Sản xuất hạt giống cà chua
Quả cà chua có tỷ lệ hạt/thịt quả thấp (tỷ lệ này vào khoảng 1/17) nên người sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc sản xuất hạt giống, mà thường mua hạt giống của các thương gia, do đó chất lượng hạt giống không chủ động được.
Khu sản xuất hạt giống cà chua đòi hỏi có chế độ chăm sóc đặc biệt, nhất là chế độ luân canh, phân bón và phòng trừ sâu bệnh hại. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu với bà con một số khâu kỹ thuật chủ yếu để có thể chủ động nguồn hạt giống cà chua.
Cách ly
Cây cà chua có tỷ lệ thụ phấn rất cao nên khoảng cách không gian cách ly tối thiểu đối với hai giống cà chua là không lớn lắm, khoảng từ 30 đến 100m, chủ yếu tránh nhầm lẫn khi thu hái quả.
Khi cách ly hai dòng bố mẹ để sản xuất hạt lai F1 thì khoảng cách trồng trên ruộng giống không lớn hơn 2m. Trong quá trình chăm sóc cần quan sát để chọn lọc giữ lại những cây mang đặc tính tốt, loại bỏ những cây xấu. Công việc này thường làm vào ba thời điểm: trước khi cây ra hoa, thời kỳ cây ra hoa và thời kỳ vào quả. Các tiêu chuẩn lựa chọn chủ yếu là khả năng sinh trưởng của cây, đặc điểm tán lá, khả năng chống chịu sâu bệnh, thời gian ra hoa sớm hay muộn, năng suất chất lượng quả, màu sắc quả chín, hình dạng, kích thước quả…
Kỹ thuật tách hạt
Khi quả đạt độ chín sinh lý (quá đỏ, mềm, đạt kích thước tối đa, hạt già, chắc…) thì tiến hành tách hạt. Trước đây bà con thường làm thủ công dùng dao sắc cắt ngang thân quả cà chua rồi dùng thìa nạo ruột để lấy hạt. Hiện nay việc tách hạt được tiến hành trên các máy chà kích thước nhỏ để nghiền, sàng lọc tách vỏ quả…một cách dễ dàng.
Khi sản xuất giống với khối lượng lớn, cơ sở sản xuất thường kết hợp với việc chế biến cà chua, ngoài sản phẩm chính là thu lấy hạt giống còn có thêm các sản phẩm khác như cà chua hộp, tương cà chua, tương ớt…, tăng thu nhập, tránh lãng phí.
Dù tách hạt bằng cách nào thì cũng cần chú ý tránh để lẫn giống trong quá trình thu hoạch cũng như các công đoạn tiếp theo. Trong quá trình nghiền quả, tách hạt, các dụng cụ như sàng, các thùng chứa, dụng cụ rửa hạt…cần được vệ sinh sạch sẽ sau khi hoàn thành đối với một giống, sau đó mới chuyển sang làm giống tiếp theo.
Quá trình lên men, tách hạt, phơi khô
Hiện nay ở một số địa phương sản xuất hạt giống cà chua, sau khi cắt quả cà chua, dùng thìa nạo vét hay dùng tay bóp và thu lấy ruột quả (gồm dịch quả, hạt cà chua, các chất keo bám quanh hạt và một ít thịt quả), đưa vào các chậu, vại đựng, đậy kín rồi để tập trung vào một nơi trong 2-3 ngày (nếu nhiệt độ thấp có thể để 4-5 ngày), hằng ngày dùng que khuấy đảo 2-3 lần để các phản ứng phân giải các chất hữu cơ quanh hạt được đều. Đây thực chất là quá trình lên men vi sinh vật yếm khí với mục đích phân huỷ các chất hữu cơ quanh hạt, kết quả thu lấy hạt sạch. Khi thấy khối ngâm loãng ra hạt nổi đầy lên phía trên thì quá trình ngâm có thể kết thúc. Đãi hạt rửa sạch rồi hong phơi, khi hạt khô có màu vàng nhạt, óng anh là được.
Có thể tách hạt cà chua bằng cách dùng natri carbonat (Na 2CO 3), dùng 100g cho 1kg dịch quả, khuấy đều, để 2 ngày rồi đãi sạch phơi khô, cũng cho kết quả tốt.
Hạt cà chua dễ bị mất sức sống nếu phơi khô quá. Hàm lượng nước trong hạt 10-12% là vừa. Sau khi phơi khô hạt, để nguội rồi đóng gói bằng túi nilon, nên đóng khối lượng vừa phải 5-10g/gói, không nhiều quá để thuận tiện cho người sử dụng. Nếu cung cấp hạt cho cơ sở sản xuất lớn thì có thể đóng gói 50-100g. Sau khi đóng gói, cất giữ hạt ở những nơi khô ráo, thoáng mát để bảo quản.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 77 (1795), ngày 26/9/2005.