Những quan điểm xây dựng luật về đô thị
Tôi rất hoan nghênh Bộ lấy ý kiến chuyên gia ngay từ khâu dự thảo đề cương chi tiết của Luật. Tôi tin rằng cách làm đổi mới này tuy tốn thời gian nhưng chắc sẽ đem lại kết quả tốt hơn.
Theo suy nghĩ của tôi, khi xác định sự cần thiết và nội dung của Luật Đô thị thì phải xuất phát từ kết quả đánh giá hiện trạng phát triển và quản lý đô thị nước ta theo phân tích SWOT. Theo đó thì mặt mạnh (S), mặt yếu (W) là sự phân tích nội tình phát triển của đô thị, còn cơ hội (O) là thách thức (T) là sự phân tích các tác nhân ngoại cảnh. Có nắm vững và bỏ công tiến hành phân tích SWOT một cách công phu, thì mới có cơ sở khoa học cho việc soạn thảo Luật. Nên huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, như đô thị học, địa lý học, kinh tế đô thị, xã hội học đô thị, quy hoạch đô thị, môi trường đô thị và quản lý đô thị (urban governance & management). Lâu nay đã có nhiều chuyên gia tiến hành nghiên cứu thực trạng đô thị từ các góc nhìn khác nhau, nhưng thiếu sự phối hợp. Vì vậy, nếu Bộ tạo điều kiện cho họ phát biểu rồi Ban soạn thảo tổng hợp lại, thì có thể sớm thu được kết quả.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh |
Tuy vậy, trước mắt có thể điểm qua nhiều chủ đề nóng bỏng cần chấn chỉnh trong quản lý đô thị được nêu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như: lấn chiếm đất công, thị trường bất động sản thôn tính các không gian công cộng, xây dựng không phép, trái phép, nhà siêu mỏng siêu méo,… hay hiện tượng đô thị hóa tự phát bám các con đường.
Theo tôi ban hành Luật Đô thị là để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của trị lý và quản lý đô thị, với mục đích là tăng cường hiệu lực quản lý hành chính và sự tham gia của người dân đối với các hoạt động xây dựng, như cải tạo, sửa chữa và sử dụng các công trình kiến trúc, công trình hạ tầng; đảm bảo giao thông thông suốt, bảo vệ cảnh quan-kiến trúc…nhằm mục tiêu thứ nhất là phát triển đô thị bền vững, hài hòa về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, thứ hai là xây dựng cộng đồng đô thị gắn bó, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và thứ ba là nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị.
![]() |
Đại lộ Đông – Tây TP Hồ Chí Minh |
Vì vậy Luật phải có tác dụng ngăn ngừa và chế tài vi phạm các quy định luật pháp có liên quan đến quản lý đô thị và thuộc phạm vi đô thị trong các Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Đất đai, Ngân sách, Môi trường, Xây dựng, Giao thông đường bộ, Thương nghiệp, Du lịch, Quảng cáo… Đặc biệt là Luật Quy hoạch đô thị có Chương V về tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch rất toàn diện, mà sự vi phạm đều thuộc thẩm quyền xử lý hành chính của chính quyền đô thị.
Luật này không nên thay thế hoặc bổ sung cho các Luật vừa kể trên. Nếu Luật nào cần điều chỉnh bổ sung thì đưa trực tiếp vào các luật đó. Luật này chủ yếu tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền địa phương dựa vào mà ban hành các quy định, quy tắc, quy chế hay điều lệ quản lý đô thị (by law), để thi hành chấp pháp (enforcement) các Luật nói trên cho phù hợp với tình hình cụ thể, trong từng giai đoạn phát triển của đô thị đó.
Xuất phát từ những điều nói trên, nên chăng ta nên gọi là “Luật Quản lý đô thị”?
Việc soạn thảo và ban hành luật về đô thị (hay Quản lý đô thị), ta nên tham khảo kinh nghiệm quản lý đô thị quốc tế, để đảm bảo luật có tác dụng thiết thực và có hiệu lực nghiêm minh, được nhân dân đồng thuận, tạo được bước chuyển biến mới rõ rệt trong quản lý hành chính đô thị nước ta.
