Quần đảo Hoàng Sa trong sách Đại Nam nhất thống chí
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 nói về tỉnh Quảng Ngãi chép: “Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi tục gọi là “Vạn lý trường sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích... Phía tây nam miền sơn man, có lũy dài vững vàng, phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn…”.
“… Đầu đời vua Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam cồn có nhiều miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ “Vạn Lý Ba Bình” (muôn dặm sóng yên). Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn, phía Đông và phía Tây đảo đều có đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch.
Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phần tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp đền miếu đào được đồng lá và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”.
Từ việc vương triều Nguyễn đưa Hoàng Sa vào hải phận của một địa phương cụ thể (Quảng Ngãi) cho thấy rằng, Hoàng Sa là phần lãnh thổ thuộc sự cai trị của triều Nguyễn. Không những vậy, hải đội Hoàng Sa còn phải chịu sự quản lý và tuân theo những quy định của vương triều Nguyễn về mặt tổ chức và hoạt động.