Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/10/2005 14:31 (GMT+7)

Quảng Nam: Phát hiện một Mỹ Sơn cổ dưới lòng đất

Ngày 25-10, Viện Khảo cổ học cùng Trung tâm Bảo tồn di sản - di tích Quảng Nam kết thúc chương trình khai quật khảo cổ học tại khu đền tháp di sản thế giới Mỹ Sơn, với một công bố gây chấn động giới khảo cổ: Tìm thấy dấu vết những kiến trúc đền tháp sâu dưới lòng đất Mỹ Sơn, hé mở về một Mỹ Sơn còn cổ kính hơn Mỹ Sơn hiện nay... 

Những cổ tháp bị ngã đổ

Tại ba hố đào ký hiệu H1, H2 và H3 trong khu vực khai quật khảo cổ học nằm ở phía đông nhóm tháp D, bao gồm cả một đoạn suối khe Thẻ, nhóm chuyên gia khảo cổ phát hiện những kiến trúc đền tháp cổ kính đã bị đổ nát.

Dấu vết đổ nát còn nằm trong tình trạng nguyên vẹn. Những dải gạch xếp lớp kéo dài và các khối trang trí còn nguyên trạng cho biết chúng có niên đại trước các kiến trúc hiện còn.

Các đền tháp đổ nát này nằm sâu dưới 0,9-1,1m so với mặt đất nền khu tháp D hiện nay. Riêng tháp cổ ở hố H2 nằm sâu đến 2,3m so với nền lòng tháp D4 hiện còn cạnh đó.

Theo tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học) - chủ trì nhóm khai quật khảo cổ học: "Các kiến trúc đền tháp cổ bị ngã đổ được tìm thấy dưới lòng đất không hề có mối liên quan với các kiến trúc đền tháp hiện còn. Dựa vào các đặc trưng về khối trang trí kiến trúc, cột, hoạ tiết hoa văn, gạch cắt góc...; so sánh với phong cách kiến trúc tại tháp hiện còn như C2 Mỹ Sơn, Khương Mỹ (Núi Thành, Quảng Nam)..., bước đầu chúng tôi cho rằng, các khối kiến trúc cổ tìm thấy tại hố H2 có niên đại vào đầu thế kỷ IX.

Đối với kiến trúc cổ để lại lớp gạch đổ cùng nhiều hiện vật ngói gồm nhiều loại hình tìm thấy ở hố H1, chúng tôi cho rằng đây là dấu vết của một công trình có lợp mái ngói và cũng có niên đại khoảng thế kỷ IX".

Các chuyên gia cũng đã thu được hơn 445 hiện vật - là bộ phận của một kiến trúc đá được chế tác hoàn chỉnh, có trang trí mỹ thuật và đã được sử dụng.

Theo kết luận ban đầu của nhóm khảo cổ, đây là bộ phận của một kiến trúc tháp xây dựng bằng đá đã bị ngã đổ. So sánh với kiến trúc đá hiện còn tại tháp B1 và khảo sát, sắp xếp lại, những hiện vật này hình thành một đế tháp bằng đá hoàn chỉnh, quy mô nhỏ hơn tháp B1 và có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, tương đương tháp B1. 

Một Mỹ Sơn cổ hơn hiện có

Chương trình khai quật khảo cổ học Mỹ Sơn được tiến hành theo quyết định của Bộ VHTT và UBND tỉnh Quảng Nam , trong khuôn khổ dự án do Quỹ DS thế giới tài trợ kinh phí 70.000USD, bắt đầu triển khai từ năm 2002. Qua khai quật, đã phát hiện hàng trăm hiện vật gồm nhiều loại hình, chất liệu và kích cỡ khác nhau, được lập hồ sơ khoa học, kê kích bảo quản trưng bày tại chỗ nhằm phục vụ kịp thời cho nghiên cứu, tham quan. Ngày 26-10, tổ chức báo cáo khoa học kết quả chương trình khai quật được chính thức công bố tại Tam Kỳ (Quảng Nam ).

Theo ông Phan Thanh Bảo - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản - di tích Quảng Nam: "Khác với các cuộc khai quật khảo cổ học trước đây - chủ yếu để phục vụ cho công tác trùng tu các di tích hiện còn - cuộc khai quật lần này nhằm bước đầu cung cấp tư liệu về những công trình kiến trúc đã từng được xây dựng ở đây, trong lịch sử hiện còn dưới lòng đất".

Mặc dù dấu tích để lại ở Mỹ Sơn có niên đại khá sớm - từ cuối thế kỷ IV - đầu thế kỷ V, song việc khám phá khu đền tháp Mỹ Sơn cho đến nay cũng chỉ mới tiếp cận với các công trình kiến trúc còn lại thuộc các nhóm tháp B, C,D, phần lớn có niên đại thuộc thế kỷ thứ X trở về sau.

Các nghiên cứu trước đây đều nhận định, trong mỗi nhóm tháp tồn tại nhiều công trình có niên đại khác nhau. Nhiều kiến trúc được xây dựng trên cơ sở nền kiến trúc cũ. Nhưng những kiến trúc cũ nằm sâu dưới lòng đất ấy vẫn chưa từng được biết, được tiếp xúc, thậm chí chúng thuộc niên đại nào... vẫn luôn là một vấn đề được đặt ra mỗi khi tìm hiểu về di tích này.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia khai quật khảo cổ học, phát hiện mới nhất - cũng là thành công quan trọng nhất của chương trình khảo cổ này - là đã "phần nào hé mở cho thấy có một Mỹ Sơn cổ dưới lòng đất, mở ra hướng đi góp phần tìm hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về di sản Mỹ Sơn".

Kết quả khai quật khảo cổ học lần này cũng cho thấy, tầng đất tại Mỹ Sơn có đặc điểm dễ trôi trượt, địa hình lại xoải xuôi từ vùng đất trung tâm ra lòng suối khe Thẻ bao quanh, dẫn đến hiện tượng các công trình kiến trúc tại đây bị lún nghiêng về phía lòng suối, dẫn đến bị sập đổ. Các kiến trúc sập đổ vừa tìm thấy đều để lại dấu vết đổ nghiêng về lòng suối và hiện trạng một số tháp như B3, B5 cũng đang bị lún nghiêng như vậy.

Vì thế, theo nhóm khảo cổ, cần thiết phải khảo sát địa tầng xung quanh các nhóm tháp để đưa ra giải pháp kỹ thuật chống nghiêng lún, bảo vệ các di tích hiện còn.

Nguồn: nhandan.com.vn 26/10/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.