PHAN BỘI CHÂU - NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG HỮU NGHỊ VIỆT - NHẬT
Đất nước Việt Nam vốn yên ả, bình lặng, bổng nhiên bị đánh thức và bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh ngày một khốc liệt. Hầu như cùng lúc đó, một trào lưu tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ tư sản, từ phương Tây theo ba ngã đường – Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp, tràn sang Việt Nam. Hai ngã đường đầu là khúc xạ qua Tân văn, Tân Thư, còn ngã sau là trực tiếp thông qua những người Pháp là thầy giáo, các nhà khoa học và những quan chức Việt Nam sang Pháp “ khảo sát chính trị” trở về truyền bá văn minh Pháp quốc. Hãy nghe một đoạn trong bài diễn thuyết của Tri phủ Trần Tán Bình từ Pháp về, nói với những người Việt ham của lạ, chuộng cái mới trên đất Hà Thành và Nam Định. Về nguồn gốc duy tân ở Nhật Bản và Trung Hoa, ông nói: “ Kìa như nước Nhật Bản, nước Tàu mới duy tân bây giờ, suy ra mà xem cái văn minh của hai nước ấy thì lấy ở đâu mà đem về? Phi ở Pháp thì ở Mỹ có phái không?”. Hoặc những lời nói về văn minh Pháp: “ Bên Đại Pháp, sự buôn bán không những là đổi chác từ làng nọ sang làng kia mà thôi, lại còn đem đồ đi các nước nữa. Khắp mặt địa cầu, đâu đâu cũng có mặt nhà buôn người Đại Pháp, trên mặt các biển đều chi chít các tàu buôn; nơi này đại công ty, nơi nọ tiểu công ty, như thế làm cho dân phần nhiều người có việc làm…Ở nước Đại Pháp người ta trọng nghề buôn hơn nghề làm quan. Có sự buôn thì người cày ruộng mấy có việc, người thợ khéo mấy có công, người tài mấy nghĩ ra máy nọ, máy kia; hơi nước, điện khí đều do ở sự buôn mà ra cả; vì buôn xe lửa mới chạy vùn vụt; vì buôn tàu bè mới xóay nước; buôn là cái hồn thiên hạ làm cho các mạch máu thế gian mấy xoay chuyển…”(1)
Trong bối cảnh đó, xã hội Việt Nam truyền thống vốn trôi đi một cách yên ả, bình lặng , bổng chốc bị lay động, dục giả. Trong khi những thanh thiếu niên Việt đang mài đủng quần trên ghế nhà trường Pháp- Việt chưa kịp lớn để đưa tư tưởng dân chủ tư sản vào cuộc sống vốn chưa có giai cấp tư sản, lớp nhà nho yêu nước, cấp tiến đứng ra đảm nhiệm trọng trách này. Trong lớp nhà nho yêu nước, cấp tiến đó có Phan Bội Châu như chúng ta đã biết. Sau khi đậu Giải Nguyên tại trường thi Hương Vinh năm 1900, Cụ hành động theo tinh thần “ lập thân hèn nhất thị văn chương” của Viên Mai, dấn thân vào con đường cách mạng. Cụ đã thực hiện những chuyến đi khắp đất nước để tìm và liên kết những người đồng tâm, đồng chí cho mục đính cao cả của minh – lật nhào ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại nền độc lập cho xứ sở. Thượng tuần tháng 5-1904, tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành ở Quảng Nam, hơn 20 người đồng tâm, đồng chí với Phan đã nhóm họp và thành lập một tổ chức cách mạng lấy tên là Hội Duy tân và nhất trí thông qua ba chủ trương lớn: Phát triển thế lực hội về nguồn lực và tài chính, Xúc tiến việc chuẩn bị bạo động và Xuất dương cầu viện. Chủ trương xuất dương sang Nhật cầu viện được cho là quan trọng nhất và được giao cho Phan Bội Châu và Nguyễn Thành định liệu và giử bí mật tuyết đối. Cái mới của tư tưởng cầu viện lúc này là sự thay đổi đối tượng liên minh. Nếu như trước Phan, cầu viện thường hướng tới các vương triều Trung Quốc. Gần cụ Phan nhất là chuyến đi cầu viện nhà Thanh không thành của Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần vương. Sự thay đổi đối tượng liên minh trước hết bởi thời cuộc thay đổi và tầm nhìn của người chủ xướng. Lúc đó, ở phương Đông đã xuất hiện một nước Nhật hùng cường, đánh bại nước Nga Sa hoàng da trắng và được dân châu Á tôn vinh là anh Cả da vàng. Thông tin về nước Nhật thay đổi từ vua Minh Trị đã tới với nước ta qua những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ (2), một người đồng hương với Phan, gửi triều đình Huế. Sự liên minh Việt- Nhật trong con mắt của Phan Bội Châu được dựa vào ba trụ cột: Đồng văn, đồng chủng, đồng châu. Vì tương đồng về văn hóa nên Cụ đi Nhật không cần có phiên dịch, chỉ dùng bút đàm (viết chữ Hán ra giấy) để trao đổi tư tưởng với người Nhật, người Trung Hoa, người Triều Tiên.
