Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/12/2018 22:39 (GMT+7)

Nông dân Đồng Tháp được vinh danh "Nhà khoa học của Nhà nông"

Qua các Hội đồng bình chọn cấp cơ sở (cấp tỉnh, bộ, ngành), Hội đồng thẩm định Trung ương đã chọn ra 53 cá nhân để vinh danh "Nhà khoa học của Nhà nông" .

Trong lần vinh danh này, Đồng Tháp vinh dự khi có sự góp mặt của hai cá nhân tiêu biểu là GS.TS Bùi Chí Bửu (huyện Hồng Ngự) và anh Nguyễn Anh Dũng (huyện Lấp Vò), là những người con ưu tú của quê hương Đất Sen hồng Đồng Tháp, đã có những hoạt động nghiên cứu khoa học nổi bật, cống hiến quan trọng góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn.

Điểm đặc biệt thú vị, xen lẫn tự hào của nhiều nông dân Đồng Tháp là về trường hợp anh Nguyễn Anh Dũng, Người nông dân duy nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được đứng trong hàng ngũ những nhà khoa học được vinh danh, với những nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa chất lượng được dư luận xã hội đánh giá cao.

Từ trước tới nay nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới chủ yếu là ở các viện trường, là công việc đòi hỏi cần những giáo sư, tiến sĩ, những trí thức có chuyên môn sâu về cây trồng. Tuy nhiên với sự nổ lực học hỏi, nghiên cứu không biết mệt mỏi của mình, nông dân Nguyễn Anh Dũng đã đạt được thành tựu mà ngay những người nghiên cứu về cây lúa lâu năm, cũng khó đạt được.

Trong nhiều năm qua, ở Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng Sông cửu Long nói chung, sản xuất lúa chủ yếu sử dụng giống IR50404 là phổ biến. IR 50404 là giống có năng suất cao, thích nghi rộng nhưng phẩm chất và giá trị xuất khẩu thấp.

Trong khi đó các giống lúa mới chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất do tính thích nghi kém, năng suất không ổn định và thời gian sinh trưởng dài.

Việc tạo ra giống lúa cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện canh tác và kháng sâu bệnh tốt, cho phẩm chất gạo cao luôn là mục tiêu của các nhà nghiên cứu, lai tạo giống và cũng là mong muốn bức thiết của bà con nông dân.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trưởng thành trên những cánh đồng lúa quê hương Lấp Vò (Đồng Tháp), thấy người dân quê mình bao đời làm nông cần cù, vất vả nhưng thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2000 trở về quê từ quân ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Dũng bắt đầu nghề nông, anh canh tác giống lúa IR50404 trên 6,5ha đất lúa của gia đình.

Với thu nhập bấp bênh từ cây lúa có giá trị thấp, anh Dũng xác định mình cần được trang bị những kiến thức khoa học nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật, sử dụng giống lúa mới, để tạo ra sự thay đổi nâng cao thu nhập gia đình và bà con nông dân .

Anh Dũng chia sẻ: Người nông dân sẽ rất khó đổi đời khi sản xuất loại giống truyền thống, có phẩm chất gạo thấp, để vươn lên làm giàu từ trồng lúa phải có những hướng đi mới, phải tạo ra được sự khác biệt, tạo được cái riêng trong cái chung, "sản phẩm lúa gạo mình có thì nước họ cũng có, nhưng lúa gạo mình có gì tốt hơn sản phẩm của họ mới là điều quan trọng, điều tiên quyết là mình cần phải có được giống lúa có chất lượng, gạo ngon!".

Suy nghĩ về những ưu điểm, nhược điểm của những sản phẩm lúa gạo ở Việt Nam và của các nước Campuchia, Thái lan...Anh Dũng mong muốn lai tạo được một giống lúa mới có chất lượng vượt trội, với quyết tâm đi tìm một hướng đi riêng, tạo ra sản phẩm lúa gạo mang thương hiệu Đồng Tháp, Việt Nam.

Nghĩ là làm, năm 2006 nông dân Nguyễn Anh Dũng bắt đầu thử nghiệm lai tạo giống lúa, từ những kiến thức lý thuyết được học ở lớp sản xuất giống nông hộ, tập huấn học cách trồng lúa; phòng trừ sâu bệnh ngắn hạn do Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Đầu tiên, anh thử nghiệm lai nếp Thái với giống IR50404 để chọn ra những cá thể vượt trội rồi tiếp tục nhân giống. Qua 6 vụ trồng chọn lọc, đến năm 2008, anh Dũng đã tìm được cá thể giống lúa vượt trội, đặt tên là LD2008. Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất trên diện tích 5.000 m2 thì kết quả không đạt được như mong muốn.

Anh Dũng chia sẻ thêm "ở thời điểm ban đầu gặp phải vô vàn khó khăn vì mình là nông dân chưa có nhiều kiến thức nghiên cứu bài bản, chỉ riêng chuyện lai tạo giống thì vô số kể lần thất bại. Sau này được tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn của trường Đại học Cần Thơ, từ chổ được mấy thầy dạy mình cách lai, kỹ năng chọn tạo dòng phân li giống lúa. Trên cơ sở đó cộng với kinh nghiệm rút ra sau mỗi lần thử nghiệm thất bại và những kiến thức thực tế thu được trong quá trình trồng lúa, mình đã làm tốt hơn.

