Nước mặn xâm nhập sâu tới 50km tại cửa sông ĐBSCL
Tình trạng này diễn ra tại các cửa sông gồm cửa Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cung Hầu, Cổ Chiên, Định An, Trần Đề, Ông Đốc, Cái Lớn. Ngoài ra, tại các tỉnh ven biển có thể thiếu nước sinh hoạt trong phạm vi này.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã khuyến cáo các tỉnh cần khẩn trương triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn đang gia tăng dần. Trước mắt, đầu tư nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn cứu lúa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của nhân dân đồng thời tập trung chống hạn.
Đồng thời, các địa phương tổ chức giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi bảo đảm tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về.
Tại vùng bán đảo Cà Mau và các hệ thống ngọt hóa ven biển; định kỳ thoát nước mặn và nguồn nước ô nhiễm trên kênh rạch, trong đó các địa phương cần phối hợp tốt trong quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam còn kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường chuyển nước từ trên xuống theo các kênh dọc trục trong hệ thống; có kế hoạch nạo vét, tăng cường năng lực chuyển nước của các kênh trục hệ thống và bơm để lấy nước vì lúc này nước ngọt trong kênh tại vùng Gò Công (dự án Gò Công, Tiền Giang), Trà Vinh (dự án Nam Mang Thít) rất thấp.
Đối với vùng Long Phú-Tiếp Nhật (Sóc Trăng) cần có kế hoạch bơm trữ, đóng cống hợp lý để tích nước từ đầu tháng 3. Ở vùng ranh Sóc Trăng-Bạc Liêu, năm nay mực nước có thể hạ thấp đến 0,1m.
Việc lấy đủ mặn nuôi tôm cho vùng phía Tây kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp sẽ trở nên khó khăn nên cần thận trọng khi mở cống lấy mặn tăng cường cho vùng phía Tây kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp vì dễ làm mặn xâm nhập mặn lên đến khu vực Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Về lâu dài, Đồng bằng sông Cửu Long cần có chiến lược chủ động chống hạn, cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn nước ngọt, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và làm các trạm bơm lấy nước ngọt ven các cửa sông./.