Phú Thọ: Trí thức góp ý giải pháp đột phá để phát triển du lịch
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có trình độ chuyên môn sâu trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, kinh tế và xã hội học,…, đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ, trường Đại học Hùng Vương và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng việc định hướng, xây dựng và ban hành các chủ trương mới về phát triển du lịch là thật sự cần thiết và phù hợp với sự phát triển hiện tại và tương lai, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tỉnh Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, có các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về nội dung các dự thảo, các chuyên gia đánh giá đây là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến việc tổng kết một Nghị quyết lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, trong khi thời gian chuẩn bị chưa nhiều; các công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường, đánh giá các yếu tố thuận lợi, khó khăn, tìm ra được đặc điểm đặc trưng và loại hình du lịch phù hợp với tỉnh Phú Thọ chưa thật sự được kỹ lưỡng. Do đó phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo, một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chưa thật sự khả thi và chưa sát với thực tiễn du lịch của tỉnh đang đặt ra. Các ý kiến đóng góp thống nhất đề nghị dự thảo phải đánh giá đúng thực trạng du lịch của tỉnh, đánh giá khách quan các kết quả đạt được, đồng thời cần xác định bổ sung các mục tiêu cả tổng quát và cụ thể ở tầm khái quát hơn để thấy rõ được tầm chiến lược của khâu đột phá. Trong đó để tạo điểm nhấn nổi bật, nhất quán trong định hướng phát triển, dự thảo cần xác lập một định hướng du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh Phú Thọ đó là “Du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” hoặc “Du lịch về với cội nguồn dân tộc”, thay vì gọi là du lịch tâm linh. Xác định được định hướng này sẽ quyết định đến việc xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp khả thi cho giai đoạn 2016 - 2020; về các nội dung khác đề nghị dự thảo cần có các đánh giá đầy đủ, lô gic và sát thực tiễn hơn, trong đó cần nhấn mạnh và phát huy vai trò, sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động du lịch, Nhà nước chỉ nên xây dựng và tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách và các hỗ trợ cần thiết mà doanh nghiệp và người dân không làm được,...
Trên cơ sở các ý kiến, hội thảo đã thống nhất các nội dung để Liên hiệp hội xây dựng Báo cáo tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị và gửi các cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, sử dụng các ý kiến đóng góp.