Phú Thọ: Tạo lập và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm chuối Bản Nguyên
Những năm gần đây, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân đã được UBND xã Bản Nguyên quan tâm, chú trọng.
Nhờ đó, trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, trong đó có cây chuối. Với hơn 2.000 hộ dân thì có gần 50 % số hộ trong xã trồng chuối với diện tích từ một vài sào đến 5 ha ở vườn nhà, ngoài ruộng và trên diện tích đất bãi với tổng diện tích trên 60 ha.
Điểm đặc biệt của sản phẩm chuối Bản Nguyên là buồng to, quả uốn cong và phân bố đều trên một nải nên nải chuối rất đẹp, thường được người tiêu dùng lựa chọn mua để thờ cúng vào những dịp lễ tết. Sản phẩm chuối Bản Nguyên đã được chứng nhận sản phẩm tin cậy, nhãn hiệu ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo năm 2016 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo đánh giá, trao tặng.
Lãnh đạo LHH Phú Thọ và Lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao thăm vườn chuối tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao
Tuy nhiên, người dân trồng chuối tại xã Bản Nguyên còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Do thiếu tổ chức, liên kết trong sản xuất, kinh doanh chuối nên đa số các hộ gia đình vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung, “mạnh ai nấy làm”, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… chủ yếu theo kinh nghiệm.
Đặc biệt là thiếu sự quản lý và giám sát ở tất cả các khâu trong sản xuất chuối dẫn đến chất lượng không đồng đều, sản phẩm không có nhãn hiệu, tem nhãn nên bị thương lái ép giá, thậm chí có không ít sản phẩm chuối Bản Nguyên lại được dán tem nhãn bởi các nhãn hiệu, địa danh khác, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chuối Bản Nguyên nhưng hầu như không biết gì về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Mặt khác, do chưa xây dựng được thương hiệu nên đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định, giá cả phụ thuộc nhiều vào thương lái thu mua nhỏ lẻ nên vị thế trên thị trường yếu, đang bị cạnh tranh gay gắt của người dân trồng chuối của các địa phương khác trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Từ những thực tiễn nêu trên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã đề xuất và được UBND tỉnh Phú Thọ giaothực hiện dự án khoa học “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bản Nguyên”cho sản phẩm chuối Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ”.
Mục tiêu của dự án là tạo lập tài sản trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể “Bản Nguyên” cho sản phẩm chuối Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Thiết lập và vận hành hệ thống quản lý cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Bản Nguyên” nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, loại trừ các sản phẩm không đúng nguồn gốc, kém chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất chuối xã Bản Nguyên và người tiêu dùng sản phẩm. Xây dựng được hệ thống, công cụ tuyên truyền quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy giá trị thương hiệu cho sản phẩm chuối tiêu Bản Nguyên.
Để triển khai thực hiện, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật đã Phối hợp với UBND huyện Lâm Thao, UBND xã Bản Nguyên xác định tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu; xây dựng bản đồ chi tiết vùng sử dụng nhãn hiệu tập thể chuối Bản Nguyên; Quy trình kỹ thuật nội bộ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển sản phẩm; Xây dựng, ban hành và vận hành bộ công cụ phục vụ công tác quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bản Nguyên” như: Hệ thống văn bản, hệ thống mô hình quản lý và khai thác quyền cùa nhãn hiệu tập thể;. Vận hành các công cụ quản lý và sử dụng quyền đảm bảo hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm; thiết kế mẫu logo, nhãn hiệu tập thể và hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ; thử nghiệm hệ thống nhận diện thương hiệu lên sản phẩm và ra thị trường;Đăng ký mã số, mã vạch, mã QR code phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm “chuối Bản Nguyên”.
Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng các tin, bài, ảnh giới thiệu, quảng cáo liên quan đến sản phẩm chuối Bản Nguyên trên các phương tiện truyền thông ở trong và ngoài tỉnh (báo, đài, website, truyền hình...), thiết lập các kênh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng gian trưng bày “chuối Bản Nguyên” tại TP Việt Trì và xã Bản Nguyên; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý địa phương, người dân để quản lý và khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể trên thực tế.
Ông Khổng Mạnh Tiến – PCT LHH Phú Thọ trao Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm
Đến nay sản phẩm chuối bản nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể số 371661 ngày 27/11/2020. Đây thể hiện sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm mở ra cơ hội giúp chuối Bản Nguyên thâm nhập được vào các thị trường và tạo hướng phát triển bền vững, từng bước thay đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, tạo việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Qua triển khai thực hiện dự án, nhận thức của các hộ sản xuất, hộ kinh doanh và khách hàng về giá trị của nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chuối Bản Nguyên tăng lên, bảo vệ quyền của người sản xuất, người tiêu dùng đối với sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.Đây sẽ là tiền đề cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tương tự của huyện Lâm Thao nói riêng cũng như các địa phương khác trên toàn tỉnh Phú Thọ nói chung.
Khổng Mạnh Tiến