Ở các viện trường các thầy dạy phương pháp lai là cắt 1/3 võ trấu, rồi lấy cây tăm hoặc nhíp gắp bỏ các túi phấn ở cây mẹ. Khi sử dụng cách làm này nếu người lai không thật sự khéo thì các nhị đực sẽ bị rơi lại, làm cho lúa tự thụ phấn, vì vậy tỷ lệ thành công thấp. Để khắc phục nhược điểm đó mình đã có một số cách làm mới, từ việc nghiên cứu chính xác thời gian trổ của cây chọn làm cha - mẹ, trên cơ sở theo dõi các yếu tố thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm...). Khi cây mẹ trổ mình lấy kéo cắt bỏ hẵn luôn túi phấn chín, lấy giấy trùm trấu cây mẹ lại ngay từ chiều hôm trước. Sáng ngày hôm sau, khi nhị đực cây cha thụ phấn mình mới đưa qua cây mẹ. Với cách làm này tỷ lệ lai đạt rất cao trên 90%, cái khó ở đây là đòi hỏi người lai tạo phải có nhiều kinh nghiệm chọn đúng thời điểm trồng, xác định chính xác thời gian trổ của cây lúa".

Với sự kiên trì nổ lực và các cách làm sáng tạo của mình trong hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa, những kết quả thành công đã liên tiếp đến với với anh Dũng khởi đầu là giống lúa mang tên LD2012 được lai tạo từ cặp giống IR50404 và OM 6976, có thời gian sinh trưởng ngắn (88 - 92 ngày), kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt.

Đặc biệt sự tin tường tỉ mĩ, nhạy bén của người nghiên cứu khoa học đã được anh Dũng thể hiện đúng lúc khi theo dõi đồng ruộng lúa giống LD2012, phát hiện ra cá thể lúa lạ trên đồng ruộng mình. Anh đã đem về trồng, khi lúa chín lột ra thấy gạo màu đỏ, đưa lên miệng ăn thử thấy gạo dẻo dính răng (anh đặt vấn đề suy nghĩ thường lúa đỏ là gạo khô cơm nhưng tại sao lúa đỏ này gạo nó lại dẻo ?), từ chổ tò mò, muốn khám phá vấn đề anh đem nhân rộng trồng thử 1 hecta giống lúa này, đem nấu cơm thử và kết quả thật bất ngờ giống lúa có màu đỏ này ăn dẻo, có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng nên được anh đặt tên là Ngọc đỏ hương dứa.

 Loại lúa này có hạt dài, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày, thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã, kháng rầy nâu và đạo ôn rất tốt, không cần bón nhiều phân nhưng cho năng suất cao, từ 6 - 7 tấn/ha và đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao.

 Kết quả đem phân tích  phẩm chất gạo Ngọc đỏ hương dứa đã xác định loại gạo này chứa thành phần dinh dưỡng cao (hàm lượng protein cao gấp đôi so với gạo trắng hiện nay), lượng đường thấp, rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường. Nhiều người gọi đây là "gạo thảo dược". Đây được xem là giống lúa gắn liền tên tuổi người nông dân Nguyễn Anh Dũng và nay trở thành đặc sản của huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.

nd2

Ông Nguyễn Anh Dũng (đứng hàng thứ nhất, vị trí thứ 7 từ trái sang) được chứng nhận tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”

Đến thời điểm bây giờ, ngoài việc lại tạo thành công giống LD2012, anh Nguyễn Anh Dũng còn chọn tạo thành công giống lúa Sen Việt (hiện đang được gửi khảo nghiệm giống quốc gia với tên gọi ND3), giống lúa tím sen và chọn được dòng phân li chất lượng của giống OM 384…Các giống lúa của anh Dũng phần lớn cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện canh tác và kháng sâu bệnh tốt, cho phẩm chất gạo cao được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng.

Trên cơ sở nhận định việc chủ động được nguồn giống có chất lượng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp và nhận thấy cần có sự liên kết giữa những người nông dân thì việc sản xuất lúa giống phục vụ sản xuất sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Anh Dũng đã quyết định liên kết với các hộ nông dân khác ở địa phương thành lập Câu lạc bộ sản xuất giống và giờ đây phát triển thành Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An “nổi tiếng” được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi về cảm giác được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” anh Dũng rất phấn khởi nhưng không tự mãn trước những thành quả đạt được. Anh khẳng định, những kết quả đạt được và chưa đạt được đều là động lực để mình phấn đấu, sắp tới anh vẫn sẽ tiếp tục lai tạo các giống lúa mới, cải tiến sản xuất theo hướng sạch, an toàn và đưa Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An phát triển hơn nữa, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời tạo dựng thương hiệu lúa gạo cho địa phương.

Khi chúng tôi hỏi anh Dũng là có nhắn nhủ thông điệp gì với những người nông dân Việt Nam về tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ, để họ có thể thực hiện ước mơ, biến ý tưởng thành hiện thực.

Anh trầm tư chia sẻ: “Thật sự nông dân Việt Nam có nhiều người rất giỏi, nhưng số đông vẫn còn tính thụ động. Theo tôi chúng ta cần chủ động hơn, phải thay đổi tư duy bằng việc trang bị cho mình nhiều kiến thức mới, phải tự bỏ tiền ra để học tập, chứ ai đời lại có nhiều nông dân được tập huấn kiến thức khoa học, kỹ thuật mới… mà cho tiền mới tham gia thì sẽ rất khó tiến bộ để thành công!”.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.