“Phải củng cố, tăng cường nền tảng của khoa học, giáo dục”
Nghiên cứu khoa học, đồng thời Tiến sĩ (TS) Trần Quốc Dũng còn tham gia giảng dạy về chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân tại các trường đại học. Chính vì lẽ đó, anh rất am tường về lĩnh vực khoa học và giáo dục. Bên thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X, là một nhà trí thức với mong muốn được đóng góp sức mình cho quê hương, TS Trần Quốc Dũng có nhiều điều trăn trở: “Đất nước chúng ta đã qua 20 năm đổi mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể tự hào nói rằng: đất nước chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên con đường đi tới hạnh phúc và văn minh. Nhưng chúng ta không chỉ tự hào với những gì đã làm được mà còn không khỏi lo lắng, trăn trở với tình hình của đất nước hiện nay: những yếu kém về thể chế chính trị, bộ máy nhà nước, khoa học, giáo dục, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác… vẫn còn tồn tại. Vì thế, việc Đảng và Chính phủ phổ biến dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X cho toàn dân tham gia góp ý là một việc làm đúng đắn, kịp thời”.Điều mà TS Trần Quốc Dũng cũng như nhiều nhà trí thức Việt kiều khác tỏ ra đầy bức xúc, đó là tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện nay.
PV: Là người làm công tác khoa học, lại có dịp cọ xát với môi trường nghiên cứu, giảng dạy hiện đại, tiên tiến của nước ngoài, anh có nhận xét gì về nền giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Việt Nam hiện nay, thưa Tiến sĩ?
TS Trần Quốc Dũng:Xin được nói ngay và nói thẳng: Giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay vừa không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, vừa không đạt được các chuẩn mực quốc tế, từ đó dẫn tới trình độ cán bộ khoa học yếu kém, kết quả khoa học nghèo nàn.
Cụ thể là…?
Thử nhìn xem: Hiện nay chúng ta có khoảng 1.100 tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó có gần 500 tổ chức ngoài nhà nước; 197 trường đại học và cao đẳng (theo tài liệu “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010” ban hành kèm theo Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31.12.2003 của Thủ tướng Chính phủ),21.000 cán bộ là TS, TS khoa học trong đó có khoảng 5.600 Phó Giáo sư (PGS), Giáo sư (GS) (theo Website THVN, 24-11-2005).
Số công trình khoa học của Việt Nam được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới trung bình là 300 bài/năm, trong đó chỉ có khoảng 100 bài hoàn toàn là do kết quả nghiên cứu của chúng ta, 200 bài còn lại là do hợp tác với các cơ sở nước ngoài (báo Tia Sáng số 16, tháng 9.2003).Như vậy, bình quân mỗi năm cần có 6 tổ chức nghiên cứu nhà nước, gần 2 trường ĐH và CĐ; khoảng 200 TS, hay 56 PGS và GS mới cho ra được hơn một công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế (nghĩa là có kết quả theo chuẩn mực quốc tế)! Trong khi đó ở Thái Lan, cứ 5 người làm khoa học thì có 1 người công bố công trình, ở Malaysia cứ 3 người thì có 1 người có công trình công bố ra quốc tế.
Tương tự, về số lượng bằng sáng chế (patent) của nước ta được thế giới công nhận và số tiền thu được do bán những bằng sáng chế đó cho nước ngoài ứng dụng hầu như là không có. Trong khi đó ở Hàn Quốc, trong năm 2001 có đến 43.000 bằng sáng chế và thu được số tiền là 680 triệu USD, Trung Quốc có 3.000 bằng sáng chế và thu về 130 triệu USD.
Các con số trên đây còn chỉ ra: nếu tính theo đầu người, bình quân hàng năm chúng ta có khoảng 20.700 TS, 5.300 GS và PGS, đồng thời là 300 tổ chức nghiên cứu nhà nước và gần 100 ĐH và CĐ không có kết quả nghiên cứu đạt trình độ quốc tế!
Quả là một “thống kê” gây kinh ngạc và bàng hoàng cho bất cứ ai quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học. Ấy vậy mà lâu nay chúng ta vẫn cứ cho rằng “mình không đến nỗi thua ai”!?