![]() |
Đô thị Tam Đảo |
Theo hiểu biết của tôi, thì các nước không có luật đô thị riêng rẽ, khi cần đề cập đến vấn đề quản lý đặc thù trong đô thị thuộc chủ đề nào, thì đưa các quy định về chủ đề đó vào luật hiện hành có liên quan.
Ví dụ, ở Pháp, trong các Pháp điển (Codes) có nêu về Quy hoạch đô thị, xây dựng và Nhà ở, Môi trường, Chính quyền địa phương… kể cả về hình sự và thủ tục hình sự. Các đô thị của pháp có cảnh sát Thị chính (Police municipale) thuộc quyền lãnh đạo của Thị trưởng và hưởng lương ngân sách đô thị, với trách nhiệm được quy định trong trong Pháp điển thủ tục tố tụng hình sự là: Giữ gìn an ninh, an toàn và trật tự công cộng; Giám sát việc áp dụng đúng đắn các quy chế địa phương; Giám sát và điều hành giao thông đường bộ và xử phạt các vi phạm giao thông; Giúp đỡ công dân đô thị; Sự tuân thủ luật quy hoạch đô thị và một số trách nhiệm khác.
Tóm lại, Cảnh sát đô thị là công cụ của chính quyền trong việc chế tài các vi phạm về quản lý đô thị. Nhiều nước khác cũng có cảnh sát đô thị, nhưng với các tên gọi khác nhau.
Ở Trung Quốc, trong khoảng năm 2001, 2002, các đô thị lớn đều tổ chức ra Cục Chấp pháp hành chính tổng hợp quản lý thành thị, gọi tắt là “Thành quản”. Chức năng, nhiệm vụ của Thành quản là giúp chính quyền quản lý “thị dung, thị mạo” (ta gọi là kiến trúc-cảnh quan đô thị), vệ sinh môi trường, thực hiện quy hoạch (phạt xây dựng không phép, trái phép), trật tự giao thông đường bộ (phạt chiếm lòng đường vỉa hè), quản lý hành chính công thương (phạt kinh doanh không phép), quản lý thị chính, quản lý sự nghiệp công cộng, quản lý tiết kiệm nước đô thị, quản lý đỗ xe, quản lý cây xanh, quản lý bảo vệ môi trường, quản lý hiện trường thi công (kể cả công trường tháo dỡ), quản lý sông hồ đô thị, taxi chui, hướng dẫn du lịch chui (phạt hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hành nghề)…
Tôi nêu ra hai tổ chức quản lý hành chính đô thị của Pháp và Trung Quốc là để giúp thấy rõ rằng: Khi đô thị của từng nước có những vấn đề gì nóng bỏng cần tăng cường quản lý, thì chính quyền đưa ra các quy định pháp lý và có tổ chức chuyên trách, để tuyên truyền vận động nhân dân thực thi và có quyền chấp pháp, chế tài các vi phạm để răn đe, ngăn chặn. Phải chăng nước ta cũng nên nghĩ đến tổ chức cảnh sát thị chính hay một cơ cấu tương tự? Hiện tại hễ muốn kiểm tra chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực nào đó, chẳng hạn vệ sinh an toàn thực phẩm, hay thu phí giữ xe thì chính quyền đô thị phải lập ra Đoàn hay Đội kiểm tra liên ngành, hoạt động đột xuất trong thời gian ngắn, rất không hiệu quả.
Do đó, phạm vi điều chỉnh của luật nên rất cụ thể, không chồng chéo với các luật khác, không bao quát phạm vi quá rộng và chung chung như một dạng “Hiến pháp đô thị” và nên đặc biệt quan tâm kiện toàn thể chế, tổ chức thi hành, tránh tình trạng trách nhiệm không cụ thể rõ ràng.
Luật Đô thị (hay Quản lý đô thị) là rất cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý đô thị, chấn chỉnh các mặt yếu kém trong vận hành đô thị, nhằm phát triển đô thị nước ta tiến lên hiện đại về vật chất và văn minh về tinh thần.
