Nuôi ngan sinh sản
Cách chọn ngan sinh sản
-Ngan trống có mào đỏ, dáng hùng dũng, có phản xạ tốt khi được kiểm tra gai giao cấu. Gai giao cấu có màu hồng sáng và dài khoảng 3-4cm. Khối lượng phải đạt 3,4 – 3,5kg với ngan nội và 4 – 4,5 kg với ngan Pháp.
- Ngan mái: có mặt đỏ, thân hình cân đối, vùng bụng mềm, lỗ huyệt ướt, lông sáng bóng, vùng xương chậu mở rộng. Khối lượng cơ thể phải đạt 2,1 – 2,2kg với ngan nội và 2,2 – 2,4kg với ngan Pháp.
Chuẩn bị chuồng và dụng cụ chăn nuôi
- Chuồng nuôi: Đảm bảo tránh gió lùa, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Diện tích chuồng nuôi đảm bảo mật độ 3-4 con/m².
- Nền chuồng:chia thành hai bậc (bậc trên: chiếm 1/4 diện tích chuồng để ổ đẻ, bậc dưới cho ngan ăn và uống nước).
- Ổ đẻ:có kích thước 40x40cm. Đặt ổ đẻ tựa vào hành lang ở lối vào và có thể mở cửa phía sau để thu nhặt trứng, dùng phoi bào dày 5cm để lót ổ đẻ. Số ổ đẻ: 4-5 ngan mái/ổ.
- Sân chơi và mương nước:
Mật độ: 3 mái/m² để ngan vận động, tắm và phối giống.
- Máng ăn, máng uống:
Cần có đủ máng ăn cho cả đàn ngan đều ăn được cùng một lúc. Mỗi ngan cần 5 cm chiều dài máng. Nên dùng máng treo để tránh gây trở ngại nhiều cho việc đi lại của ngan.
Máng uống: Nên dùng máng nhựa loại 4 lít, mỗi máy cho 25 con.
Thức ăn
Thức ăn quyết định hiệu quả của chăn nuôi ngan. Chất lượng thức ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng trứng ngan. Ngan không thích ăn thức ăn bột cho nên cần cho ngan ăn thức ăn viên có đường kính 3,5 – 4mm và kết hợp với thóc tẻ có chất lượng tốt trong suốt chu kỳ đẻ trứng.
Thành phần dinh dưỡng và nhu cầu ăn đối với ngan cần đảm bảo: trong 1kg thức ăn có 2850kcal năng lượng trao đổi (kcal ME), protein thô: 17,5-18,5%. Lượng thức ăn hằng ngày.
- Đối với ngan mái: 160 – 170g/con.
- Đối với ngan trống 190 – 200g/con.
Có thể sử dụng kết hợp thức ăn hỗn hợp với thóc tẻ chất lượng tốt theo tỷ lệ: 40 – 60% thóc tẻ + 60 – 40% thức ăn hỗn hợp.
Ngoài ra, có thể cho ngan ăn thêm giun, don dắt, cua ốc…và giảm lượng thức ăn hỗn hợp tuỳ thuộc vào lượng thức ăn bổ sung.
Định kỳ bổ sung thêm sỏi dưới dạng hạt nhỏ để giúp ngan tăng khả năng nghiền thức ăn và tăng hấp thu thức ăn.
Phải cho ngan ăn rau xanh hoặc bèo với lượng: 0,5kg/con/ngày.
Quản lý, chăm sóc
Ngan trống được nuôi tách riêng với ngan mái, đến 22 tuần tuổi mới ghép vào với đàn mái để chúng làm quen với nhau trước khi đẻ rộ (26 – 28 tuần). Tốt nhất nên sử dụng con trống có độ tuổi lớn hơn con mái 1 tháng tuổi vì ngan trống thành thục muộn hơn ngan mái 1 tháng. Tỷ lệ trống/ mái thích hợp là 1/5-1/6.
Ngan hậu bị phải được chuyển vào chuồng nuôi đẻ (nếu nuôi tập trung) ít nhất hai tuần trước khi đẻ, tức là khi ngan được 23 – 24 tuần tuổi.
Chú ý tránh các sốc cho đàn ngan sinh sản như: thay đổi thức ăn đột ngột, tiếng ồn, người lạ, chuyển địa điểm…
Quan sát tình hình sức khoẻ đàn ngan hằng ngày, phát hiện sớm những ngan yếu, loại khỏi đàn những con ốm, đồng thời kiểm tra tình hình ăn uống của toàn đàn. Tránh tình trạng ngan quá gày hoặc quá béo, ngan sẽ đẻ kém.
Vệ sinh thay chất độn chuồng hằng ngày, tránh nấm mốc, đảm bảo chuồng khô và sạch.
Đảm bảo ánh sáng 12 -14 giờ/ngày căn cứ vào độ dài của ánh sáng tự nhiên.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 84 (1802)