Phương pháp mới ngăn ung thư lây lan
Theo giáo sư-tiến sĩ Jerry Shay, trưởng nhóm nghiên cứu, phương pháp này là tấn công và ngăn chặn hoạt động của một enzyme được gọi là telomerase, kiềm chế không cho các tế bào ung thư hoạt động và lớn lên.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu telomere, một đơn vị tế bào nằm ở cuối các nhiễm sắc thể cho phép tìm hiểu các thông tin về gen. Ở các tế bào bình thường, các telomere ngắn hơn khi tế bào phân chia và già đi. Khi chúng đủ ngắn, tế bào sẽ ngưng phân chia. Nhưng điều này không xảy ra ở các tế bào ung thư, do sự cản trở của các enzyme telomerase, vì vậy các tế bào ác tính tiếp tục phát triển. “Chúng tôi đã thử kiềm chế enzyme này”, Shay nói.
Các nhà khoa học đã dùng một phân tử nhân tạo, được gọi là GRN163L, để ngăn không cho telomerase tiến đến tế bào. Phương pháp này khi thử nghiệm ở chuột - được làm cho mắc bệnh ung thư phổi - đã cho kết quả rõ rệt: tỷ lệ sống sót của tế bào ung thư phổi giảm. Đây là yếu tố tiên quyết để điều trị căn bệnh này, do các khối u ác tính thường lây lan ra khắp phổi và di căn tại các bộ phận khác của cơ thể.
“Đây là lần đầu tiên có một hóa chất cho thấy ngăn được sự di căn ở phổi. Và, điều quan trọng hơn, khi nó có thể ngăn được các tế bào ung thư phổi thì cũng có thể ngăn được sự di căn ở các dạng khối u khác”, Shay cho biết.
Hiện phương pháp này đang được tiếp tục thử nghiệm để kiểm tra độ an toàn của nó. Theo các nhà nghiên cứu, nếu thành công, nó sẽ được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác dùng trong điều trị các bệnh ung thư.
Nguồn: tuoitre.com.vn 4/9/2005