Ngày 23-2-1905, Phan Bội Châu dẫn đoàn xuất dương đầu tiên gồm 3 người (Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ) lên đường sang Nhật theo lộ trình Hải Phòng – Hồng Kông- Côbê –Hoành Tân (Yokohama). Đoàn ngụ tại Bính Ngọ hiên trong khu phố Tàu ở Hoành Tân. Tại đây, Phan Bội Châu không ngờ được gặp Lương Khải Siêu, người mà Phan đã từng hâm mộ khi đọc các trước tác của ông qua Tân Văn, Tân Thư được truyền vào trong nước. Trong cuộc bút đàm hai ngày đêm tại Trí Hòa đường, Lương khuyên Phan rằng, Việt Nam muốn giành lại nền độc lập cần phải có 3 điều kiện: thực lực, sự viện trợ của Lưỡng Quảng và thanh thế của Nhật Bản. Thực lực bao gồm dân trí, dân khi và dân tài. Cũng tại Trí Hòa Đường Phan Bội Châu được gặp và bút đàn với nhà cách mạng Tôn Trung Sơn vừa đi vận động cách mạng trong công đồng người Hoa ở Hoa Kỳ ghé lại Hoành Tân.
Với sự giúp đỡ của Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã tiếp xúc được với một số chính khách Nhật như Bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), trực tiếp đặt vấn đề xin Thiên Hoàng và Chính phủ Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp, nhưng không đạt kết quả như mong muốn.
Lương Khải Siêu lại gợi ý Phan Bội Châu nên viết một tác phẩm mô tả tình trạng đất nước, công bố cho thế giới biết mưu mô và tội ác của người Pháp, họa may đánh thức dư luận thế giới, đồng thời gửi những thanh niên ưu tú sang Nhật du học làm nền tảng cho chấn dân khí, khai dân trí, chuẩn bị nhân tài cho tương lại đất nước. Phan Bội Châu cặn cụi viết Việt Nam vong quốc sử và Khuyến quốc dân tư trợ du học văn gửi về nước.
Quay về nước, Phan bàn bạc và được sự nhất trí cao của các đồng chí trong Duy tân Hội về kế hoạch Đông du. Vậy là, cầu viện không thành và Phan chuyển hướng sang cầu học. Phong trào Đông du, thực chất là phong trào đưa thanh niên ưu tú sang Nhật du học, chuẩn bị nhân tài cho đất nước, bắt đầu. Tháng 10-1905, Phan Bội Châu trở lại Nhật với 3 thanh niên là Nguyễn Thúc Canh, Nguyễn Điển, người Nghệ An và Lê Khiết, người Thanh Hóa. Có thể xem đó là những thanh niên đầu tiên sang Nhật trong phong trào Đông du. Tiếp đó, có 6 người từ Bắc Kỳ bí mật sang, trong đó có 2 người con trai của Lương Văn Can là Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến) và Lương Nghị Khanh. Trung tuần tháng 3- 1906, Phan Bội Châu đón Cường Để và Phan Chu Trinh từ nhà ông Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông bí mật đưa qua Nhật. Sau khi thu xếp Hoàng thân Cường Để vào học Trường Chấn võ cùng với Lương Ngọc Quyến, Trần Thúc Canh và Nguyễn Điển, Phan Bội Châu giới thiệu Phan Chu Trinh tiếp xúc với nhiều chính khách Nhật Bản, tham khảo tình hình chính trị và khảo sát một số trường học ở Tokyo. Theo sau đó còn có một số thanh niên Nam Kỳ như Trần Văn Địch, Bùi Mộng Vũ…Hầu hết những thanh niên tới Nhật năm 1906-1907 đều học ở Đồng văn thư viện ở Tokyo. Từ đó dấy lên phong trào du học làm rung động và xôn xao trên cả nước. Xuất hiện ba trung tâm xuất đương du học trên cả nước như Nghệ-Tĩnh, Sài Gòn –Gia Định, Hà Nội-Nam Định. Như làng Hành Thiện, Nam Định, ngay từ năm 1906, chỉ trong một đợt xuất dương, đã có 4 thanh niên hăng hái ra đi: Đặng Hữu Bằng (Đặng Xuân Hồng), Đặng Huy Dật (Đặng Tử Mẫn), Đặng Quốc Kiều và Nguyễn Xuân Thức (Nguyễn Tử Trung). Một điều đặc biệt nữa là ở Nghệ Tĩnh có hơn 30 người Đông du thì trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là thanh niên Công giáo ( hơn 10 người) do thầy Già Châu (Mai Lão Bạng) dẫn đầu và họ trở thành những cán bộ chủ chốt, trung kiên của Duy tân hội và sau này của Việt Nam Quang phục Hội. Đến cuối năm 1908, số người Việt Nam Đông du đã lên đến trên dưới 200 người, trong đó Nam Kỳ khoarng 100, Trung Kỳ hơn 50 và Bắc Kỳ hơn 40 người.
