Phú Yên: Những kinh nghiệm hoạt động Tư vấn, Phản biện & Giám định xã hội
Kinh nghiệm đầu tiên mà Liên hiệp Hội Phú Yên rút ra là: Phải Xây dựng được quy trình các bước thực hiện nhiệm vụ TV,PB&GĐXH, theo bốn mức: Một là, chia sẻ thông tin tham khảo về nội dung hoặc phương pháp tiếp cận nguồn tư liệu, nguồn chuyên gia…Hai là, phân tích, đánh giá, đưa ra các ý kiến nhận xét, bình luận hoặc kiến nghị hướng nghiên cứu nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện hoặc bổ sung, sửa đổi từng phần hoặc toàn bộ một đề án đang được chuẩn bị hoặc đang được thực thi. Ba là, phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện và đưa ra kiến nghị cụ thể về giải pháp hoặc phương án bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế từng phần hoặc toàn bộ một đề án. Bốn là, đề xuất chủ trì nghiên cứu soạn thảo toàn bộ hoặc một số phần nhất định của một đề án.
Kinh nghiệm thư hai là: Phải có kế hoạch mời gọi đội ngũ chuyên gia trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những người Phú Yên đang công tác ở ngoài tỉnh. Tính đến nay Liên hiệp Hội có gần 200 chuyên gia trong và ngoài tỉnh trên nhiều lĩnh vực liên quan. Khi Liên hiệp Hội Phú Yên nhận lãnh TV,PB&GĐXH đề tài, dự án có liên quan đến lĩnh vực nào thì Liên hiệp Hội mời chuyên gia lĩnh vực ấy tham gia...Qua sự kết hợp với các chuyên gia Liên hiệp Hội còn là “Cầu nối” thể hiện sự giao lưu và sự đóng góp của các chuyên gia ấy đối với quê hương đất nước.
Kinh nghiệm thứ ba là: Với vai trò là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Liên hiệp Hội Phú Yên và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia các hoạt động giám sát theo chức năng nhiệm vụ quy định, góp phần thực hiện đường lối chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…Bên cạnh đó Liên hiệp Hội Tỉnh và các hội thành viên tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh phát động, như ủng hộ “Quỹ xoá đói giảm nghèo”, “Quỹ phòng chống thiên tai”, hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng cơ quan văn hoá, gia đình văn hoá..., tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ hội viên và nhân dân ở nông thôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ vốn, kinh nghiệm trong sản xuất từ đó giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho hội viên. Nhiều hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên và nhân dân về các kỹ năng phòng chống thiên tai; mở các lớp chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn hội viên cách phòng ngừa bệnh tật ở gia súc, gia cầm, thúc đấy phong trào phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, đa dạng, bền vững, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng các phong trào do UBMT Tổ quốc tỉnh phát động...
Kinh nghiệm thư tư là: Nếu thực hiện thành công các nhiệm vụ phản biện xã hội, vai trò và vị thế của Liên hiệp Hội đã được nâng lên đáng kể. Cụ thể như: Sau khi được UBND tỉnh ký Quyết định 1089/2011/QĐ-UBND Ban hành Quy chế hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Phú Yên, Thường trực Liên hiệp Hội đã tổ chức làm việc với các Đảng ủy một số sở ngành, trường học trong tỉnh và Hội thành viên. Đồng thời làm việc với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về hoạt động TV,PB&GĐXH tại thành phố Tuy Hòa trong 2 ngày 25-26/8/2011. Tham dự lớp tập huấn có Liên hiệp Hội 17 tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Và các năm tiếp theo Liên hiệp Hội Phú Yên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hoặc Sở, ngành liên quan đặt hàng công tác TV,PB&GĐXH các đề tài, dự án liên quan... Vai trò và vị thế của Liên hiệp Hội Phú Yên cũng như các Liên hiệp Hội tỉnh thành khác trên toàn quốc đều được Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị khẳng định, nhưng về mặt chủ quan, vai trò và vị thế của chúng ta, phải do việc làm của chính chúng ta khẳng định, mới bền vững.
Tuy có một số kết quả vừa nêu trên nhưng Liên hiệp Hội Phú Yên thực hiện TV,PB&GĐXH chưa được nhiều và có phần hơi chậm so với các Liên hiệp Hội trong khu vực, các Liên hiệp Hội của nhiều tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ này rất mạnh, như: Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Gia Lai, Bình Thuận. Vì vậy, với các Liên hiệp Hội chưa chủ động hoặc chưa được giao nhiệm vụ phản biện xã hội cần chú ý đến việc vận động UBND tỉnh, thành phố, làm cho UBND tỉnh, thành phố hiểu được các lợi ích của phản biện xã hội. Được phản biện xã hội, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án hoặc dự án sẽ có căn cứ khoa học vững chắc hơn, sẽ có sản phẩm hoàn chỉnh hơn, sẽ phù hợp hơn với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kinh nghiệm thứ năm là: Qua thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội là nhất thiết phải dựa vào các cơ sở khoa học để phản biện. Đặc biệt cần lưu ý rằng, nhóm phản biện không phản đối bất cứ điều gì, mà là xem xét vấn đề ở một góc nhìn khác, góc nhìn khoa học. Nếu thấy số liệu, nhận định của nhóm tư vấn có vấn đề, những người phản biện đại diện cho xã hội, vì trách nhiệm đối với xã hội, nếu muốn nói khác các nhà tư vấn, phải chỉ ra nhóm phản biện dựa vào số liệu của ai, dựa vào tài liệu khoa học nào,… Hơn nữa, không chỉ nói rằng họ sai chỗ này, chỗ kia, mà phải tiến thêm một bước xa hơn, cần đưa ra phương án của nhóm phản biện để so sánh, lựa chọn hoặc đưa ra phương án khắc phục những chỗ sai sót của các nhà tư vấn.
Như vậy, Liên hiệp Hội Phú đã thực hiện hoạt động TV,PB&GĐXH mặc dù chưa nhiều, nhưng cũng phần nào đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Những kinh nghiệm của Liên hiệp Hội Phú Yên ít nhiều cũng góp phần kinh nghiệm trong sự phát triển chung của hệ thống Liên hiệp Hội./.