Rò trước tai ở trẻ dễ gây mù hoặc tử vong
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, rò trước tai là bệnh bẩm sinh. Trẻ mới ra đời đã có lỗ rò ở rễ tai, ngay trên nắp tai, có thể bị ở một hoặc hai bên. Sau này, thỉnh thoảng từ lỗ rò sẽ chảy ra một chất nhờn màu trắng giống như xà bông. Nếu đã có triệu chứng này mà gia đình vẫn không đưa trẻ đi điều trị thì trẻ sẽ bị áp-xe ở vùng tóc mai, sốt và đau nhức. Đây là nơi có nhiều mạch máu nên nếu để lâu sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Thậm chí tổn thương có thể ăn vào tĩnh mạch xoang hang, khiến đầu trẻ bị phù to, mắt lồi. Tình trạng này dễ gây biến chứng mờ mắt, mù mắt, nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Sơn, trẻ mắc bệnh rò trước tai được mổ tốt nhất ở độ tuổi từ 3 đến 12 tháng. Lúc này, trẻ chỉ cần phẫu thuật đơn giản, về ngay trong ngày; vết sẹo trên mặt nhỏ và sẽ mờ đi hoặc biến mất khi trẻ lớn lên. Ngược lại, nếu trẻ đến điều trị trong tình trạng đã bị áp-xe, ca mổ sẽ gặp nhiều khó khăn như chảy máu nhiều, dễ tổn thương ở những mô lân cận. Với những trường hợp áp-xe đã lan sâu xuống dây thần kinh số 7, trẻ sẽ mất cảm giác một số vùng trên tai, liệt mặt. Những bệnh nhân bị áp-xe lớn có thể méo mặt trước khi mổ. Việc phẫu thuật khi đã bị áp-xe thường để sẹo dài khoảng 4-5 cm trên mặt bệnh nhân.
Bác sĩ Sơn lưu ý, nếu lỗ rò trên tai trẻ còn khô thì có thể kéo dài thời gian phẫu thuật. Nhưng nếu lỗ rò đã bị tiết dịch, sưng đỏ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để được mổ kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả khi lỗ rò còn khô, các bậc cha mẹ cũng nên sắp xếp cho trẻ đi phẫu thuật trong độ tuổi từ 3 đến 12 tháng, không nên chần chừ vì trước sau lỗ rò này cũng sẽ bị nhiễm trùng.
Đặc biệt, các bà mẹ tuyệt đối không được đưa trẻ đi bít lỗ rò bằng thuốc nam hoặc hóa chất bởi hệ thống lỗ rò rất chằng chịt. Nếu bị bít lại, chất bài tiết ứ đọng, sẽ nhanh chóng gây áp xe, nhiễm trùng.
Nguồn: vnexpress.net 19/7/2005