Quản trị Đất đai khu vực sông Mê Công tại Việt Nam giai đoạn 2
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Cuộc họp trực tuyến của Ủy ban tư vấn quốc gia của dự án “Quản trị Đất đai khu vực sông Mê Công tại Việt Nam giai đoạn 2 (Dự án MRLG)”. Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu tại cuộc
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, VUSTA là đối tác của dự án MRLG với vai trò hợp tác và hỗ trợ các hoạt động dự án triển khai tại Việt Nam hướng đến Quản trị tốt đất đai. VUSTA cũng là đại diện được đề cử làm chủ tịch của Ủy ban tư vấn quốc gia (NAC) cho dự án tại Việt Nam.
Tại 3 cuộc họp trước vào năm 2019, Ủy ban NAC đã góp ý cho các bản đề xuất của hai hợp phần dự án tại Việt Nam: Hợp phần về công nhận quyền hưởng dụng theo phong tục; Hợp phần về đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm.
Năm 2020, do đại dịch Covid -19, các hoạt động của dự án cũng chịu nhiều ảnh hưởng, tiến độ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Đến thời điểm hiện tại thì các hợp phần này cũng đã đạt được một số kết quả và đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm cuối của dự án. Hôm nay chúng ta sẽ lắng nghe các báo cáo về tiến độ và kết quả các hợp phần này, cũng như kế hoạch của các liên minh và từ đó cũng xin các thành viên của Ủy ban cho ý kiến về mục tiêu chính sách, chiến lược của dự án tại Việt Nam sao cho phù hợp với bối cảnh, định hướng chính sách, cũng như là mục tiêu phát triển của Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn các ý kiến, khuyến nghị của chúng tôi sẽ giúp các liên minh của các hợp phần này định hướng và có được mục tiêu, chiến lược phù hợp tiến trình xây dựng chính sách trong thời gian tới và các khuyến nghị này được tổng hợp và gửi tới Ủy ban chỉ đạo dự án để họ có thông tin về bối cảnh can thiệp chính sách ở Việt Nam và cho ra các quyết định phù hợp hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình xây dựng một nền quản trị đất tiến bộ hơn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe về cập nhật chung về tình hình của Việt Nam: Ảnh hưởng của dịch bệnh và lộ trình chung về xây dựng chính sách đất đai, lâm nghiệp; Cập nhật về tiến độ của dòng công việc về quyền hưởng dụng theo phong tục (CT): Những điểm chính từ báo cáo đánh giá dòng công việc và cập nhật nhanh tiến độ; Kế hoạch và chiến lược năm thứ 3 của dòng công việc CT; Cập nhật về hợp phần xây dựng chính sách: Cuốn sổ tay hướng dẫn về quản lý rừng cộng đồng; Cập nhật dòng công việc về đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm (RAI); Cập nhật về đánh giá thực thi luật đất đai 2013 và lộ trình sửa đổi luật đất đai; Điểm chính từ hội thảo đánh giá hợp phần và kế hoạch – chiến lược năm 3 của dòng công việc RAI.
Tại cuộc họp, các đại diện từ các tổ chức xã hội dân sự, cơ quan nghiên cứu, phát triển, quốc tế… đang làm việc trong các lĩnh vực về môi trường, xã hội, rừng, đất đai và kinh tế tham gia thảo luận với các chuyên gia trong ngành. Cụ thể, chủ yếu thảo luận xoay quanh đến vấn đề rà soát các chính sách, luật, nghị định, và các quy định; Xây dựng Báo cáo kiến nghị chính sách về tích tụ, tập trung đất đai; và thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cự; Xây dựng một khung chính sách về lâm nghiệp và ban hành đầy đủ các hướng dẫn về quản lý rừng cộng đồng với nguồn lực hiện có là tham vọng; Hỗ trợ địa phương xây dựng các hướng dẫn cấp địa phương.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, chúng ta đã được cập nhật về các kết quả dự án và cũng đã đưa ra các khuyến nghị về chiến lược và mục tiêu chính sách phù hợp cho năm cuối của dự án Quản trị đất đai Mê Công (MRLG); những khuyến nghị về can thiệp có thể để nâng cao nền quản trị đất đai tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền đất đai của hộ nông dân sản xuất nhỏ, nhóm yếu thế như phụ nữ và dân tộc thiểu số sau khi dự án MRLG pha 2 kết thúc vào tháng 9/2022.
Và Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng đề nghị MRLG sẽ trình bày các góp ý, khuyến nghị của chúng tôi tới Ủy ban chỉ đạo dự án để có những định hướng và hỗ trợ tốt nhất cho các liên minh dự án tại Việt Nam, hướng đến Quản trị đất công bằng, minh bạch và hiệu quả, để đảm bảo mục tiêu trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển, đặc biệt là nhóm yếu thế như hộ nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
HT