Phát hiện nguyên nhân gây tử vong cao của H5N1
Michael Chan và Malik Peiris thuộc ĐH Hong Kong cùng cộng sự đã lấy các mẫu H5N1 từ một bệnh nhân tử vong trong năm 1997, hai bệnh nhân tại Việt Nam trong năm 2004 và một mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân nhiễm cúm H1N1 thông thường ở Hong Kong.
Họ sử dụng vi-rút để lây nhiễm các mẫu mô phổi của những bệnh nhân khác không nhiễm cúm.
Kết quả là H5N1 tạo ra một cơn bão cytokines, một protein kháng khuẩn của hệ miễn dịch.
Nói cách khác, rất nhiều cytokines lao tới mô phổi nhiễm vi-rút, tạo ra phản ứng miễn dịch quá mức mà có thể gây chết người. Trong khi đó H1N1 gây ra một phản ứng yếu hơn nhiều. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện các chủng H5N1 ở Việt Nam gây ra phản ứng mạnh hơn so với chủng H5N1 ở Hồng Kông năm 1997. Họ cho rằng nguyên nhân có thể là do vi-rút H5N1 liên tục đột biến. Nghiên cứu có thể giải thích tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng của các bệnh nhân H5N1, những người thường nói rằng họ rất khó thở.
Michael Osterholm thuộc ĐH Minnesota, cố vấn của chính phủ Mỹ về nguy cơ dịch cúm gia cầm, cho biết nghiên cứu trên ủng hộ các dự đoán rằng một đại dịch H5N1 sẽ rất nghiêm trọng.
Nói cách khác, nếu H5N1 gây ra đại dịch, nó có thể ảnh hưởng tới nhiều người trẻ tuổi và người khoẻ mạnh, chứ không giống như cúm thông thường mà thường giết nhiều người cao tuổi. Nghiên cứu cũng đặt ra những câu hỏi về mức độ hiệu quả của các loại thuốc trong việc kiểm soát một đại dịch như vậy.
TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ, cho biết phải xem xét liệu nghiên cứu trên có chính xác hay không. Nếu thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Hong Kong chính xác là điều xảy ra ở người, điều đó có nghĩa là ngoài các loại thuốc chống vi-rút, các ca nhiễm H5N1 cần các loại thuốc ức chế phản ứng miễn dịch. Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm nhiều loại thuốc kháng nhau để tác động tới hệ miễn dịch. Mục tiêu là xác định liệu chúng có thể giúp bệnh nhân chống chọi tốt hơn với H5N1 hay không.
Nguồn: vnn.vn 12/11/2005