PGS-TS Phan Khanh - Người suốt đời cống hiến cho văn hóa dân tộc
Nhiều đề xuất đột phá, thực tiễn
PGS-TS Phan Khanh làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa – Thông tin vào những năm đất nước vừa bước vào công cuộc đổi mới. Là tiến sĩ chuyên ngành bảo tồn bảo tàng, ông dành nhiều thời gian đi thị sát, nắm tình hình, đề xuất với Bộ biện pháp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, trong đó có di tích, lễ hội. Qua khảo sát thực tế, ông thấy rằng nhân dân rất khao khát được tổ chức lễ hội và cũng rất trân trọng tấm bằng Công nhận di tích lịch sử - văn hóa do Bộ Văn hóa – Thông tin thay mặt nhà nước trao. Vào thời điểm này, theo những quy định từ rất lâu, lễ hội vẫn bị cấm. Và việc công nhận di tích chỉ được thể hiện qua một tấm giấy pô- luya đánh máy. Vậy mà lễ hội vẫn diễn ra và nhân dân đón tấm giấy chứng nhận đó bằng thái độ trân trọng, dùng kiệu rước theo nghi lễ truyền thống. Hiểu được lòng dân và có tư tưởng đổi mới, Phan Khanh bàn bạc trong Văn phòng về việc “giải phóng” lễ hội và thay đổi hình thức giấy chứng nhận di tích. Ông thay mặt Văn phòng Bộ Văn hóa – Thông tin trình lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin văn bản hướng dẫn nhân dân tổ chức lễ hội theo lập luận: Lễ hội là giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc. Qua tổ chức lễ hội, nhân dân, nhất là nông dân, có một sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, xóm làng vui vẻ, mọi người đối xử với nhau thân tình, ấm cúng. Bộ trưởng duyệt ký văn bản hướng dẫn tổ chức lễ hội. Nhân đó, ông đề nghị Bộ trưởng cho thiết kế mẫu bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thật đàng hoàng để tấm bằng công nhận có hình thức trang trọng như ngày hôm nay vẫn sử dụng. Thấy lễ hội được “giải phóng”, thôn cùng xóm vắng rộn lên tiếng trống và rực rỡ sắc cờ hội, mặt mày người dân hớn hở, rạng ngời, PGS - TS Phan Khanh vui lắm. Ông bảo: “Thế là anh em mình làm được việc phúc đức, hợp lòng dân”.
Cũng vào thời kỳ này, có ý kiến đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin cho phép xây dựng Bảo tàng Phụ nữ. Chánh Văn phòng Phan Khanh rất tâm đắc với ý tưởng đó. Ông đã cùng Phó Vụ Trưởng Vụ Bảo tồn – Bảo tàng Đặng Văn Bài tìm hiểu kỹ đề án rồi thuyết phục Bộ cho phép xây dựng Bảo tàng Phụ nữ. Ngày nay, ai cũng biết Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á, là điểm du lịch hấp dẫn nhất Hà Nội, nhưng mấy ai biết PGS-TS Phan Khanh là một trong những bà đỡ mát tay cho đứa con của sự đổi mới văn hóa ấy?
“Ông cố vấn” văn hóa tận tâm
Khi nghỉ hưu theo chế độ, với trình độ chuyên môn vững vàng, PGS.TS Phan Khanh tham gia nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội, hướng dẫn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Ông đi nhiều địa phương nghiên cứu, tham góp ý kiến về xử lý những vấn đề quản lý liên quan đến văn hóa. Ông làm cố vấn cho Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng khoa học của nhiều tổ chức, tham gia nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những ý kiến của ông vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn, thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, phù hợp với quy luật của cuộc sống. Ông luôn luôn trăn trở về vấn đề gia đình và trẻ em. Ông đề xuất cần xây dựng những chính sách trước mắt và lâu dài về văn hoá đối với gia đình và trẻ em trong thời kỳ đổi mới và mở cửa hiện nay, với lý do là: “Nước ta hiện đang trong thời kỳ chuyển đổi từ một xã hội thuần nông sang một xã hội công nghiệp, mô hình gia đình truyền thống đang bị tấn công tứ phía, nguy cơ đổ vỡ mô hình này là hiển hiện trước mắt. Vấn đề trẻ em cũng vậy, các em hiện cũng đang bị tấn công bởi các tệ nạn từ mọi phía: nào là sách truyện nhảm nhí, nào là Internet ngoài luồng...” Ông cũng có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Ông nói: “Nói di sản văn hóa quan trọng vì một nước mà không có di sản nghĩa là không có quá khứ, không có nề nếp. Quá khứ là nề nếp. Nề nếp đã qua đi, dù hay hay dở thì cũng quan trọng. Xã hội có nề nếp là xã hội có luật pháp, kỉ cương để điều chỉnh hành vi con người. Giá trị đạo đức làm con người sống với nhau có đạo đức hơn, ổn định hơn. Giữ gìn Di sản văn hóa là tôn trọng những người có công, biết hi sinh thân mình vì nhân dân, đề cao đức hi sinh cho xã hội. Cổ vật có giá trị riêng của nó, nó chứng minh gốc gác căn cơ của mình”. Với tư cách Ủy viên Hội đồng Khoa học về bảo tồn di tích - Bộ VH-TT&DL, khi phát biểu về cách xử lý đối với nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, ông khẳng định: “Không nên quá máy móc khi bảo vệ di sản”. Ông đề xuất: “Cách làm khả thi nhất đối với nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, theo tôi là nhanh chóng chụp ảnh, quay phim, tìm hiện vật, sau đó có thể trưng bày tại chỗ hoặc địa điểm nào đó và nhường chỗ để công việc thi công được tiếp tục. Bảo vệ DSVH là lợi ích của mọi người nhưng không nên quá máy móc. Về lâu dài, tôi nghĩ lãnh đạo thành phố nên quan tâm giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất - giáo dục ý thức bảo vệ DSVH cho nhân dân, các ngành quản lý và cả các đơn vị xây dựng để khi gặp di tích có thể có phương án xử lý kịp thời; thứ hai - ngành văn hóa, khi tiếp nhận yêu cầu từ phía đơn vị thi công cần nhanh chóng nghiên cứu để có giải pháp tiếp theo. Riêng với nút giao Đào Tấn - đê Bưởi đang được lập dự án, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã sớm có chỉ đạo cho phép khai quật đê Bưởi trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn”. Cho tới nay, những ý kiến như vậy của ông vẫn mang tính thời sự nóng hổi và nhiều phần trong đó đang được chú ý vận dụng, để đảm bảo vừa bảo vệ, giữ gìn được di sản văn hóa của dân tộc, vừa mở đường cho kinh tế phát triển.
PGS-TS Phan Khanh sinh năm 1935 tại Thanh Hóa. Từ năm 1959, ông là cán bộ Vụ bảo tồn bảo tàng, được nhà nước cử sang Liên Xô học. Từ năm 1962, tốt nghiệp về nước, ông giảng dạy tại Trường lý luận nghiệp vụ. Từ năm 1963- 1966, ông công tác ở Phòng Bảo tàng Vụ bảo tồn bảo tàng, tham gia xây dựng các Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Điện Biên Phủ… Từ năm 1966-1972, ông về công tác tại Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa (nay là Đại học Văn hóa Hà Nội). Năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tháng 6-1987, ông được bổ nhiệm là Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa. Từ năm 1990, ông là Quyền Vụ Trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa Thông tin. Năm 1991, ông là Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa Thông tin.
PGS-TS Phan Khanh đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Văn hoá và rất nhiều bằng khen, giấy khen khác.