Những tiếp cận thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu ở Khánh Hòa
Trao đổi với vusta.vn, TS.Nguyễn Khắc Kinh – Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho biết, Khánh Hòa là địa phương có khí hậu nóng, ẩm khá ổn định chủ yếu phụ thuộc vào vị trí, địa hình, mặt đệm và vai trò điều hòa nhiệt ẩm về mùa đông và điều hòa chế độ nhiệt vào mùa hè của biển Đông. Giá trị nhiệt độ cao tuyệt đội đo được ở Khánh Hòa là 29,2oC, có thể làm cho giới hạn nhiệt độ sinh thái tối ưu sự sống của sinh vật bản địa ở Khánh Hòa sẽ cao hơn sơ với các vùng khác.
Ngoài ra, mực nước biển biến động rất phức tạp, vì có nhiều quá trình tác động lên biến động này như quá trình thành tạo biến động chu kỳ ngắn từ vài phút đến 18,613 năm của mực nước biển. Thực tế biến động mực nước biển ở các vùng khác nhau trên thế giới cho thấy có nơi tăng, có nơi giảm. Sự biến động mực nước biển bao gồm hai thành phần chính, đó là: thành phần biển đổi triều và thành phần biến đổi không triều.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng có rất nhiều năm số liệu mực nước từng giờ không được đo đạc đầy đủ làm cho kết quả tính toán các đặc trưng thống kê không được chính xác, TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết.
Theo TS Khắc Kinh thì, quá trình biến động mực nước biển trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện đại ngày càng phức tạp đòi hỏi phải tiến hành những đo đạc nghiên cứu toàn diện các quá trình thành tạo biến động đó.
Kết quả tính toán và phần tích chuỗi số liệu mực nước từng giờ tại Nha Trang, từ năm 1976 đến năm 2008, cho thấy xu thế biến đổi mực nước biển với chu kỳ 5, 7 năm. Từ năm 1976 đến 1992 mực nước giảm và từ 1993 đến 2008 mực nước tăng. Sự gia tăng mực nước và các quá trình động lực biển sẽ gây nhiều rủi rõ cho các vùng bờ biển Khánh Hòa, đặc biệt nguy cơ xói lở sẽ tăng cao ở một số khu vực nhạy cảm như vùng bờ Xuân Tự (Vạn Ninh), đường Trần Phú ở Nha Trang và vùng Cam Lộc, Cam Phúc ở Cam Ranh.
Theo TS Khắc Kinh cho biết, trong 50 năm gần đây có khoảng gần 500 cơn bão hoạt động trên biển Đông. Trung bình hàng năm có khoảng 10,24 cơn bão và 2,24 cơn ap thấp nhiệt đới. Năm 1964 là năm nhiều bão nhất có đến 16 cơn, còn năm 1969 là năm ít bão nhất chỉ có 4 cơn bão.Vùng có hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới cao nhất là vùng 15 oN-22 oN và 110 oE – 120 oE.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa thì từ năm 1956 đến năm 2000 trung bình mỗi năm, Khánh Hòa chịu ảnh hưởng của khoảng 0,4 cơn bão. Các cơn bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa trong những năm gần đây thường lệch hướng vào Nam hoặc tan ngay khi gần vào bờ. Tuy vậy, do địa hình sông suối có độ dốc cao nên khi có bão kèm theo mưa lớn, làm nước dâng cao nhanh chóng, trong khi đó sóng bão và triều dâng lại cản đường nước rút ra biển, nên thường gây ra lũ lụt.
Hiện nay, nhiệt độ trung bình thế giới mới tăng khoảng 0,6 oC nên hậu quả tác động của biến đổi khí hậu diễn ra chưa nhiều. Tuy nhiên, các kịch bản biến đổi khí hậu đã dự báo về các tai họa lớn hơn đang rình rập phía trước dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Chính vì những điều này, mà theo TS Khắc Kinh cho biết, Khánh Hòa cũng sẽ chịu nhiều những tác động và hậu quả to lớn do khí hậu thay đổi đối với các nguồn lợi tài nguyên, các ngành kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Để có cơ sở khoa học cho các giải pháp thích ứng và ứng phó, Khánh Hòa cần lên kế hoạch nghiên cứu để có những kiến thức sâu và thực tế hơn nữa về nguyên nhân cũng như hậu quả của sự biến đổi khí hậu.
Ở Khánh Hòa, chưa thấy có nhiều công bố thông tin xác nhận những dấu hiệu cảnh bảo của khí hậu thay đổi ở địa phương một cách chắc chắn và tin cậy, còn thiếu cơ sở khoa học cho những giải pháp thích ứng và ứng phó. Để cải thiện vấn đề này, theo TS Khắc Kinh thì Khánh Hòa cần đầu tư nghiên cứu một số vấn đề như: Vai trò của biển Đông đối với sự biến đổi khí hậu ở Khánh Hòa; Xu thế thay đổi hệ thống dòng chảy mang tính địa phương; Các dự án trồng rừng nhằm tăng cường khả năng hấp thụ và lưu giữ khí cacbonic trong bầu khí quyển; Xu thế biến đổi của các hệ sinh thái quần xã biển nhiệt đới như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển…; Xu thế phát triển của nghề cá, du lịch và các ngành kinh tế liên quan đến biển trong điều kiện khí hậu thay đổi toàn cầu.