Những vướng mắc trong thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Thừa Thiên Huế
Một vấn đề đáng quan tâm trong giao rừng cộng đồng là lợi ích của người giữ rừng. Chính sách hưởng lợi đối với rừng tự nhiên hiện hành nằm tản mạn trong nhiều văn bản, thiếu hệ thống và khó áp dụng vào thực tiễn. Việc quy định hưởng lợi trên tỷ lệ phần trăm giá trị tăng thêm của rừng do chủ rừng đầu tư là khó xác định, phương án ăn chia giữa nhà nước và chủ rừng chưa quy định cụ thể ai là người đại diện cho nhà nước, chi phí khai thác, giá bán, chi phí thiết kế, bài cây…
Người giữ rừng tự nhiên cần được ưu tiên giao đất sản xuất lâm nghiệp để “lấy ngắn nuôi dài”, có kinh phí bù đắp chi phí bảo vệ rừng: Cộng đồng, hộ gia đình, nhóm hộ thiếu nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng, trong khi đó một số mô hình cho thấy, nếu họ được giao đất sản xuất thì có nguồn lực để bảo vệ rừng.
Về xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng gặp khó khăn, thực chất đối tượng phá rừng phần lớn là người dân nghèo, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên việc chấp hành hình phạt vi phạm hành chính là rất thấp, công tác cưỡng chế theo luật định là không khả thi.
Theo thống kê cho biết, từ nằm 2010 đến 2014 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử lý 3.867 vụ vi phạm hành chính, 10 vụ hình sự với 14 bị cáo. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển, Pháp lệnh điều tra hình sự thì lực lượng kiểm lâm có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số điều vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, nhưng thực tế lực lượng kiểm lâm lại không có cán bộ điều tra viên, không có quyền tạm giam giữ hình sự, không được đầu tư kinh phí, phương tiên trong lĩnh vực này. Những bất cập này làm cho công tác đấu tranh ngăn chặn phá rừng gặp nhiều khó khăn, hiệu lực của Luật trong thực tiễn chưa cao.
Để khắc phục những khó khăn trên, theo ông Mai Văn Tâm – Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm Lâm Thừa Thiên Huế cho biết, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 có nêu khái niệm cộng đồng dân cư thôn nhưng trong phần nói về chủ rừng lại không công nhận cộng đồng như một chủ rừng.
Cần thể chế hóa để minh bạch giữa quyền định đoạt của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu với quyền tài sản của chủ rừng
Cần đồng bộ giữa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với các luật khác. Trong thực tiễn, việc thực thi luật gặp phải nhiều bất cập, điều 22 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định việc GRCTR, thu hồi rừng phải đồng thời với việc GRCTR… nhưng thực tế đây lại do 2 ngành quản lý khác nhau, các văn bản dưới luật quy định về các đối tượng được GRCTR , GĐCTĐ cũng không giống nau; Các chủ thể trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Luật Dân sự cũng có những khái niệm không thống nhất gây khó khăn cho các hoạt động giao dịch dân sự.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, về hạn mức giao rừng đối với rừng trồng, đất trồng rừng cho hộ gia đình, cá nhân là 30 ha như hiện nay là quá lớn đối với rừng trồng và đất trồng nhưng lại nhỏ đối với công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, kinh doanh du lịch sinh thái. Thực tế hiện nay đa phần người dân sống gần rừng nhưng do nhiều nguyên nhân đang thiếu đất sản xuất dẫn đến nạn phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên lấy đất sản xuất trong khi nhiều người đang chiếm giữ một diện tích khá lớn đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, gây bất bình đẳng, thiếu công bằng trong chính sách đất đai.
Theo ông Tâm, cần minh bạch và thể chế hóa quyền hưởng lợi của cộng đồng, hộ gia đình trong nhận rừng tự nhiên là rừng sản xuất, trong đó có quan hệ lợi ích là quan hệ cơ bản, xuyên suốt, nó vừa là động cơ vừa là mục đích cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của hộ gia đình, chủ đất nhưng hiện nay các chính sách về hưởng lợi trong giao rừng tự nhiên không có tính khả thi, mang nặng tính bảo hộ tài nguyên quốc gia, tài sản nhà nước mà không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng, không khuyến khích chủ rừng mạn dạn bỏ vốn đầu tư phát triển rừng.
Về vấn đề lợi ích trong giao rừng cộng đồng cần được mở rộng theo những giá trị mà rừng tự nhiên mang lại trên nhiều khía cạnh như tác dụng phòng hộ, môi trường, cung cấp nguồn nước. Thực tế các văn bản hiện nay đang chú trọng việc chia sẻ tài nguyên hơn là chia sẻ lợi ích và quy định về chia sẻ tài nguyên từ khai thác gỗ rừng tự nhiên để sử dụng hàng năm áp dụng cho hộ gia đình cũng khó áp dụng, cả về điều kiện khai thác, trình tự thủ tục khai thác, năng lực của chủ rừng và phát sinh chi phí; mặt khác, cách tiếp cận về khai thác hưởng dụng từ rừng tự nhiên vẫn còn cứng nhắc từ trên xuống bằng việc giao chỉ tiêu, kế hoạch. Đối với cộng đồng thì không công nhận là chủ rừng nên các văn bản pháp luật về khai thác hưởng dụng rừng không điều chỉnh và không thể hưởng lợi từ rừng, ông Tâm cho biết.
Ảnh internet
Theo ông Tâm thì giải pháp tình thế nhằm bảo vệ tài nguyên rừng được giao là cần có chính sách hô trợ sau giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, nhóm hộ nhận rừng tự nhiên nghèo kiệt chưa được hưởng lợi từ rừng, chưa có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Giải pháp lâu dài để cộng đồng, hộ gia đình và nhóm hộ quản lý bền vững tài nguyên rừng được giao là cần ban hành chính sách để người dân được giao rừng sống bằng chính rừng được giao, bằng chính những giá trị mà rừng mang lại cho xã hội.
|