Ồ, không phải thế đâu! Thử phân tích các số liệu trên đây chúng ta có thể thấy rằng:
- Trình độ tổ chức và hiệu quả nghiên cứu khoa học của chúng ta thua xa một số nước trong khu vực.
- Trình độ của hầu hết các cán bộ NCKH và giảng dạy ĐH không đạt chuẩn mực quốc tế.
- Rất nhiều trường ĐH không tiến hành các NCKH để cho ra các kết quả đạt trình độ quốc tế. Do đó hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sỹ không được tham gia nghiên cứu trong các công trình khoa học nghiêm túc (bởi chính những người thầy hướng dẫn cũng không đủ trình độ hoặc không tiến hành NCKH). Từ đó dẫn đến trình độ của đội ngũ NCKH trong tương lai cũng sẽ thấp kém.
- Thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu KH&CN, giáo dục - đào tạo và sản xuất-kinh doanh.
Với phân tích của anh thì đâu là nguyên nhân của tình hình “bất ổn” trong NCKH? Phải chăng là vì cơ chế hay chúng ta chưa có một chính sách hợp lý dành cho công tác NCKH, thưa TS?
Cần có một chiến lược phát triển lâu dài để làm chủ một vài hướng KHCN cụ thể |
Từ khi bước vào công cuộc đổi mới, mặc dù Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã coi phát triển KHCN, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên cho đến nay chính sách và chế độ quản lý khoa học còn rất nhiều tồn tại. Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh.
Trước hết là do chúng ta không có một chiến lược phát triển lâu dài để làm chủ một vài hướng KHCN cụ thể. Chính vì vậy cho đến nay chúng ta đã không làm chủ được bất cứ ngành khoa học hay công nghệ nào. Ở đây không thể đổ lỗi cho nguyên nhân là: do nền sản xuất của chúng ta thấp, do đất nước ta còn nghèo nên không đủ kinh phí để đầu tư một cách đầy đủ cho phát triển KH. Điều đó không thể là nguyên nhân chủ yếu.
Anh có thể dẫn chứng một cách cụ thể hơn không?
Xin lấy một số ví dụ. Như chúng ta đã biết, hiện nay Pakistan đã làm chủ được khoa học-kỹ thuật tên lửa và hạt nhân quân sự. Điều đó chứng tỏ họ đã đạt tới một trình độ KHCN cao trong nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học, chất nổ, cơ khí chính xác v.v, mặc dù họ vẫn là một nước kém phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người hiện nay thua chúng ta (420 USD/người, theo báo Hà Nội mới Online, 21.3.2004). Khi Pakistan tiến hành các nghiên cứu về tên lửa và hạt nhân, thì tổng sản phẩm quốc dân của họ chỉ khoảng 20 tỷ USD. Hay như Cuba là một nước nhỏ bé, bị bao vây kinh tế và hiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn có các ngành khoa học có trình độ tiên tiến mà chính chúng ta đang cần họ giúp đỡ, hỗ trợ như: công nghệ sinh học, dược phẩm cao cấp, kiến trúc, giao thông. Còn Ixraen là một nước chỉ có 6 triệu dân, thường xuyên trong tình trạng chiến tranh song họ không những làm chủ được nhiều kỹ thuật quân sự mà còn có khoa học nông nghiệp hiện đứng hàng đầu thế giới.
Phải chăng vì các nước ấy đã có chính sách hợp lý và đầu tư thích đáng cho việc phát triển đội ngũ các nhà khoa học?
Đúng vậy. Đội ngũ các nhà NCKH chính là “rường cột” quan trọng của bất cứ nền khoa học nào.
Còn chúng ta?
Trong khi đó, phương thức quản lý để phát triển đội ngũ khoa học của chúng ta đã không tạo ra được các cán bộ nghiên cứu có trình độ, mà lại tạo ra thói hư danh trong cán bộ quản lý và ngay trong đội ngũ khoa học.
