"Nuôi trồng" thay vì "hái lượm"!
Ở TP.HCM mấy năm lại đây có đầu tư cho chương trình vườn ươm sáng tạo khoa học trẻ, song đối tượng tham gia vườn ươm phần lớn lại không phải là người trong guồng máy của thực tiễn sản xuất. Vì vậy, hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển không cao; nó mang tính rèn luyện cho tuổi trẻ tập tành sáng tạo nhiều hơn là sáng tạo vì mục tiêu trực tiếp đóng góp cho phát triển kinh tế.
Nhưng lại cũng có một tình hình thực tế là có rất nhiều nhiệm vụ nghiên cứu phát triển được giao một cách cưỡng bức theo kiểu hành chính cho các cá nhân, đơn vị theo hệ thống quản lý nhà nước. Đó là cách làm dễ nhất, song những người được giao nhiệm vụ không phải bao giờ cũng có bản lĩnh của lao động trí tuệ đích thực trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Kết quả là nhiệm vụ được hoàn thành nhưng hiệu quả thấp, thậm chí không đạt yêu cầu, kể cả thất bại và thảm bại.
Có thể nhận thức rằng trong nghiên cứu phát triển, khai thác một cách tối ưu yếu tố lao động trí tuệ trong đội ngũ những người làm KH-CN là cách làm căn cơ nhất. Điều đó sẽ đảm bảo các bước đi tránh được rủi ro, không đi chệch hướng, ít phải trả giá và đạt tính hiệu quả cao nhất.
Nguồn: Tuổi trẻ 16/1/2006