Phú Yên: Phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông trung học
Phạm Quốc Bảo (học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) là một trong số ít học sinh nhiều lần đạt giải cao tại các cuộc thi Sáng tạo thanh, Thiếu niên và Nhi đồng tỉnh Phú Yên và Cuộc thi nghiên cứu khoa học. Bảo luôn có những ý tưởng và lập trình vững vàng. Mới đây, trong Cuộc thi ST. TTN-NĐ lần 2, giải pháp thiết bị cảnh báo sốt của Bảo đã đạt giải Nhất Cuộc thi cấp Tỉnh và giải khuyến khích cấp Toàn quốc. Bảo chia sẻ” Hầu hết mọi người dường như đã quá quen thuộc với việc đo thân nhiệt bằng nhiệt kế, nhưng ai cũng nhận ra những hạn chế, bất tiện của nó vì người ta không thể dùng nhiệt kế để kiểm soát thân nhiệt thường xuyên trong thời gian dài, đặc biệt là trong lúc ngủ. Em đã tìm hiểu một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe có trên thị trường. Trong đó, có một số sản phẩm tốt và hiện đại hơn, nhưng giá thành cao, hoạt động phức tạp và khó khắc phục các lỗi kỹ thuật khi gặp phải, chưa phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân. Từ đó, em mới quyết định thiết kế một sản phẩm sử dụng đơn giản, giá cả phải chăng và quan trọng nhất là thật sự mang lại hiệu quả. Với cấu tạo khá đơn giản, thiết bị cảnh báo sốt hoạt động bằng cách, người sử dụng đưa cảm biến nhiệt vào những nơi thân nhiệt ổn định và chính xác trên cơ thể để so sánh với ngưỡng nhiệt an toàn và sẽ cảnh báo khi thân nhiệt nằm ngoài mức giới hạn. Tùy vào nhiệt độ quá cao hay quá thấp so với mức cho phép, thiết bị sẽ phát chuông hoặc đèn tín hiệu phù hợp. Hiện tại, chi phí để tạo ra thiết bị này khoảng 200.000 đồng”.
Còn Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (sinh viên năm 4 Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh) là cái tên không còn xa lạ với những ai đam mê NCKH của Phú Yên. Trưởng thành từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học với 4 giải nhất cấp tỉnh và quốc gia, bước vào đại học, chàng cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) tiếp tục nuôi dưỡng đam mê NCKH bằng cách thực hiện nhiều dự án lớn hơn. Sau giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 vào đầu năm 2018, Khánh đang “dấn thân” vào các cuộc thi khởi nghiệp và đăng ký công nhận bằng sáng chế. Khánh bộc bạch: “Các hoạt động NCKH khi còn là học sinh rất có ý nghĩa với em vì vừa giúp em làm quen với môi trường nghiên cứu, vừa nhen lên trong em niềm đam với khoa học công nghệ”.
Với mong muốn vận dụng kiến thức đã học để ứng dụng vào cuộc sống, Trương Trọng Thân, học sinh lớp 12B8, Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) cũng đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm “Tbot - Robot tiện ích”. Sản phẩm độc đáo, đa tính năng này được xây dựng từ mạch điều khiển Galileo, Arduino, các module cảm biến. Sản phẩm được thiết kế nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt bằng bánh xe và được điều khiển bằng thiết bị smartphone qua sóng Bluetooth. Tbot là một robot thông minh, được thiết kế với nhiều tính năng dùng để quản lý nhà cửa. Tbot có thể cảnh báo rò rỉ khí gas, cháy nổ, có khả năng nhận dạng khuôn mặt chủ thể, phát hiện chuyển động và cảnh báo trộm đột nhập vào nhà. Ngoài ra, sản phẩm này còn có thể đo các thông số môi trường về ánh sáng, nhiệt độ… và nhất là có thể giao tiếp bằng giọng nói.
Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ của tỉnh lần đầu được tỉnh tổ chức vào năm 2015. Tuy chỉ mới 3 năm tổ chức phát động nhưng Cuộc thi đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các nhà trường, khuyến khích năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của học sinh, đặc biệt là việc gắn học lý thuyết với thực hành trong các nhà trường. Tại các Cuộc thi đã thu hút khá nhiều học sinh trung học phổ thông tham gia sáng tạo.
ThS. Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo TTN-NĐ tỉnh cho biết: Những mô hình sản phẩm tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh trong những lần qua đã thực sự thu hút lực lượng học sinh nói chung, trong đó học sinh THPT tham gia khá nhiều, các học sinh đều có ý tưởng, phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo khoa học kỹ thuật từ thực tiễn, từ trong học tập, sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Một số mô hình sản phẩm có tính sáng tạo được ứng dụng trong giảng dạy, học tập tại các nhà trường, trong đời sống. Các mô hình sản phẩm đạt giải đã thể hiện rõ tính ham học hỏi, tư duy nghiên cứu của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng và là niềm tự hào của tuổi trẻ tỉnh nhà; là cơ sở để hình thành những nhà sáng tạo trẻ, các nhà khoa học tương lai, tiếp tục sáng tạo và ứng dụng sáng tạo vào học tập, sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.