Quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính
Không bảo hộ sáng chế
Xung quanh những quan điểm trái chiều về có hay không vấn đề vi phạm bản quyền đối với trò chơi điện tử thời gian qua đã cho thấy, hiểu biết của người dân về quyền SHTT được nâng lên một bước. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng trò chơi điện tử được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, là đối tượng sở hữu công nghiệp và chỉ được bảo hộ khi đã đăng ký trước đó. Đây là quan điểm chưa chính xác bởi CTMT (bao gồm trò chơi điện tử) theo quy định tại Điều 22 Luật SHTT 2005 là một trong những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế mà được bảo hộ như một tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Chính vì vậy mà thời hạn bảo hộ phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Vậy tại sao CTMT lại được bảo hộ quyền tác giả?
Theo một số chuyên gia, CTMT thực chất là những thuật toán - đối tượng loại trừ của sáng chế nên không được bảo hộ như một sáng chế. Hơn nữa, bảo hộ quyền tác giả đối với CTMT nói chung sẽ là cơ chế mạnh nhất nhằm ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp. Bởi lẽ, điều kiện tiên quyết để bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm là tính nguyên gốc của tác phẩm đó, có nghĩa là tác phẩm phải thể hiện là sự sáng tạo của tác giả, hay nói cách khác tác giả phải tự mình sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm khác.
Thế nhưng, điểm khác biệt là ở chỗ, CTMT được phát triển trên cơ sở chương trình phần mềm nguồn mở, cho phép người khác quyền tự do sử dụng, quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, quyền sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi mà không phải trả phí bản quyền cho những người lập trình trước. Điều đó đồng nghĩa với việc người khác có thể chỉ cần thay đổi những nội dung không quan trọng trong thuật toán hoặc giao diện là đã có thể sử dụng, sao chép, kinh doanh mà không xâm phạm quyền tác giả.
Mặt khác, bản quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng mà bảo hộ hình thức thể hiện bởi vậy nó không ngăn cản người sử dụng CTMT đã có tiến hành các phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc nhằm mục đích nghiên cứu, phát triển mới. Người tiến hành phân tích ngược thành công và tạo nên CTMT mới sẽ trở thành chủ sở hữu của chương trình đó. Quy định này có ý nghĩa khoa học, kinh tế - xã hội rất cao, nó thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của công nghiệp phần mềm. Do vậy, trong trường hợp tác giả chứng minh được sự sáng tạo độc lập và không sao chép phần trọng yếu của tác phẩm thì sẽ không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Thực tế cũng tồn tại rất nhiều CTMT, trò chơi điện tử có cùng chức năng, công dụng do các cá nhân, đơn vị nghiên cứu độc lập với nhau và không có sự sao chép hay xâm phạm quyền của bên nào.
Nên coi như đối tượng độc lập
Cũng vì đặc trưng trên mà không ít chuyên gia nhận định rằng, quy định bảo hộ CTMT như một tác phẩm văn học mâu thuẫn với nguyên tắc bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm tại khoản 4 Điều 9 Luật SHTT 2005, đồng nghĩa với việc công nhận vi phạm pháp luật quyền tác giả là tất yếu. Trong khi đó, thực thi quyền tài sản đối với CTMT cũng không hề dễ dàng do đặc tính vô hình nên việc lưu trữ khá dễ dàng, trong nhiều trường hợp ngay cả chủ sở hữu của CTMT cũng khó có thể nhận ra chủ thể khác đang lưu trữ tài sản của mình. Quy định về sao chép tác phẩm cũng bộc lộ hạn chế nhất định như ngăn cản người sử dụng máy tính làm một bản sao CTMT để phòng sự cố kỹ thuật máy tính khi sử dụng bản gốc. Do vậy, nên xem xét CTMT như đối tượng được cấp bằng sáng chế, khi ấy người phát triển phần mềm nguồn mở thành CTMT mới không vi phạm quy định của Luật SHTT.
Mặt khác, lại có quan điểm cho rằng, cấp bằng sáng chế cho CTMT cũng sẽ nảy sinh điểm bất hợp lý nhất là ở nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Khi có đồng thời nhiều chủ thể cùng nghiên cứu và sáng tạo thành công một CTMT thì bằng sáng chế sẽ chỉ được cấp cho chủ thể đầu tiên nộp đơn và khi ấy, CTMT coi như bị mất tính mới nếu chủ thể sáng tạo khác nộp đơn sau. Có thể khẳng định, tính mới là tiêu chí quan trọng nhất để một CTMT được cấp bằng độc quyền sáng chế nhưng việc xác định tính mới trong thời đại công nghệ thông tin là một điều khó khăn trong khi mỗi ngày trên thế giới có thể cho ra đời nhiều chương trình tương tự nhau.
Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, nên coi CTMT như đối tượng độc lập của quyền SHTT, bởi bảo hộ nó dưới danh nghĩa tác phẩm hay sáng chế đều bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Điều quan trọng là khi coi CTMT là đối tượng độc lập của quyền SHTT thì phải có quy định riêng để bảo hộ, phải loại bỏ được những điểm bất hợp lý trong quy định hiện hành. Từ đó đưa ra những định hướng rõ ràng để việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về SHTT đạt hiệu quả cao.