Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 11/11/2005 14:41 (GMT+7)

Phương tiện Rôbôt hỗ trợ các bác sĩ điều trị từ xa

Ries Daniel đã đợi trong phòng bệnh vào buổi sáng sau ca phẫu thuật bàng quang và cuối cùng thì cánh cửa cũng đã mở. Nhưng đó không phải là bác sĩ của ông. Thay vào đó là một rôbôt bước vào, hướng cái đầu là màn hình 15 inch về phía người đàn ông 80 tuổi đang nằm trên chiếc giường tại Bệnh viện  Johns Hopkins ở Balltimore. “Chào buổi sáng”, một giọng nói phát ra từ chiếc loa của rôbôt. Đó là giọng nói của Louis Kavoussi, bác sĩ tiết niệu của Daniel. Màn hình của thiết bị có tên là Dr. Robot với chiều cao 1,65 mét được hướng về phía bệnh nhân và phát ra câu hỏi: “Đêm qua ông có khoẻ không? Không có vấn đề gì chứ?” Nghiên cứu bệnh nhân của mình thông qua một hình ảnh được gửi về phòng khám bệnh từ chiếc camera của bác sĩ rôbôt (Dr. Robot), Kavoussi lo ngại vì đêm qua Daniel bị sốt và lên cơn ho. “Trông ông không khỏe bằng hôm qua” Kavoussi nói, đồng thời phóng máy quay quan sát bệnh nhân của mình gần hơn sau khi đã tập trung xem xét biểu đồ theo dõi tình trạng bệnh nhân.

Những cuộc trò chuyện trao đổi của các bác sĩ với bệnh nhân do rôbôt hỗ trợ như vậy đang trở nên phổ biến ở các bệnh viện trên khắp nước Mỹ. Các bác sĩ sử dụng những chiếc máy này để thăm bệnh nhân, giám sát những phòng có bệnh nhân nặng cần chăm sóc kỹ lưỡng, trả lời những cuộc gọi khẩn cấp và hội ý bàn bạc với các bác sĩ điều trị khác.


Những người đề xướng ra cách làm này cho biết, công nghệ này và các công nghệ điều trị qua màn hình mới đang giúp các bác sĩ sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn và chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn, thường là vào những lúc đêm hôm và ở những nơi xa xôi mà người bệnh khó gặp được bác sĩ. Jonathan D. Linkous, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Điều trị từ xa của Mỹ cho biết: “Hiện nay có rất nhiều dịch vụ chăm sóc y tế từ xa được cung cấp thông qua công nghệ như vậy”.


Tuy nhiên, một số người hoài nghi rằng công nghệ này đang làm giảm y đức của ngành y học, tăng xu hướng bác sĩ dành ngày càng ít thời gian hơn cho bệnh nhân của mình, và điều đó làm xói mòn phần còn sót lại của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. David Magnus, Nhà đạo đức sinh học thuộc trường Đại học Stanford nói: “Đây là một thành tựu của y học, nó loại bỏ khái niệm về sự giao tiếp giữa các cá nhân và mang lại sự thoải mái trong cách thức giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị về cơ bản giống như một cuộc trao đổi thông tin. Bạn có thể nhìn thấy một khuôn mặt, nhưng không thể chạm tới, không thể đặt tay lên và cũng không thể tiếp xúc được một cách cá nhân. Chúng ta đang ngày càng cô lập con người với nhau bằng hàng rào các công nghệ”.


Rôbôt đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho ngành y học. Một số rôbôt hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật thực hiện thao tác, đặc biệt là những thao tác cần độ chính xác cao. Một số khác chuyên chở vật dụng và thiết bị quanh bệnh viện và thậm chí còn phân phát thuốc. Các nhà nghiên cứu tại Pittsburgh đang thử nghiệm y tá rôbôt (Nursebot) để dẫn bệnh nhân trong nhà điều dưỡng tới các phòng điều trị và nhắc nhở họ uống thuốc đúng giờ. Hãng GeckoSystems Inc. Ở Conyers, bang Georgia đã lên kế hoạch sớm bắt đầu chiến lược marketing sản phẩm CareBot của mình nhằm giúp đỡ các y tá, bác sĩ và những người thân của bệnh nhân giám sát và chăm sóc cho người già ngay tại nhà.