Chế độ đào tạo cao học và tiến sĩ hiện nay tập trung một cách cực đoan, cứng nhắc và quan liêu. Nó hạn chế các cơ sở có khả năng đào tạo các cán bộ có trình độ, vừa vô tình tạo điều kiện cho một số đại học không đủ khả năng vẫn có thể đào tạo ra các cán bộ yếu kém mà lại được cấp bằng quốc gia. Về hình thức có vẻ yêu cầu còn cao hơn ở những nước phát triển (như muốn thi vào nghiên cứu sinh phải có hai công trình khoa học đã công bố), nhưng trình độ thực tế lại rất thấp như đã đề cập ở trên, trừ một số rất ít ngành và cơ sở đào tạo vẫn giữ được chuẩn mực. Hơn thế nữa có rất nhiều cán bộ không hề làm công việc nghiên cứu vẫn được đào tạo để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ. Báo chí trong nước đã nói nhiều đến thói hư danh, đến tình trạng những học vị, chức danh chỉ là cái nhãn mác tô điểm, để dễ thăng quan tiến chức. Tuổi trẻ trông vào các gương đó nên ít ai muốn dấn thân vào khoa học.
Tiêu chuẩn để nâng ngạch công chức của cán bộ KHCN vẫn dựa vào thâm niên là chính, không đề cao về năng lực chuyên môn, ví dụ như để trở thành nghiên cứu viên (NCV) cao cấp - chức danh cao nhất trong ngạch công chức NCKH, chỉ cần có 5 công trình hoặc đề tài KH đã được hội đồng KHCN các cấp nghiệm thu, không nhất thiết phải là công trình đã công bố ở các tạp chí khoa học. Do đó, hiện không ít các vị trí NCV chính và NCV cao cấp đang thuộc về những người hoặc không có năng lực NCKH hoặc đã chuyển sang làm công việc hành chính thuần túy từ lâu. Tình trạng tương tự cũng xảy trong việc phong chức danh GS và PGS hiện nay. Những bất cập trong việc phong chức danh GS và PGS đang đưa đến một nghịch lý là trong khi chúng ta đứng đầu khối ASEAN về số lượng GS, PGS; thì chất lượng giáo dục và NCKH lại thấp kém đến mức tụt hậu từ 30 đến 50 năm so với các nước láng giềng. Theo bản báo cáo năm 1999 của đoàn chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada đến khảo sát tình hình khoa học và công nghệ của chúng ta theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, họ có nhận định rằng về khoa học và công nghệ chúng ta lạc hậu hơn Thái Lan khoảng 30 năm (Web. Saigonnet, 24.5.2003). Hiện nay chắc khoảng cách này còn xa hơn.
Ở các nước tiên tiến, thông thường một công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư kinh phí rất cao; các nhà khoa học cũng được trân trọng ở cả lĩnh vực trách nhiệm cũng như quyền lợi. Thế còn ở Việt Nam, TS có nhận xét gì?
Cần có chính sách, chế độ cụ thể, hợp lý để khuyến khích các nhà KH, đặc biệt là nhà KH trẻ |
Đó là chưa kể đến việc môi trường nghiên cứu nghèo nàn, lạc hậu đã ảnh hưởng to lớn đến công tác NCKH. Trang thiết bị nghiên cứu của chúng ta còn thiếu thốn, lạc hậu. Ngay cả trong những cơ sở NC chuyên ngành cũng thiếu các thiết bị cơ bản mà ngành đó cần phải có. Thông tin khoa học thì nghèo nàn. Các tạp chí khoa học, công nghệ quốc tế không được chú trọng phổ biến trong các cơ sở khoa học và đào tạo.
Từ những vấn đề đã đề cập trên đây, thiết nghĩ trong khi đất nước chúng ta đang nỗ lực phấn đấu để hội nhập quốc tế thì giáo dục đào tạo, KH&CN - nền tảng của sự phát triển đất nước, cũng như đội ngũ cán bộ NCKH - tầng lớp “tinh hoa” của dân tộc lại đang xa rời (nếu không nói là không với tới) các chuẩn mực quốc tế.
Với những phân tích và nhận định của mình trên đây, theo anh, chúng ta cần có những phương sách, chiến lược như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đào tạo cũng như NCKH?