Tất cả những thành niên du học khi tới Nhật Bản đều được đón tiếp và tạm trú tại Bính Ngọ hiên ở Yokohama ( về sau Bính Ngọ hiên chuyển lên Tokyo) để học tiếng Nhật trước khi phân phối đi các trường trung, cao đẳng ở Tokyo. Riệng những thiếu niên Nam Kỳ trên dưới 10 tuổi được thu xếp vào học các trường tiếng Anh và các trường Tiểu học Nhật Bản.
Để quản lý lưu học sinh, giữa năm 1907, Phan Bội Châu đã lập Việt Nâm công hiến hội do Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc, mà thực chức là người chỉ đạo tổ chức này. Cơ cấu tổ chức của Hội gòm 4 Bộ: Bộ Kinh tế, Bộ Kỷ luật, Bộ Giao Tế và Bộ Văn thư để quản lý từng mặt hoạt động của lưu học sinh. Hệ thống tổ chức, bố trí nhân sự và điều hành hoạt động “cộng đồng quốc dân” yêu nước tại Nhật Bản như chính Phan đã từng viết: “ Chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam công hiến, bắt chước làm như một chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy cách thức xếp đặt còn sơ sài, nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm” (3)
Công hiến hội đã tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị vào sáng Chủ nhật hàng tuần, thường nghe Hội trưởng và Tổng lý huấn thị, khuyến cáo những vấn đề liên quan đến cuộc sống, học tập và tu dưỡng nơi đất khách quê người hoặc có khi chỉ nghe bình giảng nội dung một cuốn sách, một chủ thuyết có tính chính trị, thời sự…nhằm nâng cao trình độ, củng cố lòng yêu nước. Phần cuối buổi sinh hoạt chính trị thường giành thời gian cho mọi người tự do bộc lộ những ý kiến, những quan điểm về một vấn đề mang tính thời sự nào đó hoặc nêu lên những thuận lợi, những khó khăn trong cuộc sống nơi xứ người. Rồi xảy ra một sự kiện gây nên sự xúc động mạnh, sự thương tâm trong công đồng lưu học sinh trên đất Nhật lúc đó mà Hội cần giải quyết để đánh thông tư tưởng trong người Việt và người Nhật. Đó là câu chuyện về Trần Đông Phong, người làng Di Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Anh xuất thân trong một gia đình giàu có, theo tiếng gọi của Phan Bội Châu, từ biệt gia đình sang Nhật du học với lời hứa của gia đình là gửi tiền chu cấp cho anh ăn học. Nhưng khi sang tới Nhật, Anh nhiều lần viết thư về gia đình xin tiền trả học phí, nhưng không hiểu vì lý do gì gia đình đã không thực hiện yêu cầu của anh. Xấu hổ với bạn bè, anh để lại một lá thư tuyệt mệnh rồi thanh thản tự kết liễu đời mình dưới gốc cây to trong chùa Tohoji thuộc Koishikawa trong sự tiếc thương, kính phục của Kỳ Ngoại hầu Cường Để , Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam. Trong lá thư tuyệt mệnh của Trần Đông Phong có đoạn: “ Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà khuyên cha tôi bắt chước làm như Trương Tử Phòng phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí tôi và cũng để tạ tội với anh em…Nhà tôi giàu có nhwung đât nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa”.
Thi hài Trần Đông Phong được mại táng và sau đó được đich thân Kỳ ngoại hầu Cường Để xây mộ trong Nghĩa trang Zoshigaya Reien, phía đông ga Ikebukuno. Trên mộ chí ghi rõ dòng chữ Hán: “ Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chí mộ”. Sau này, khi Cường Để mất, môt phần xương cốt ông cũng nằm chung trong ngôi mộ này.
