Rôbôt giống như người thực
Có gần một triệu các rôbôt hiện đang được sử dụng trên phạm vi toàn thế giới, chúng làm các công việc được cho là thuộc phạm trù "The three Ds" (quá đơn điệu, bẩn thỉu, hay nguy hiểm) đối với con người. Nhưng đự đoán về một ngày nào đó các thiết bị này sẽ đảm nhiệm những công việc của nhân viên văn phòng đã làm cho các nhà tư tưởng lớn về thế giới rôbôt suy ngẫm về một tập hợp những cảm xúc giống như người thực, được gọi là Kansei. Đó là một thuật ngữ tiếng Nhật mô tả một tập hợp các tri giác và khả năng mà hiện nay các rôbôt vẫn còn chưa đạt tới, như khả năng trực giác, sự bày tỏ niềm vui và đau đớn, sự tò mò, cảm xúc, tính nhạy cảm, sự gắn bó và tính sáng tạo. Nếu các rôbôt muốn chiếm được sự chấp nhận rộng rãi tại nơi làm việc, chúng cần mang diện mạo của kansei, Shuji Hashimoto, Giám đốc Viện Humanoid Robotics Institute thuộc trường đại học Waseda University, Tokyo phát biểu. Ngày nay trên thế giới đã có nhiều rôbôt được thiết kế theo hướng này.
Ví dụ sơ đẳng về người bạn đồng nghiệp rôbôt có cảm xúc đó là một rôbôt y tá đáng yêu, có đôi môi đỏ mang tên Pearl, do Viện Nghiên cứu Rôbôt thuộc trường Đại học Carnegie Mellon tại Pittsburgh thiết kế. Pearl đi lại trên các bánh xe, có khuôn mặt kim loại luôn tươi cười là một nguyên mẫu đầu tiên về rôbôt y tá được thiết kế để chăm sóc người ốm và người già trong các gia đình. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang trở thành một trong những thị trường lớn nhất về loại rôbôt giống như người thật, ít nhất là vào lúc ban đầu, bởi vì dân số tại các xã hội công nghiệp trên toàn thế giới hiện đang trở nên già hóa, tất cả đều được dự báo sẽ thiếu hụt nhân lực y tá và các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Rôbôt chính là giải pháp cho tình trạng này, nhưng chỉ khi được người ốm yếu chấp nhận. Pearl có thể cười, nhíu lông mày và ngiêng đầu, tất cả đều trong một cố gắng nhằm làm cho bệnh nhân có cảm giác thoải mái.
Rôbôt có khả năng đồng cảm từ trước đến nay vẫn chưa được quan tâm nhiều lắm. “Nhưng giờ đây, việc rôbôt có thể tương tác ở cấp cao hơn với con người đã trở nên cần thiết”, Hashimoto nói. “Rôbôt cần được điều chỉnh sao cho chúng có thể mang các tri giác của con người”. Điều này đặc biệt đúng đối với dạng rôbôt muốn dành được sự thiện cảm của công chúng, có thể nói chuyện, đi lại bằng hai chân, có hai tay và một cái đầu, tóm lại là có vẻ ngoài của một khuôn mặt. Kiểu kiến trúc giống như người thực này là điều không cần thiết đối với thiết kế một rôbôt công nghiệp có hiệu quả, nhưng “thế giới tự nhiên được thiết kế để dành cho con người, để có thể tồn tại trong thế giới này các rôbôt cần di chuyển giống như con người”, David Bourne, một nhà khoa học hàng đầu thuộc Viện nghiên cứu rôbôt Carnegie Mellon phát biểu.
Điều tốt nhất ở người máy giống như người, là một rôbôt sẽ có thể tự cân nhắc, khi nào thì sử dụng sức mạnh siêu nhân của mình và khi nào thì cần hòa nhã. Các nhà triển khai rôbôt trên thế giới đang cố gắng thiết kế các máy móc có thể cảm nhận được khi nào có mọi người xung quanh và có hành vi phù hợp. Điều này có nghĩa là các rôbôt sẽ phải giữ khoảng cách khi cần thiết và quay trở lại với các công việc của mình khi con người đã tránh xa một cách an toàn.
Mức độ nhạy cảm như vậy đòi hỏi nhiệm vụ lập trình phức tạp hơn và như vậy có rất nhiều việc đang đợi ở phía trước. Cho đến nay, các nhà khoa học rôbôt mới chỉ có thể triển khai các rôbôt giống như người với khả năng học hỏi như một đứa bé không có năng khiếu nhiều lắm. Việc đọc được những phản ứng của con người có thể sẽ phải mất một thập kỷ nghiên cứu nữa.