Tôi cho rằng để khai thác được khả năng của người làm khoa học cần có hai điều kiện: môi trường cho họ phát huy hết tài năng và cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những đóng góp của họ. Điều này đòi hỏi phải có một sách lược và thời gian. Tuy nhiên có một số việc chúng ta có thể làm ngay miễn là chúng ta có một quyết tâm chính trị và bỏ đi tính tự ái dân tộc.
Nghĩa là…?
Trước hết, cần sắp xếp lại đội ngũ khoa học và đào tạo đại học theo chuẩn mực quốc tế.Trong tình hình hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đòi hỏi mọi ngành hoạt động trong mỗi quốc gia phải hướng theo các chuẩn mực quốc tế, nếu không muốn bị bỏ rơi trong quá trình hội nhập với thế giới. Hiệu quả nghiên cứu khoa học là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá các tổ chức NCKH, các trường đại học; vì sức cạnh tranh của một nền kinh tế, sự tiến bộ xã hội, phụ thuộc trước hết vào sức sáng tạo. Các cơ sở NCKH, đại học là nơi hun đúc, rèn luyện đầu óc sáng tạo chỉ có thể thực hiện sứ mạng đó thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách có bài bản.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên thành lập hoặc mời một hội đồng, gồm các nhà khoa học quốc tế hàng đầu, để đánh giá lại trình độ của các cán bộ khoa học có bằng cấp, trước hết là những người có trình độ tiến sĩ trở lên trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Từ đó chúng ta có thể tìm ra được các nhà khoa học đầu đàn và giao các trọng trách khoa học cho họ. Cũng qua sự đánh giá này, chúng ta có thể nắm bắt được đâu là những lĩnh vực khoa học yếu kém, còn thiếu các cán bộ đầu ngành để chúng ta có thể mời các chuyên gia Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, hoặc các nhà khoa học quốc tế có đủ trình độ về đóng góp, hỗ trợ. Một việc mà chúng ta rất cần làm (mà không phải dễ), là mạnh dạn sắp xếp lại các cán bộ NCKH và giảng dạy ĐH không đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra. Tôi nghĩ, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này
Chúng ta cũng cần phải đưa ra quy định: các hệ thống nghiên cứu và đào tạo đại học bắt buộc phải có sự gắn kết với nhau để có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng dạy và nghiên cứu, nhằm tạo điều kiện xây dựng một đội ngũ nghiên cứu trẻ có năng lực trong tương lai.
Song song đó, cần xây dựng và sắp xếp lại các bộ phận, cơ sở nghiên cứu, các trường ĐH trên cơ sở tư vấn của hội đồng gồm các nhà khoa học hàng đầu, nhằm tạo ra được môi trường nghiên cứu - đào tạo đáp ứng các mục tiêu khoa học đã đặt ra, từng bước đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Chúng ta cũng cần xây dựng một chiến lược phát triển khoa học lâu dài (từ 5 đến 15 năm) cho từng ngành, từng cơ sở nghiên cứu - đào tạo để từ đó có một sự đầu tư thỏa đáng về con người, vật chất nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Trao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức nghiên cứu cho cơ sở NCKH, các trường ĐH và các nhà khoa học khi họ đã được giao làm chủ đề tài nghiên cứu.
Nhà nước cần có các biện pháp chế tài, theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở nghiên cứu - đào tạo. Hàng năm cần công khai minh bạch các kết quả đã đạt được của họ như: số công trình đã đăng trên các tạp chí quốc tế, số bằng phát minh được quốc tế công nhận, số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn và hiệu quả kinh tế của chúng, số cán bộ KH đã được đào tạo, số sinh viên ra trường có việc làm v.v.
Một điều quan trọng không kém là Nhà nước cần có chế độ cụ thể để khuyến khích về vật chất, lương bổng cho cán bộ khoa học và công nghệ có tâm huyết và lao động có kết quả như: nâng lương trước thời hạn, thưởng cho những ai có công trình đã đăng trên các tạp chí quốc tế, có bằng phát minh được quốc tế công nhận, có kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn. Bởi vì hiện nay, tiêu chí để đánh giá cán bộ khoa học không dựa trên việc đánh giá sản phẩm khoa học của họ, hoặc nếu có thì vẫn dựa trên một tiêu chuẩn thấp, không phải là một kết quả khoa học thực thụ.