Công hiến hội còn có nhiệm vụ đón tiếp, đưa tiễn các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan cơ sở sinh hoạt và học tập của lưu học sinh. Năm 1908, một phái đoàn phụ huynh Nam Kỳ do ông Nguyễn Thần Hiến dẫn đầu sang thăm, đã tận mắt nhìn thấy kết quả học tập của lưu học sinh nên rất phấn khởi, tin tưởng và khi trở về đã tích cực vân động thanh niên du học và quyên góp kinh phí cho phong trào.
Trong bầu không khí chính trị thuận lợi trên đất Nhật, Phan Bội Châu và những người Đông du đã tích cực sáng tác các trước tác gửi về trong nước cổ động, tuyên truyền để góp phần chấn hưng dân khí. Trên đất Nhật, Phan đã viết các trước tác làm rung động lòng người thời đó như Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam. Sùng bái giai nhân, Việt Nam quốc sử khảo… Cùng với Phan còn có Nguyễn Thượng Hiền với Viễn Hải quy hồng, Tang hải lệ đàm…, Cường Để với Kính cáo đồng bào Lục tỉnh, Khuyến cáo quốc dân, Tăng Bạt Hổ với Đông du thời tác, Mai Lão Bạng với Lão Bạng phổ khuyến…
Với những hoạt động tích cực của Phan Bội Châu, Nhật Bản trở thành mãnh đất ươm nhân tài cho công cuộc cứu nước của ta và cũng là không gian chính trị thuận lợi cho các nhà cách mạng Việt Nam viết những trước tác gửi về nước để gọi hồn dân tộc, đánh thức lòng yêu nước đã nguội lạnh, góp phần chấn hưng dân khí với Phan Chu Trinh trong nước. Phong trào Đông du khởi đầu cho sự kết hợp thành công giữa những hoạt động của “ám xã”(tổ chức bí mật) của Phan Bội Châu và những hoạt động “minh xã” (tổ chức công khai) của Phan Chu Trinh trong phong trào Duy tân thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX ở nước ta.
Phong trào Đông du đang tiến triển tốt đẹp và còn nhiều hứa hẹn ở phía trước. Tuy nhiên, Chính quyền thuộc địa Pháp nhanh chóng nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nền thống trị của chúng . Giữa năm 1907, Pháp – Nhật đã đi tới sự thỏa hiệp bằng một Hiệp ước được hai bên ký kết tại Pari và có hiệu lực vào đầu năm 1909. Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng giải tán tổ chức Đông du, trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và lưu học sinh ra khỏi đất Nhật. Một tình thế bất ngờ, không có lợi cho những nhà cách mạng và lưu học sinh Việt Nam đã diễn ra trong lúc tài chính của Công hiến hội đã cạn kiệt, không đủ sức chu cấp cho lưu học sinh rời khỏi nước Nhật. Phan Bội Châu đã giải quyết khó khăn theo hai hướng: 1) Những lưu học sinh có khả năng ở lại thì mai danh ẩn tích, tìm kế sinh nhai, tiếp tục học thành tài để về sau giúp nước; 2) Thông qua mối quan hệ tốt đẹp đã được xây dựng và vun đắp giữa lưu học sinh và người bản địa, tìm kiến sự giúp đỡ từ những Mạnh Thường Quân trong người Nhật. Phan Bội Châu được biết trong số lưu học sinh của chúng ta có trường hợp Nguyễn Thái Bật đã bị ngất vì kiệt sức trên đường đến Tokyo nhập học và được bác sĩ Nhật là Asaba Sakitaro cứu sống và còn giữ liên lạc với bác sĩ. Vì thế, thông qua Nguyễn Thái Bật, Phan Bội Châu đánh bạo viết thư nhờ Bác sĩ mở rộng lòng nghĩa hiệp. Không ngờ, thư viết đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. Bác sĩ Asaba Sakitaro đã gửi cho cụ Phan món tiền 1.700 yên kèm những lời chứa chan tình cảm: “ Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Biết rằng tiền lương tháng của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Higashiasaba lúc đó là 18 yên. Phan Bội Châu đã rơi lệ trước tấm lòng nghĩa hiệp của một bác sĩ Nhật Bản. Món tiền đó to Phan giành để lo liệu, thu xếp cho một số lớn lưu học sinh về nước. Mấy hôm sau, Phan Bội Châu đến tận nhà bác sĩ Asaba Sakitaro ở Kozu, Odawara để cảm tạ tấm lòng nghĩa hiệp của một người Nhật chưa từng quen biết. Chủ khách nâng chến rượu mừng, hện ngày tái ngộ rồi chia tay trong vội vã. Nhưng ông Trời không để con người nghĩa hiệp đó sống đến ngày tái ngộ với Phan. Ngày 25-9-1910, ông bất ngờ đi về cõi vĩnh hằng khi mới 43 tuổi, cái tuổi đang muốn và có nhiều năng lực đóng góp nhiều hơn nữa cho nước Nhật Bản hiện đại.
