Quy trình sản xuất hạt giống ngô lai F1
Sau đây chúng tôi giới thiệu quy trình sản xuất hạt giống ngô lai F1:
Một số điều kiện cần và đủ để có thể sản xuất hạt giống ngô lai F1
Chọn đất và địa điểm sản xuất hạt giống ngô lai: Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của việc tổ chức sản xuất hạt giống ngô lai. Chọn đất thịt nhẹ, cát pha nhiều màu, tưới tiêu chủ động. Các hộ nông dân tham gia phải có trình độ thâm canh và sự nhất trí cao. Cán bộ địa phương phải có uy tín với dân và năng động, có khả năng tổ chức, triển khai tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Sản xuất hạt giống ngô lai phải tập trung thành từng vùng riêng biệt, đòi hỏi mọi người tham gia sản xuất phải chấp hành tuyệt đối các vấn đề kỹ thuật mà quy trình đề ra. Tổ chức sản xuất ở những nơi có đủ điều kiện như trên thì mới dễ thành công, cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời vụ:Bố trí thời vụ sao cho khi ngô tung phấn, phun râu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nhất (nhiệt độ không khí 25 đến 28 0C, độ ẩm không khí 75 đến 80%). Không gặp gió bão, gió khô, nóng, độ ẩm không khí không thấp hơn 70% và không cao hơn 90%. Thời gian ngô giống trổ cờ phun râu cũng không trùng với thời gian ngô thịt đại trà ở địa phương trổ cờ, phun râu.
Cách ly với các giống ngô khác:Cách ly về không gian, đối với ruộng sản xuất hạt giống ngô lai đơn cách ly tối thiểu 400 đến 500m. Ruộng sản xuất hạt giống ngô cách ly tối thiểu từ 300 đến 400m. Ruộng sản xuất hạt giống lai kép cách ly tối thiểu là 200m.
Cách ly về thời gian: Bố trí thời vụ sao cho giống ngô thịt đại trà ở địa phương phải trổ cờ, phun râu trước và sau ít nhất 10 đến 15 ngày đối với vùng sản xuất hạt ngô giống.
Kỹ thuật sản xuất giống ngô lai đơn
Sản xuất hạt lai đơn cho hiệu quả kinh tế cao đối với cả người dân và các công ty giống tham gia sản xuất loại hạt giống này.
Các bước kỹ thuật sản xuất hạt giống ngô lai đơn được tiến hành như sau:
- Thông thường gieo hàng cây bố (cây bố là cây cho phấn) và hàng cây mẹ (cây mẹ là cây cho bắp được thụ phấn từ phấn của cây bố) theo tỷ lệ 1 bố/3mẹ.
- Đối với nhiều dòng bố có nhiều hạt phấn và có điều kiện thụ phấn nhân tạo bổ khuyết thì có thể gieo 1 hàng bố/ 4 hàng mẹ, năng suất hạt lai sẽ tăng thêm 25 đến 30%.
- Kiểm tra loại bỏ cây lẫn: Cây lẫn do chủ quan (con người vô ý) hoặc do các yếu tố khách quan (ngoài ý muốn của con người như: do gió hoặc côn trùng) gây ra, nên các dòng bố, dòng mẹ vẫn bị lẫn tạp khoảng 0,1 đến 0,5% số cây. Việc khử bỏ cây lẫn cần tiến hành vào hai thời điểm chủ yếu là: lúc cây 5 - 6 lá và trước trổ cờ 7 đến 10 ngày. Quan sát thấy cây nào khác dạng hình (dị hình, dị dạng, màu sắc, kích thước lá khác thường, mọc cao hoặc thấp hơn bình thường) thì phải loại bỏ. Khi hàng bố mới trổ cờ (chưa kịp tung phấn), chú ý quan sát loại bỏ những cây có dạng cờ khác. Việc loại bỏ cây lẫn phải tiến hành ở cả hàng cây bố và hàng cây mẹ.
- Rút cờ hàng cây mẹ: Rút cờ cây mẹ là công việc phải tuân thủ tuyệt đối nghiêm ngặt, đây là công việc quyết định sự thành bại của việc làm giống, thông thường các cơ sở sản xuất giống phải thành lập tổ kỹ thuật để kiểm tra công việc này. Khi một cây mẹ nào đó trên hàng cây mẹ vừa trổ cờ cần rút ngay trước khi chúng kịp tung phấn. Kỹ thuật khử bằng cách rút cờ hoặc cắt sát gốc cờ (không được để bất cứ nhánh cờ nào sót lại), nhưng không được làm mất các lá sát bông cờ để khỏi ảnh hưởng tới năng suất hạt lai sau này.
- Việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh hại và việc thụ phấn bổ khuyết cho cây ngô cái theo hướng dẫn của quy trình sản xuất hạt giống cụ thể, thông thường vào khoảng 8 đến 10 giờ sáng (Khi trời khô sương, thời gian cụ thể tuỳ từng vụ), có tổ kỹ thuật chuyên trách hướng dẫn.
- Thu hoạch: Việc thu hoạch hạt giống ngô lai phải tiến hành kịp thời khi ngô vừa chín đến, thu hoạch tập trung đồng loạt, nhanh chóng đưa về nơi sấy, chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng hạt giống. Thông thường ngày thu hoạch do tổ kỹ thuật quyết định có hợp đồng chính xác với các công ty giống đặt hàng gia công.
Quy trình sản xuất hạt giống ngô lai đơn không phức tạp, nhưng đòi hỏi người dân phải có tác phong công nghiệp, tuyệt đối thực hiện các khâu kỹ thuật cụ thể như: trồng, thu hoạch cùng ngày, rút cờ, khử cây lẫn, thụ phấn bổ khuyết,...theo sự điều hành của tổ kỹ thuật.
Nguồn: KH&ĐS số 27 (1745), ngày 4/4/2005