Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam
Khai thác năng lượng mặt trời (Ảnh: Internet)
NLTT là những nguồn năng lượng hay những phương pháp khai thác năng lượng mà nếu đo bằng các chuẩn mực của con người là vô hạn. Đó là nguồn năng lượng tồn tại nhiều đến mức không thể cạn kiệt do quá trình sử dụng của con người (năng lượng Mặt trời…) hoặc là nguồn năng lượng tự tái tạo trong thời gian ngắn và liên tục (năng lượng sinh khối…). Chúng là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm không khí và không gây ảnh hưởng đến sự nóng lên của Trái đất, không gây hiệu ứng nhà kính. Nguồn năng lượng này là tự nhiên nên có ưu điểm là chi phí nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng thấp. Tuy nhiên, nhược điểm hiện nay là chi phí sản xuất và đầu tư ban đầu lớn.
NLTT là nguồn năng lượng sạch (Ảnh: Internet)
Cùng với sự tăng trưởng nhanh về kinh tế trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là điện năng trong giai đoạn 20-30 năm tới được dự báo là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu đó việc cung ứng năng lượng đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nguồn nhiên liệt hóa thạch nội địa đang dần cạn kiệt, nguồn cung từ thế giới đang biến động khiến Việt Nam luôn bị lệ thuộc vào giá năng lượng thế giới. Trong hoàn cảnh đó, việc phát triển NLTT là rất cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm ..
Mô hình nhà máy khai thác năng lượng sóng biển(Ảnh: Internet)
Là một quốc gia có vị trí địa lý, khí hậu thích hợp và giàu tiềm năng cho việc phát triển nguồn NLTT. Tiềm năng khí sinh học của Việt Nam xấp xỉ 10 tỉ m3/năm, nguồn năng lượng sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm, tiềm năng thủy điện nhỏ hơn 4.000 MW, nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước, tiềm năng năng lượng gió ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm. Mặc dù vậy, nhưng cho đến nay việc phát triển nguồn NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Việc khai thác và sử dụng NLTT cũng chưa thực sự hiệu quả trong bối cảnh thiếu hụt ngày càng lớn trong nguồn cung năng lượng (dự kiến sau 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế). Theo ông Lê Dương Quang – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết đến cuối năm 2013, nguồn NLTT đã và đang được khai thác cho sản xuất điện chiếm tỷ lệ 6,3% tổng nguồn điện toàn hệ thống với tổng công suất lắp đặt khoảng 3.900 MW, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ chiếm khoảng 3.770 MW, điện gió 52 MW, điện sinh khối 150 MW, năng lượng tái tạo khác là 18 MW. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thực sự hấp dẫn, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, trình độ công nghệ chưa đáp ứng dẫn tới chi phí đầu tư ban đầu cao. . .
Nhận thức tầm quan trọng của NLTT, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển NLTT, đề ra mục tiêu sử dụng NLTT và định hướng phát triển thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và quy mô kinh doanh đa dạng. Theo đó, ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050 nhằm khuyến khích phát triển và sử dụng những nguổn năng lượng mới và NLTT. Nội dung của Chiến lược đề ra những mục tiêu tăng thị phần của NLTT trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư về biểu giá điện và thuế. Các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi đó chưa đủ để triển khai các dự án phát triển NLTT cũng như thương mại hóa nguồn năng lượng này tại Việt Nam. Bên cạnh đó cơ chế tài chính, việc đầu tư quản lý và vận hành các dự án NLTT tại các khu vực khác nhau còn nhiều bất cập. Do đó, để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển NLTT, Việt Nam cần ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, áp khung giá đầu vào hợp lý. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu và sớm ban hành Luật Năng lượng làm cơ sở pháp lý đủ mạnh và cần nhiều hơn nữa là những biện pháp cụ thể để phát triển NLTT ở Việt Nam.