Sau khi ra khỏi nhà tù Quảng Đông, tháng 5-1917, Phan Bội Châu bí mật trở lại Nhật Bản và được biết bác sĩ Asaba Sakitaro, ân nhân của phong trào Đông Du, đã mất. Chưa có gì đền đáp tấm lòng nghĩa hiệp của ân nhân, cụ Phan lặn lội đến tận quê hương, thắp nén hương trước mộ và hẹn năm sau quay lại dựng bia tri ân. Năm 1918, mùa hoa anh đào nở, Phan Bội Châu cùng Lý Trọng Bá (4) quay lại, trình bày việc làm bia tưởng niệm cho Trưởng thôn nghe. Trưởng thôn biết trong túi cụ Phan, kẻ hàn sĩ, không nhiều tiền nên có sáng kiến huy động sức người, sức của trong dân làng giúp cụ Phan thực hiện ý nguyện cao đẹp đó. Trong một cuộc họp với các bâc phụ huynh trường Tiễu học làng, ông Okamoto Sanjiro, trưởng làng nói với các bậc phụ huynh rằng hai người này ( chỉ Phan Bội Châu và Lý Trọng Ba) vượt ngàn dặm đến đây để dựng bia cho thầy Asaba Sakitaro, chúng ta nên giúp đở hai ông. Tiếng vỗ tay đồng tình vang lên. Công việc được tiến hành khẩn trương trong một tháng. Tấm bia đá cao 2,7m, rộng 0,87m đã làm xong và được dựng trên một bệ đá cao 1m trong khuôn viên chùa Jorin thuộc làng Ymeyama, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka. Công trình đó được tạo nên bởi ý tưởng cùng 100 yên của cụ Phan và công sức của dân làng Umeyama. Hôm khánh thành bia tưởng niệm, cả làng mở tiệc ăn mừng. Mặt trước tấm bia khắc chữ Hán đã được ông Gôt Kinpei dịch sang tiếng Nhạt và ông Chu Xuân Giao dịch sang tiêng Việt, như sau:
Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang. Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẩn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy Ngài, trời xanh, biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá. Lời minh rằng”
Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, Ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy.
Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu ghi tạc.
Mùa Xuân năm Mạu Ngọ (Đại Chính năm thứ 7, tức năm 1918)
Việt Nam Quang phục Hội đồng nhân cẩn chí
Mặt sau bia, ghi:
Tháng 3 năm Đại Chính thứ 7 (1918). Người tán thành Akamoto Sanjiro, Okamoto Setsutaro, Asaba Yoshio(5)
Vây là, qua phong trào Đông du trong thập niên đầu tiên thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã đặt nền móng cho tòa lâu đài hữu nghị Việt Nam –Nhật Bản. Tào lâu đài đó được nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng, đặc biệt từ năm 1973 đến nay, tòa lâu đài đó đã hình thành và ngày càng được nhân dân hai nước tô điểm trở thành một tòa lâu đài hữu nghị Việt-Nhật hoành tráng.
Chú thích:
1. Đăng cổ tùng báo. Số 802, 30 Mars 1907.
2. Xem: Trương Bá Cần. Nguyễn Trường Tộ. Con người & di thảo. Nxb tp Hồ Chí Minh. 2002.
3. Phan Bội Châu toàn tập, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1900, tr., 198.
4. Lý Trọng Bá, tên thật là Lưu Yến Đan. Khi Nhật trục xuất lưu học sinh Việt Nam thì ông trốn ở lại, lấy quốc tịch Trung Quốc, được học bổng, lúc đó đang theo học tại Đại học Nagoya, sau đó lên học tại Teikoku Tokyo, đậu Tiến sĩ Khoa Công nghiệp. Ông chơi vĩ cầm rất giỏi và hat rất hay. Ông thường hát bài “Sakura, Sakura”. Lý Trọng Bá đích thân đưa Phan Bội Châu đến gặp trưởng thôn. Trong thời gian làm bia tri ân, Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá lúc ở trong nhà Asaba, lúc về sống ở Nagoya.
5. Ghi chép của tác giả tại nơi Phan Bội Châu dựng Bia Tri ân trong chuyến điền dã Nhật Bản tháng 7 năm 2011.