Việc gặp gỡ trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân đang ngày càng tăng cường sử dụng công nghệ mới này theo nhiều phương thức khác nhau, với mục đích tránh phải dùng điện thoại, phải lái xe từ xa tới phòng khám và tránh mất thời gian chờ đợi. Xu thế hiện nay là các bác sĩ chuyển sang sử dụng thư điện tử để gặp gỡ và trả lời bệnh nhân. Các bệnh viện, các phòng khám tư, và các nhóm bác sĩ đang thiết lập các cổng internet bảo đảm an toàn cho phép bệnh nhân và bác sĩ trao đổi tư vấn thông qua hệ thống điện tử này.

Tại Thủ đô Washington D.C. và hầu hết các bang tại Mỹ, kể cả Maryland và Virginia, các bệnh nhân cũng “gặp gỡ” bác sĩ của mình từ xa thông qua mạng lưới điều trị từ xa. Các mạng lưới này trực tiếp kết nối các trung tâm y tế chính đặt ở những địa điểm cách xa nhau, chẳng hạn như Trung tâm Y học của trường Đại học Virginia tại Charlottesville, Trung tâm Y học của trường Đại học Maryland tại Baltimore và Trung tâm Y học Quốc gia cho bệnh Nhi tại Washington D.C. Các mạng lưới này cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, những người khó có thể đến gặp bác sĩ điều trị, chẳng hạn như những người sống ở những khu phố nghèo trong đô thị hoặc ở những vùng nông thôn xa xôi, nơi mà các chuyên gia y tế rất hiếm. Tù nhân cũng là một nhóm người được hưởng lợi từ mạng lưới y tế này. Các bác sĩ tâm thần thực hiện thường xuyên các ca điều trị bằng cách đàm thoại qua màn hình. Các bác sĩ phẫu thuật có thể kiểm tra những vết mổ của bệnh nhân thông qua một màn hình sau khi đã trở về nhà. Các bác sĩ da liễu chuẩn đoán chứng phát ban hoặc các vùng thương tổn từ những hình ảnh được chụp từ những máy ảnh gắn trên điện thoại hoặc được truyền trực tiếp bằng máy quay camera.


Joseph C. Kvedar, Giám đốc phụ trách điều trị từ xa thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Partners HealthCare ở Boston, người hàng tuần vẫn tiến hành khám bệnh da liễu từ xa cho các bệnh nhân ở khu Nantucket Island nói: “Chúng tôi đã cứu sống được rất nhiều người. Chúng tôi đã điều trị được rất nhiều trường hợp ung thư da”.


Những người đề xướng công nghệ mới này cho biết nhu cầu về công nghệ này ngày càng tăng khi mà dân số già đi và kéo theo thiếu đội ngũ bác sĩ và y tá. Phương pháp này có thể đặc biệt hữu ích trong việc chăm sóc người già khi ngày càng có nhiều người muốn được ở tại nhà mình chứ không muốn vào các trung tâm điều dưỡng. Một số dịch vụ điều dưỡng đang cung cấp điện thoại có hình (video phones) cho bệnh nhân, một số khác còn trang bị cả ống nghe và các thiết bị khác để bệnh nhân có thể gửi thường xuyên các thông tin quan trọng về sức khoẻ, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp và lượng đường trong máu. Ronald S. Weinstein, Giám đốc Chương trình Điều trị từ xa Arizona phát biểu: “Nhiều thiết bị mà các bác sĩ sử dụng hiện nay được chế tạo để thích ứng với các xa lộ điện tử cao tốc”.


Nhiều chuyên gia dự đoán rằng trong một thời gian nữa, rôbôt sẽ chẩn đoán được bệnh, và bệnh nhân sẽ trao đổi với bác sĩ thông qua các phiên bản tương lai của BlackBerry. Những phiên bản này sẽ tự động truyền các hồ sơ khám bệnh và các dữ liệu mới được xử lý, chẳng hạn như chỉ số huyết áp. Tương lai sẽ đạt tới điểm mà sử dụng rôbôt cùng với các kỹ thuật chuẩn đoán và điều trị có hỗ trợ của máy tính sẽ biến đổi việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Những người đề xướng ra phương pháp này nói rằng các nghiên cứu đã cho thấy chất lượng của việc chăm sóc thông qua kênh điều trị từ xa có xu hướng ít nhất là tốt ngang bằng với phương pháp chăm sóc thông thường, và ở một số góc độ thì còn tốt hơn. Bệnh nhân có nhiều thời gian với bác sĩ hơn và được ra viện sớm hơn. Phần lớn các bệnh nhân đều nói là họ hạnh phúc, thậm chí đôi khi còn thích cách khám bệnh từ xa hơn là đi khám bệnh trực tiếp. Elizabeth Krupinski, người đánh giá Chương trình Arizona cho biết: “Các khảo sát khả  quan của chúng tôi cho thấy mọi người đều hài lòng với dịch vụ này miễn là công nghệ này hoạt động tốt. Thậm chí đối với điều trị bệnh tâm thần, bệnh nhân cũng cảm thấy thân thiện một khi họ đã hiểu ra là họ không chỉ đang nói chuyện với một cái ti vi”.


