Phú Yên: Sáng tạo Hệ thống siêu thị thông minh của hai học sinh phổ thông trung học
Sáng tạo Hệ thống siêu thị thông minh là Dự án đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh lần thứ 7, năm học 2019-2020 của 2 nam sinh Trần Hữu Bách và Lê Hải Chấn, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) nghiên cứu. Giải pháp này nhằm áp dụng công nghệ 4.0, giúp khách hàng tìm kiếm, tra cứu thông tin sản phẩm, thông tin chăm sóc khách hàng, hướng dẫn đường đi đến từng sản phẩm cụ thể, quét mã vạch để tạo đơn hàng, đặt hàng và thanh toán online ngay tại quầy hàng... Đồng thời, hệ thống giúp quản lý siêu thị phân tích dữ liệu đơn hàng, tìm ra sở thích và theo dõi nhu cầu của khách hàng; cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin sản phẩm và tài khoản khách hàng thông qua hệ thống quản lý bán hàng, thống kê, lập biểu đồ cơ cấu doanh số, biểu đồ tăng trưởng doanh số.
Trần Hữu Bách và Nguyễn Hải Chấn với bảng mô tả giải pháp tại Cuộc thi STKT cấp Tỉnh
Nói về giải pháp của mình, Trần Hữu Bách và Lê Hải Chấn chia sẻ: Qua thực tế cho thấy, khi em và người thân đi siêu thị mua hàng, tại các siêu thị, việc thanh toán chưa được tự động hóa, cách tra cứu thông tin và tìm kiếm vị trí sản phẩm còn bất cập, các chương trình khuyến mại, marketing chưa tự động gửi đến khách hàng… Nhận thấy được sự bất cập đó, hai em đã có ý tưởng, nghiên cứu, phát triển hệ thống siêu thị thông minh. Hệ thống này bao gồm: Ứng dụng Smart Supermarket, một ứng dụng trên smartphone phục vụ quá trình mua sắm của khách hàng; xây dựng cơ sở dữ liệu đám mây để quản lý bán hàng, lưu trữ thông tin sản phẩm và thông tin tài khoản khách hàng.
Theo Lê Hải Chấn, ngày nay điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi với các tính năng công nghệ hiện đại, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ đám mây: Firebase, Airtable, One Signal... và nền tảng lập trình Thunkable. Do đó, chúng em đã ứng dụng những công nghệ này vào dự án hệ thống siêu thị thông minh. Như đã chia sẻ trên, “Dự án của chúng em đã mang lại sự tiện lợi và trải nghiệm mới cho khách hàng, nâng cao hiệu quả quản lý, bán hàng của siêu thị, qua đó thúc đẩy ngành bán lẻ truyền thống phát triển”.
Trần Hữu Bách chia sẻ thêm về ứng dụng này, người dùng sử dụng địa chỉ email để đăng ký tài khoản mới. Khi đăng ký, hệ thống sẽ gửi thư điện tử tới địa chỉ đăng ký để xác thực tài khoản. Sau khi người dùng xác thực tài khoản, một hồ sơ cá nhân được tạo ra và người dùng có thể thay đổi, cập nhật. “Có hai thao tác tìm kiếm thông tin sản phẩm gồm: chọn danh mục sản phẩm và tìm kiếm theo từ khóa. Kết quả tìm kiếm là tên sản phẩm, thương hiệu, giá bán, thông tin mô tả và thông tin các sản phẩm liên quan. Còn đối với việc chỉ đường đến sản phẩm, người dùng khi nhấn vào nút “Đến sản phẩm này” trên trang kết quả tìm kiếm, một bản đồ của siêu thị được hiện ra cùng với lộ trình chỉ đường từ vị trí hiện tại đến vị trí sản phẩm cần đến.
Đối với việc quét mã vạch để tạo đơn hàng, sau khi tới vị trí sản phẩm, khách hàng sử dụng camera của điện thoại để quét mã vạch. Đơn hàng được tạo thành gồm thông tin và số lượng sản phẩm. Khách hàng có thể tùy chỉnh thông tin đơn hàng trước khi nhấn nút đặt hàng. Còn việc đặt hàng và thanh toán online, khách hàng nạp tiền vào tài khoản trước khi mua sắm. Sau khi ấn đặt hàng, dữ liệu đơn hàng được gửi lên hệ thống quản lý bán hàng, tiền được tự động trừ trong tài khoản tương ứng. Lịch sử mua hàng được lưu lại trên hồ sơ cá nhân của khách hàng. Khách hàng có thể xem lại các đơn hàng đã đặt trên ứng dụng”.
Với mong muốn được nhân rộng sáng tạo của mình trên thị trường, Trần Hữu Bách và Lê Hải Chấn bày tỏ: Thời gian tới, 2 em tiếp tục từng bước nỗ lực hoàn thiện hệ thống siêu thị thông minh thông qua góp ý của các chuyên gia, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0, để kết nối doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Tác giả bài viết: Thùy Trang