Phòng ngừa tái phát bệnh sỏi ở đường tiết niệu
Uống nhiều nước:Uống nhiều nước để giảm nồng độ các chất tạo thành sỏi trong nước tiểu là điểm mấu chốt của phương pháp. Nếu hòa loãng nước tiểu bằng cách uống nhiều nước để lượng nước tiểu mỗi ngày đạt mức từ 1,5 đến 2 lít thì nồng độ canxi cũng như oxalat cũng giảm xuống còn 1/2. Phải phân bố số lần uống nước đều đặn trong ngày và đêm; uống nước trước lúc đi ngủ và đặc biệt phải uống nước mỗi khi bị thức giấc do nồng độ nước tiểu tăng cao trong đêm.
Những người có thêm bệnh tăng canxi trong nước tiểu tự phát lại càng phải uống nhiều nước. Cần chú ý đến nồng độ canxi của các loại nước giải khát thường dùng để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
Sử dụng vừa phải các thực phẩm giàu canxi: Chế độ ăn quá ít canxi (dưới 600mg mỗi ngày) sẽ làm tăng hấp thụ oxalat ở ruột, dẫn tới tăng oxalat ở nước tiểu và thúc đẩy sự tạo thành các sỏi mới. Chế độ ăn thiếu canxi này còn gây thiếu canxi và mất các chất khoáng trong xương. Nếu ăn nhiều canxi (trên 1000mg mỗi ngày) sẽ làm tăng canxi trong nước tiểu, dẫn đến nguy cơ tái phát bệnh, nhất là những người có thêm bệnh tăng canxi trong nước tiểu tự phát.
Lượng canxi sử dụng trong chế độ ăn phòng tái phát sỏi tốt nhất là 800-1000mg/ngày, tùy theo trọng lượng của cơ thể, trong đó:
- Thịt, rau quả cung cấp khoảng 200mg canxi mỗi ngày.
- Nước uống khoảng 2 lít mỗi ngày cung cấp từ 20 đến 200mg (tùy theo từng loại).
- Sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp từ 400 đến 600mg mỗi ngày.
Giảm các thực phẩm giàu oxalat:Socola, cacao, rau dền là những thực phẩm chứa nhiều oxalat. Cần hạn chế những thực phẩm này vì có tới 80% oxalat từ thực phẩm bị thải vào nước tiểu và thúc đẩy quá trình tạo sỏi mới. Các thức ăn giàu oxalat còn gây chứng đái ít, làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Tránh dùng các thực phẩm giàu purin:Cá biển, phủ tạng gia cầm, gia súc, thịt lợn, tuyến ức bê, đậu đỏ... là những thực phẩm có nhiều gốc purin. Cần tránh sử dụng các thực phẩm này để giảm thiểu lượng uric trong nước tiểu.
Sử dụng vừa phải protit động vật và muối ăn:Các thực phẩm này ảnh hưởng quan trọng đến lượng canxi thải vào nước tiểu, do vậy tất cả những bệnh nhân đã bị sỏi oxalat canxi ở đường tiết niệu phải sử dụng với mức vừa phải. Cụ thể , mỗi ngày chỉ nên dùng 120-150g protit động vật (thịt, cá, gia cầm, trứng...) và không quá 6g muối ăn (kể cả mì chính).
Đánh giá kết quả điều trị:Kết quả điều trị bằng chế độ ăn nói trên thường rất khả quan. Liệu pháp được đánh giá là tốt nếu: Lượng nước tiểu trong 24 giờ là 2 lít; nồng độ canxi trong nước tiểu dưới 3,8mmol/l; nồng độ uric trong nước tiểu dưới 2,4mmol/l.
Bổ sung thuốc lợi tiểu:Có một số ít trường hợp, mặc dù hạn chế sử dụng protit động vật và urê trong nước tiểu ở mức bình thường, nồng độ canxi trong nước tiểu vẫn ở mức rất cao. Trong trường hợp này phải dùng thêm thuốc lợi tiểu.
Trước tiên hãy dùng lợi tiểu Đông y vì thuốc ít tác dụng phụ. Đó có thể là chè lợi tiểu hay thuốc sắc (thuốc sắc gồm phục linh 10g, mộc thông 5g, tang thạch bì 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm ba lần, uống trong ngày). Cả hai loại này đều được bán ở các cửa hàng đông dược.
Nếu điều trị không đạt hiệu quả, có thể dùng các tân dược lợi tiểu với liều thấp, ví dụ hydrochlorothiazid (không quá 25ml mỗi ngày) hoặc furosemid (không quá 20mg mỗi ngày). Khi dùng lâu ngày các loại thuốc này có thể gây giảm kali trong máu, do vậy cần định kỳ kiểm tra các chất điện giải trong máu (nhất là kali) và bù thêm kali bằng các thực phẩm giàu chất này (chuối) hoặc dùng thuốc (citrat kali) theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: Khoa học & Đời sống số 23 (1741), ngày 21/3/2005