Là một nhà khoa học Việt Nam từng sinh sống và làm việc ở nước ngoài lâu năm, TS có suy nghĩ gì về việc Nhà nước đang khuyến khích, kêu gọi đội ngũ trí thức là người VN ở nước ngoài về góp sức xây dựng đất nước?
Một môi trường làm việc hiện đại, là điều kiện cần và đủ cho các nhà KH phát huy khả năng của mình |
Những bất cập ấy là gì, thưa TS?
Chúng ta chỉ nắm chung chung là có một lực lượng lớn trí thức người VN ở nước ngoài, chứ chưa có một thống kê chính xác về số lượng, nhất là các trí thức đầu ngành ở các nước cũng như các hoạt động khoa học hiện nay của họ. Chúng ta cũng chưa biết rõ được số lượng trí thức có nguyện vọng, khả năng, hình thức đóng góp cho sự phát triển của từng ngành khoa học.
Vì những lẽ trên đây, tôi xin đề nghị chúng ta nên tiến hành ngay một cuộc điều tra về đội ngũ trí thức Việt Nam hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Cụ thể là Nhà nước giao cho các cơ quan đại diện của nước ta ở các nước phát các phiếu thăm dò để có được các thông tin trên đây. Từ đó chúng ta sẽ có những chính sách cụ thể để lôi cuốn những trí thức, nhất là các trí thức đầu ngành mà chúng ta còn thiếu, đóng góp cho đất nước.
Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện đang sinh sống tại nước ngoài là rất quan trọng và cần thiết để nâng cao tiềm lực KH&CN của nước ta. Tấm gương của nhiều nước đã chỉ cho chúng ta thấy điều này: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Ixraen, Đài Loan, Nam Triều Tiên v.v… đã lôi kéo thành công các nhà khoa học hàng đầu của họ trở về nước và những người ấy đã đóng vai trò to lớn trong việc phát triển các ngành KH&CN mũi nhọn.
Hiện nay chúng ta chưa phát triển là do chính chúng ta chưa huy động được hết mọi tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta phải cởi bỏ tất cả các trói buộc để khơi dậy mọi nguồn sáng tạo. Chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng nếu chúng ta không biết sử dụng nhân tài thì còn tệ hại hơn. Đó là sự lãng phí lớn nhất - lãng phí chất xám. Lịch sử cho thấy sự suy vong hay hưng thịnh của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng đội ngũ trí thức. Chúng ta chưa làm tốt được việc này, đó là lỗi của chúng ta chứ không phải của ai khác và không có nguyên nhân từ nơi khác. Chính vì thế chính sách đối với khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo cần phải làm sao phát huy được tính sáng tạo của mỗi con người mà trước hết là đội ngũ trí thức. Nó phải xuất phát trước hết từ việc chăm lo đời sống đến việc cho họ một môi trường đủ điều kiện để phát huy năng lực. Đến lúc đó, chúng ta mới hy vọng thu được các kết quả.
Xin hỏi anh một câu cuối. Sau những trăn trở trên đây, anh nghĩ gì về tương lai?
Không trước thì sau, khoa học và công nghệ cũng như giáo dục và đào tạo của chúng ta sẽ phải đổi mới theo hướng hiện đại. Đó là yêu cầu của cuộc sống hôm nay, khi mà cả đất nước đang tiến lên và hội nhập quốc tế. Những chính sách gần đây của Đảng và Nhà nước như Nghị định 115, đề án ""Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006-2010"" của Bộ Khoa học và Công nghệ đang minh chứng điều này.
Dân tộc ta là một dân tộc quật cường. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử chúng ta vẫn hiên ngang tồn tại và có hẳn một nền văn hóa mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ trí thức Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng, một nền khoa học và giáo dục tiên tiến để góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh.
Xincảm ơn những ý kiến của tiến sĩ!