác, nguyên liệu không thiếu, giá xăng dầu thì ngày càng tăng. Nếu được quan tâm và hỗ trợ, những dây chuyền "biến rác thành dầu", thậm chí có thể thành xăng này, sẽ còn mang lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp và xã hội.

Nguồn: vnexpress.net   7/9/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.