Quan ngại tình trạng mất rừng
Theo số liệu của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng cho thấy, hiện rừng chỉ còn 7,8 triệu ha chiếm khoảng 24% diện tích cả nước, trong đó có 10% là rừng nguyên sinh. Ở nhiều tỉnh, rừng tự nhiên giài còn lại rất thấp, như Lai Châu còn 7,88%, Sơn La 11,95% và Lào Cai 5,38%. Sự suy giảm về độ che phủ rừng ở các vùng này là do mức tăng dân số đã tạo nhu cầu lớn về lâm sản và đất trồng trọt.
Theo số liệu báo cáo chương trình điều tra, theo dõi và đánh giá tài nguyên rừng toàn quốc (NFIMAP) chu kỳ III, hơn 2/3 diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam được coi là rừng nghèo; rừng giàu và rừng trung bình chỉ chiếm 4,6% tổng diện tích rừng và phần lớn phân bố tại các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Nhiều khu rừng ngập mặn và rừng Tràm tại vùng đồng bằng ven biển có vai trò quan trọng trong viếc duy trì đa dạng sinh học dường như biến mất.
Cơ hội tái sinh tự nhiên ngày càng khó khăn do sự phân bố của những khu rừng tự nhiên có trữ lượng lớn thường độc lập và manh mún. Chính vì vậy mà chất lượng và đa dạng sinh học rừng tiếp tục bị suy giảm trầm trọng.
Trong nhiều năm qua, do mất rừng và suy thoái rừng gây ra nhiều hậu quả không nhỏ đến môi trường, đến hệ sinh thái của Việt Nam như bão, lụt, hạn hán. Sụt lở đất, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng… những vấn đề đó đã đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân, tổn hại vô cùng lớn về kinh tế.
Các thay đổi diễn ra trong hệ thống vật lý, hệ sinh học, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển, cuộc sống của tất cả các loài, các hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu và hệ quả của nó thúc đẩy cho sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, trầm trọng hơn, nhất là những hệ sinh thái rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài vật đang nguy cấp với số lượng các thể ít, tăng nguy cơ tuyệt chủng của động vật, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm, bệnh dịch phát sinh…
Hiện nay đã có rất nhiều giải pháp nhằm tránh tình trạng mất rừng, theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, để giảm nguy cơ xâm hại rừng, trước mắt phải dần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ dân di cư tự do vào sống gần rừng. Việc xử lý các vụ vi phạm lâm luật cần phải được lực lượng kiểm lâm thực hiện quyết liệt hơn, nhất là những vụ việc đủ điều kiện khởi tố hình sự.
Hiện tượng chặt phá rừng đang là một trong những nguyên nhân gây mất rừng (Ảnh internet)
GS Huỳnh cho biết thêm, ngoài ra còn phải có trách nhiệm của chủ rừng, địa phương, kiểm lâm trong trường hợp để mất rừng cũng phải được tính toán, xác định rõ ràng. Về lâu dài, ngay sau khi phát hiện và xử lý các vụ phá rừng, các chủ rừng cần phải tính toán phương án trồng mới rừng trên diện tích bị phá, còn lực lượng kiểm lâm có trách nhiệm giám sát chặt chẽ những địa điểm này.
Theo GS Huỳnh thì việc chọn loại cây trồng phải phù hợp với từng địa phương, đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như môi trường. Nên chọn cách trồng rừng hỗn giao đề phòng cháy, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật xây dựng băng xanh cản lửa và các kỹ thuật tiến bộ khác trên nguyên tắc các vùng rừng tập trung được quy hoạch hợp lý và khoa học.
Đối với các khu rừng cần phục hồi, theo GS Huỳnh cần phải chăm sóc, phát dây leo tạo điều kiện để rừng sinh trưởng và phát triển nhanh, mặt khác làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công tác chữa cháy rừng dần dần thay thế phương pháp thủ công hiện đang áp dụng. Nghiên cứu các vật liệu xây dựng thay thế gỗ từ rừng tự nhiên. Khuyến khích việc sử dụng các loại sản phẩm đó để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gỗ và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
“Hiện nay muốn bảo vệ rừng, trước tiên làm sao để mọi người dân hiểu, ý thức về tầm quan trọng sống còn của rừng phòng hộ. Từ đó mọi người chung tay, chung sức bảo vệ, không lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt mà đang tâm hủy hoại, xâm hại. Có như thế mới mong rừng thực sự trở thành lá chắn xanh kiên cố bảo vệ đê biển, bảo vệ sẩn xuất và đời sống người dân”, GS Huỳnh chia sẻ.