Phú Thọ: Đánh giá tác động của chính sách đến chương trình mỗi xã một sản phẩm
Ngày 27/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá tác động của chính sách đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - những vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất giải pháp đối với tỉnh Phú Thọ.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện; chủ thể sản xuất. Bí thư Đảng đoàn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hồ Đình Lưỡng tham gia chủ trì hội thảo.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được tỉnh triển khai từ năm 2019, đến năm 2020 tỉnh bắt đầu xét, công nhận các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Bên cạnh triển khai các chính sách hỗ trợ của chính phủ, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích các địa phương, chủ thể thực hiện chương trình.
Quang cảnh hội thảo.
Chương trình OCOP đã góp phần tích cực phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh, từng bước thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất, liên kết cộng đồng, phát triển và xây dựng sản phẩm của các chủ thể. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia đánh giá bước đầu đã được các chủ thể đầu tư vùng nguyên liệu, một số tiến hành chứng nhận sản xuất an toàn, có liên kết sản xuất, đầu tư bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc, công bố tiêu chuẩn chất lượng, từng bước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua phân tích mẫu kiểm nghiệm định kỳ... Đến hết năm 2022, UBND tỉnh đã công nhận 139 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ ba sao trở lên, trong đó có một số sản phẩm được đánh giá là có khả năng xuất khẩu đến một số thị trường quốc tế và khu vực.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và một số chủ thể OCOP đã tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về tiềm năng, lợi thế về văn hóa, lịch sử và các sản phẩm đặc sản truyền thống, làng nghề đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh có thể khai thác, xây dựng thành các sản phẩm OCOP; tư vấn, phản biện, đánh giá những tác động tích cực từ các chủ trương, cơ chế, chính sách về Chương trình OCOP của chính phủ, của tỉnh. Đồng thời, nhận định những hạn chế, điểm còn thiếu, chưa hoàn thiện của hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành; phân tích những nguyên nhân, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách định hướng đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tại hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Chương trình OCOP.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Hồ Đình Lưỡng đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, khoa học, sát với thực tế tình hình của tỉnh, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu, chủ thể sẽ được Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và gửi đến các cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu.