Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Vận tốc gió trung bình năm ở độ cao 100m có thể đạt 9 – 10 m/s tại nhiều vùng biển của Việt Nam, trong đó khu vực có tiềm năng lớn vùng biển Nam Trung Bộ và Vịnh Bắc Bộ. Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý hay Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38GW mỗi vùng.
Ảnh st
Tiềm năng lớn
Với tiềm năng tài nguyên nằm trong top đầu thế giới và nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới.
Hiện nay, khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận có vận tốc gió trung bình hơn 10m/s ở vùng biển sâu dưới 50m và vùng có vận tốc gió trên 7m/s mang lại tiềm năng điện gió cố định ngoài khơi ở vùng này lên đến 165GW. Tiềm năng điện gió nổi với độ sâu dưới 1000m ở các vùng biển phía Nam đến Quảng Nam đạt 175GW. Ở lãnh hải phía bắc Việt Nam (ngoài Vịnh Bắc bộ), nơi có vận tốc gió vào khoảng 7 – 8.5m/s và độ sâu biển dưới 50m có tiềm năng điện gió cố định khoảng 88GW, và độ sâu dưới 1000m có tiềm năng điện gió nổi lên đến 39GW. Trong dải 200km từ bờ của lãnh hải Việt Nam thì tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi cố định lên tới 261GW và điện gió nổi lên tới 214GW.
Điểm ưu tiên và quan trọng nhất là gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, phù hợp với nhu cầu điện do vậy chi phí cho lưu trữ và truyền tải điện sẽ giảm thiểu hơn, đồng thời sa thải phụ tải cũng thấp hơn. Gió ngoài khơi ổn định hơn và hệ số toàn tải (CF) cao (40 - 55%) nên có thể làm giảm chi phí sản xuất điện, tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu... Các ưu điểm này của điện gió ngoài khơi đã có thể giảm thiểu khó khăn lớn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo là nguồn phát đồng bộ để cân bằng hệ thống (thường phải dùng điện khí hoặc một phần thủy điện).
Việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là một trong các giải pháp hữu hiệu đối với Việt Nam với tiềm năng và lợi thế có thể đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện với giá điện ngày càng giảm, không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều công việc mới, giảm phát thải khí cacbon theo cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, điểm nhấn quan trọng về phát triển điện gió ngoài khơi là lần đầu tiên ở Việt Nam, việc xác định khái niệm dự án điện gió ngoài khơi (là khu vực có độ sâu đáy biển lớn hơn 20 m), công suất nguồn điện từ điện gió ngoài khơi tách biệt với điện gió trên bờ và gần bờ đã được nêu trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm gần 30% trong tổng nguồn điện đến năm 2030, quy mô công suất nguồn điện gió tăng gấp 3 lần và nguồn điện mặt trời gần gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chủ yếu là điện gió trên bờ và gần bờ tăng 9 GW, điện mặt trời thêm 7 GW.
Đối với điện gió ngoài khơi, kịch bản phụ tải cơ sở thì đến năm 2030, công suất đặt là 2 GW trong tổng số 137,662 GW,chiếm tỉ lệ 1,45%, còn theo kịch bản phụ tải cao thì đến năm 2030, công suất đặt là 3 GW trong tổng số 147,552 GW, chiếm tỷ lệ 2%.
Điện gió ngoài khơi là một cơ hội tốt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển điện lực. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, phát triển 10 GW điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ tạo ra 800 nghìn việc làm hàng năm với tổng giá trị tạo ra cho nền kinh tế ước đạt hơn 60 tỉ đô-la Mỹ trong gia đoạn từ 2020 đến 2035. Nguồn vốn FDI cũng sẽ đầu tư vào chuỗi cung ứng, trước mắt tập trung vào sản xuất thiết bị phụ trợ cho nhà máy điện, cánh turbin, cột tháp, dây cáp biển ngầm, phương tiện nổi để xây dựng móng nền và lắp đặt thiết bị và cuối cùng là sản xuất turbin với quy mô có thể đạt 500 triệu đô-la Mỹ trước năm 2030.
Đó chính là các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường to lớn và lâu dài khi Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng trong nước. Việc sớm xác định mục tiêu, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao cho điện gió ngoài khơi ngay trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết để các dự án dài hạn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Đó có thể là cơ chế hợp đồng mua bán điện dài hạn, giá mua điện, kết nối mạng lưới phân phối và truyền tải điện, tỷ trọng hợp lý trong tổng sơ đồ điện và các chính sách hỗ trợ khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Sự bùng nổ của đầu tư tư nhân vào điện mặt trời thời gian vừa qua là một ví dụ minh chứng cho tính đúng đắn của chính sách.
Hiệu quả về tài chính
Về mặt tài chính, điện gió ngoài khơi hiện có 2 cản trở chính: Giá tua bin cao và đặc biệt giá xây lắp cao. Giá tua bin hiện chiếm khoảng 36% tổng chi phí. Giá phổ biến của các hãng lớn chào giá khoảng 3,15 triệu USD/tua bin công suất 4,2 MW, tương đương khoảng 0,75 triệu USD/MW (chưa gồm VAT).
Ảnh st
Một số hãng bắt buộc móng trụ phải theo quy cách của họ (ví dụ móng bê tông multiplies thay vì móng đơn monopole). Thậm chí, một số đối tác nước ngoài còn yêu cầu cần xây dựng cầu dẫn (link bridge) để tạo thuận lợi cho việc bảo trì thường xuyên và đỡ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cáp. Chi phí này thường khá lớn. Mỗi tua bin cách nhau khoảng 1 km thì 1 dự án 12 tua bin cần đường cầu dẫn khoảng 12 km, có giá trung bình 2 triệu USD/km cầu dẫn, tổng khoảng 24 triệu USD, bằng 2/3 giá tua bin.
Chi phí bảo trì O&M hàng năm là điểm rất cần lưu ý. Các hãng lớn sẽ bảo hành 20 năm, giá cố định, bao gồm cẩu (crane). Tuy nhiên, vấn đề tàu/xà lan (barge) lại không được đề cập. Tranh cãi có thể xảy ra sau này nếu hợp đồng không có tàu/xà lan, sẽ không thể bảo trì.
Một số hãng không thể đưa ra cam kết bảo hành 20 năm do không tính được giá thuê tàu, hoặc biến động giá nhân công, cẩu… Đây là điểm mấu chốt.
Giá xây lắp hiện chiếm khoảng 53% tổng chi phí. Chi phí này đặt ra bài toán lớn nhất cho dự án điện gió là phải giảm hết mức mới mong hiệu quả trong bối cảnh giảm chi phí tua bin hầu như rất khó, do hiếm nhà cung cấp.
Có 2 loại đối tác xây lắp (BOP - Balance of Plant): Nước ngoài và Việt Nam. Đối tác Việt Nam thường có 2 loại chính 'lớn quá, hoặc bé quá'. Các đơn vị lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì thường lắp đặt các dự án ngoài khơi xa nên thấy dự án gần bờ mà không phải kết cấu thép thì thấy nhỏ quá. Các công ty nhỏ thì thường ít kinh nghiệm thi công trên biển, phương tiện kỹ thuật nghèo nàn. Đa số các công ty mới tham gia một cấu phần nhỏ của dự án điện gió ngoài khơi, ít đơn vị có khả năng làm BOP, chưa nói đến khả năng làm tổng thầu EPC. Một số đơn vị thì báo giá quá cao, vượt khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Các công ty nước ngoài thường đóng vai trò là tổng thầu EPC, hoặc tổng thầu xây lắp BOP. Chi phí bao gồm phí quản lý dự án nên thường rất cao, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.
Thêm vào đó, việc quy định thời gian đáp ứng giá FIT hạn chế, trong bối cảnh các nhà thầu trong nước thiếu kinh nghiệm triển khai thi công trên biển, thiếu phương tiện thi công cũng khiến các nhà thầu nước ngoài có điều kiện ép giá các chủ đầu tư.
Việc phải chấp nhận đối tác nước ngoài, thường là các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, là tình cảnh bắt buộc của nhiều dự án khi doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực khiến chủ đầu tư lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Các chi phí khác cũng tạo áp lực cho chủ đầu tư. Chi phí phát triển dự án ước tính khoảng 3% tổng chi phí. Chi phí khảo sát, dự phòng khoảng 4% - 5%. Chi phí trạm biến áp và đấu nối thì tùy quy mô dự án, khoảng 1% - 3%.
Chi phí vay ngân hàng trong nước với chi phí vốn khoảng 10% - 11% thực sự gây khó cho điện gió ngoài khơi. Chi phí này chưa thể hiện được ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch. Trong các phương án tính toán mà có tái tài trợ từ ngân hàng nước ngoài, dự án sẽ khả thi hơn nhưng thực tế cũng không dễ thực hiện. Trong trường hợp không tìm được nguồn vốn rẻ hơn để tái tài trợ được thì IRR khoảng 11% và thời hạn hoàn vốn là 18 - 20 năm, dự án rất không hấp dẫn.
Điện gió ngoài khơi nói riêng và điện gió nói riêng là nguồn năng lượng sạch, ít gây hệ lụy về mặt xử lý môi trường sau này. Do đó, tỷ trọng nguồn điện gió cần được ưu tiên trong tổng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn thể hiện chủ quyền biển đảo quốc gia.
PV