Phải chăng có thế giới bên kia?
Thế giới bên kia, Á - Âu đều trăn trở Phóng viên: Trong cuốn sách "Tìm kiếm ở âm phủ", nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh, Viện Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam, viết: "Thế giới âm phủ thường phản ánh trung thực và khá đầy đủ thế giới dương gian. Bởi vì sự bố trí một "cư xá âm phủ" do chính người dương gian làm. Nhu cầu của người quá cố lại chính là nhu cầu của người dương gian". Vậy có một thế giới bên kia phải không, thưa GS? GS.TS Đỗ Quang Hưng: Thế giới âm phủ mà GS. Đỗ Văn Ninh đề cập đến chẳng qua là một dạng của khát khao muốn tìm hiểu, muốn hiểu biết về thế giới bên kia, về cái cuộc sống đằng sau cái chết. Điều này đúng thôi. Cái trí tuệ, cái trừu tượng phong phú phong cách nghĩ của người Á Đông về ba tầng cấp thượng giới, hạ giới, và âm phủ có thể khác so với người châu Âu nhưng nguyên tắc vẫn vậy thôi. Nghĩa là, ngay cả ở châu Âu, người ta cũng tin vào cuộc sống sau cái chết, vào những sức mạnh siêu nhiên? Đúng vậy. Dẫu rằng không đậm như ở các nước Á Đông nhưng người phương Tây cũng luôn trăn trở với câu hỏi hấp dẫn và đầy khó khăn là con người ta có linh hồn hay không, có thế giới bên kia hay không, có cuộc sống sau cái chết hay không. Vấn đề là như vậy. Niềm tin và mê tín - Ranh giới mong manh Nhiều khi, vì tin vào tôn giáo, vào các bậc giải thoát mà con người đâm ra phiêu diêu, hoang mang, thậm chí bị các đại diện của bề trên sai khiến. Bấy giờ, niềm tin trở thành mê tín? Đó là mặt trái của vấn đề. Nếu người nào hiểu tôn giáo theo nghĩa đích thực, đúng là nó có chức năng an ủi, chức năng cân bằng về tâm sinh lý. Chưa kể nó còn là động lực cho nhận thức dù nhận thức ấy siêu hình. Ngược lại, khi đi quá cái đó rồi, thậm chí có người lợi dụng hình thái tôn giáo, có thể dẫn đến niềm tin cực đoan, nếu không muốn nói là ngu muội. Nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị thuốc nọ, thầy kia mà không có kết quả phải tìm đến các đấng cứu thế. Và nhờ trời, bệnh của họ thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn. Vậy, lòng thành của họ được chứng minh hay do thuốc ngấm. Đây là điều rất khó giải thích. Nhưng cũng nhờ đó, tôn giáo càng có đất sống phải không? Về nửa đầu, tôi không có kinh nghiệm. Tức là, thực tế của những người rơi vào trạng thái hay tình huống như thế. Họ bất lực, bó tay không thể tìm được sự lý giải mang tính cơ sở khoa học, không tìm được sự giúp đỡ của xã hội cho khỏi bệnh. Bởi vậy, họ phải tìm đến những trạng thái đặc biệt, tìm đến thần linh hay những ông thầy bà cốt này nọ. Và cũng có trường hợp khỏi. Điều này, trong chừng mực nào đó, cũng có thể có. Bởi vì, cuộc sống rất đa dạng. Có thể có 99 trường hợp chữa bệnh theo con đường khoa học. Cũng có thể có người thứ 100 chữa theo con đường đặc biệt, bằng tâm linh, ngoại cảm, v.v... Tuy vậy, đây không phải là đối tượng trực tiếp của tôn giáo học. Cùng lắm là những vấn đề cận tôn giáo mà thôi. Nhưng đúng là những hiện tượng xã hội tâm lý như thế này cũng dễ dẫn người ta đến tôn giáo. Có ma hay không? Còn ma thì sao. Hình như ma không chỉ có trong các bộ phim giả tưởng? Ma được hiểu theo nghĩa là những hiện tượng rất lạ, rất kỳ mà người ta không thể hiểu nổi. Tôi nghĩ rằng cũng phải có một cách nghĩ khác, không nên duy vật cơ giới. Có những cái quá kỳ dị mà người ta không thể hiểu được bèn gọi là ma. Như người hành tinh khác chẳng hạn. Từ trước tới nay, chúng ta luôn trăn trở trước câu hỏi có hay không có người hành tinh khác. Vậy, cũng có thể coi đó là một thứ ma hiện đại chứ. Nếu sau này chúng ta có thể bắt được tay, sờ được chân thì khác. Còn bây giờ, điều này vẫn còn là nỗi ám ảnh của loài người. Ma cũng vậy thôi. Do đó, chỉ có thể hiểu theo nghĩa đó là những hiện tượng lạ kỳ. Do đó, không nên nhạo báng nhưng cũng đừng quá tin phải không? Có thể có những hiện tượng lạ được gọi là ma mà lại là thực thì sao. Đừng quá nhạo báng. Đừng quá phỉ báng nhưng cũng đừng quá sợ hãi. Đừng quá luỵ vào cái đó. Nếu không, sẽ trở thành người mê tín. Riêng với GS thì sao? Có ma hay không? Đây là một câu chuyện rất hấp dẫn và chắc chắn còn tồn tại lâu dài với xã hội loài người. Nhưng, dù sao ma vẫn là nỗi đam mê với trẻ em. Riêng tôi, tuy rất bận, nhưng tôi cũng thích xem những bộ phim về ma. Đây là loại hình giải trí, đôi khi hơi quá đà dù được làm bằng những kỹ xảo và khoa học hiện đại. Những bộ phim kiểu này kích thích sức tưởng tưởng ghê gớm của con người. |