Quy trình công nghệ lên men bã dứa làm thức ăn cho bò sữa
Hàng năm ở nước ta có hơn 35 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó cây dứa được trồng nhiều ở nước ta, chủ yếu tập trung ở các vùng trung du và miền núi. Đây là nguồn phụ phẩm rất tốt cho trâu bò, chế biến quả dứa chỉ thu được 25% chính phẩm, còn 75% là phụ phẩm phế thải, gia súc chỉ được sử dụng hạn chế.
Sản phẩm chế biến của phụ phẩm dứa chủ yếu ở dạng ủ chua chồi ngọn và bã dứa, tạo thành axit lactic, có sự tham gia của nấm mốc và vi sinh vật. Qua kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi cho thấy:
1. Quy trình làm men chế biến bã dứa:
- Chuẩn bị nấm mốc và vi sinh vật để phối hợp.
- Trộn đều nguyên liệu: Bã dứa, cám gạo (bột sắn) theo tỷ lệ 70/30 + men 2%.
- Nén chặt, ủ trong túi nilon, bao tải với quy mô 20 - 100kg/mẻ.
+ Trong bịch nilon khổ lớn đường kính 1m với quy mô 300 – 1.000 kg/mẻ.
+ Trong hố ủ kích thước 3 x 3 x 1m. Che nilon kín bảo đảm yếm khí và phủ đất lên trên với quy mô 2.000 - 3.000 kg/mẻ.
- Thời gian ủ từ 3 - 5 ngày, lấy ra cho gia súc ăn dần.
2. Sử dụng
Lên men được sử dụng 2 chủng: nấm mốc Asp. Niger và vi khuẩn Lactobacillus với bã dứa, ủ trong 3 - 5 ngày có chất lượng tốt, màu vàng, mùi thơm dễ chịu. Có độ pH < 4,5 và bảo quản 30 ngày sau ủ.
Bò sữa được sử dụng thức ăn bã dứa lên men 11,43 - 13,1kg/con/ngày, có thể thay thế 36,6 - 52% cỏ voi; 35,5% thức ăn tinh; 36,8% bã bia trong khẩu phần. Năng suất sữa cao hơn 11,35 - 14,6% so với bò không được ăn thức ăn bã dứa lên men; giá thành thức ăn để sản xuất 1kg sữa thấp hơn 56 - 21,9 đồng/kg. Bò tiêu hoá tốt, khoẻ mạnh.
Do có hiệu quả kinh tế và quy trình chế biến đơn giản, dễ áp dụng với các quy mô từ 300 – 5.000kg/mẻ, áp dụng cho các quy mô chăn nuôi khác nhau. Trong năm 2004, quy trình này đã được phổ biến tới các hộ chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An… kết quả sử dụng tốt.
Nguồn: T/c Chăn nuôi, 11/2005, tr 40