Trong khi thừa nhận những lợi ích mà công nghệ mới có thể mang lại, những người hoài nghi lo lắng rằng công nghệ này sẽ được sử dụng như một biện pháp hạ sách tức thời  nhằm bổ sung vào lực lượng bác sĩ và y tá còn thiếu và là một biện pháp tiết kiệm tiền những vẫn thu đủ chi phí từ bệnh nhân. Các bác sĩ gặp bệnh nhân qua màn hình máy quay có thể dễ dàng bỏ sót những manh mối khó nhận biết nhưng lại rất quan trọng, chẳng hạn như tư thế của bệnh nhân, trạng thái run nhẹ hay thậm chí mùi phát ra từ bệnh nhân ra sao. Ruth B. Purtilo, một nhà đạo đức sinh học thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusettsở Boston nói “Bạn có thể có được các số liệu, nhưng bạn không thể cảm nhận được tình trạng thiếu ngủ của bệnh nhân, hay như tim đập nhanh, hoặc teo cẳng tay, tất cả đều là manh mối quan trọng phát hiện bệnh. Một bác sĩ điều trị có trình độ sẽ phát hiện được những dấu hiệu quan trọng này”. Một số chuyên gia cho rằng khám bệnh trực tiếp vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình chữa bệnh, nhất là đối với người già. Julie Connelly, người tham gia vào Chương trình nghiên cứu những đặc tính của con người trong y học tại trường Đại học Virginia cho biết “Tôi làm việc tại trại dưỡng lão, và những người ở đây rất muốn được chăm sóc. Nhiều người bị mất chồng, hoặc mất vợ. Họ bị mất đi quyền được ôm ấp và được chăm sóc. Đôi khi bạn chỉ cần xoa bóp cho họ còn tốt hơn là cho họ uống thuốc”.


Những người đề xướng việc điều trị từ xa tranh cãi rằng công nghệ này  thường được sử dụng để bổ trợ, không phải để thay thế việc khám bệnh trực tiếp. Họ cho rằng công nghệ này sẽ tăng cường sự chăm sóc miễn là nó được sử dụng một cách thận trọng.


Hơn 35 bệnh viện đang sử dụng cùng một loại rôbôt của bệnh viện Johns Hopkins với giá 120.000 đôla một con hoặc thuê với giá 4.000 đôla một tháng. Với 5.000 đôla, các bác sĩ có thể lắp đặt một trạm điều khiển ở ngay phòng làm việc, tại nhà hoặc ở phòng khám. Yulun Wang, Giám đốc điều hành Công ty chế tạo rôbôt InTouch Health Inc. ở Santa Barbara, bang California , cho biết: “Rôbôt cho phép các bác sĩ hành nghề được ở 2 chỗ cùng một lúc, có nghĩa là họ có thể ở bên giường bệnh nhân thường xuyên hơn và tức thời hơn”.


Kavoussi, bác sĩ tiết niệu tại bệnh viện Johns Hopkins, đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá về rôbôt. Ông nói những nghiên cứu cho thấy rôbôt đã nâng cao được hiệu quả của việc chữa bệnh và bệnh nhân thích chúng như khi được khám bệnh trực tiếp. Daniel và một bệnh nhân khác mà Kavoussi đã “tới” khám bệnh trong cùng ngày hôm đấy cho biết họ có thể thấy được các lợi ích của rôbôt và công nhận rằng công nghệ này rất thú vị. Nhưng cả hai đều nói thêm rằng họ thích gặp trực tiếp các bác sĩ của mình hơn.


Nguồn: Times.com, 2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.