TS. KTS. Trần Trọng Hanh
Đô thị là một đối tượng quản lý đa ngành đa cấp, đa lĩnh vực. Do đó, quản lý Nhà nước về đô thị phải dựa trên một hệ thống luật pháp, từ Hiến pháp, các bộ Luật, Pháp lệnh và các văn bản qui phạm pháp luật khác. Như vậy, muốn làm được việc này phải soạn thảo “Bộ Luật Đô thị” trên cơ sở hệ thống hóa các quy định của các Luật, Pháp lệnh và Nghị định. Tuy nhiên, biên tập bộ luật đô thị như Pháp đã làm “coded urbanisme” hoặc như Nga thì mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Nam Úc, ta có thể soạn “Luật phát triển đô thị riêng”. Đây là Luật rất cần thiết và đang còn thiếu trong hệ thống luật của ta.
Ông Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
Luật Đô thị (hay luật Quản lý đô thị) cần phải nêu rõ những vấn đề lớn, liên quan đến việc quản lý đô thị mà các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị và nhà ở, chưa được quy định, ví dụ: Việc quản lý những hoạt động đầu tư xây dựng ở khu đô thị mới đang nằm trong quy định của nghị định 02/2006/NĐ-CP (Nghị định còn đang được Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung, thay thế). Thứ hai là việc quản lý những hoạt động cải tạo tái thiết khu đô thị cũ (các nhà do dân tự xây dựng, các ngõ ngách, các phường làng, các khu chung cư…) là vấn đề rất lớn, mà các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị không có quy định cụ thể, dẫn đến việc cải tạo tái thiết các đô thị cũ gặp nhiều khó khăn. Đây đang là vấn đề bức xúc phải có quy định tại luật (quản lý) đô thị lần này.
Việc quản lý các hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị từ quy hoạch, xây dựng, quản lý còn thiếu sự phối hợp, thiếu đồng bộ, nên cần phải có luật điều chỉnh các hoạt động này, giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành trong địa phương.
Vấn đề nữa là cơ quan quản lý hành chính của các đô thị cần được nghiên cứu, đưa vào quy định của Luật Đô thị, kể cả đô thị cũ và đô thị mới. Đây là vấn đề chưa được luật nào làm rõ.
Trên đây chỉ là một số điểm cần thiết, không thể không có trong Luật Đô thị. Ban soạn thảo cần chú ý làm rõ.
TS. Nguyễn Trọng Hòa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh
Luật nên là Luật phát triển đô thị. Quá trình phát triển đô thị hiện của chúng ta đang có hàng nghìn kiểu phát triển, nên khi làm luật này, cần có sự khảo sát nắm vững thực tế phát triển của đô thị, để có những quy định tăng cường tính khả thi của quy hoạch và phù hợp với sự phát triển.
Tôi cho rằng, nội dung luật cần thể hiện rõ trong các chương mục ba vấn đề lớn, đó là Kỹ thuật, xã hội và kinh tế. Phần kỹ thuật là các quy định về đất đai, môi trường…Phần xã hội cần đặc biệt lưu ý đề cập đến các vấn đề về dân. Hiện nay trong quá trình phát triển đô thị ở TP. HCM, vướng mắc nhất là các vấn đề liên quan đến dân: Đất của dân, di dời dân, đền bù giải tỏa… Vì vậy, thay vì ta cứ đưa ra các chính sách giải tỏa, đền bù, thì ta quy định rõ ngay các vấn đề này trong luật.
Theo tôi, nếu ta giải quyết tốt được ba vấn đề kỹ thuật-xã hội-kinh tế (tài chính đô thị) là ta đảm bảo giải quyết được bài toán phát triển đô thị.
Ths. KTS. Phùng Anh Tiến- Chủ nhiệm Khoa Quản lý đô thị-ĐH Kiến trúc Hà Nội
Theo suy nghĩ của chúng tôi, tên Luật là Luật phát triển đô thị, với ý là kiểm soát các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị của quốc gia. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật đô thị là các thành phần cấu thành trong đô thị. Luật phát triển đô thị ban hành sẽ tạo ra các công cụ để quản lý, xử lý những vấn đề đô thị của quốc gia. Do đó chúng tôi tán thành với các nội dung của bản đề cương dự thảo, tuy nhiên, có đề xuất là: Nên để chương về quản lý hành chính đô thị là chương Chính quyền đô thị; và chương Khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm là Kiểm soát đô thị, trong đó chú trọng nội hàm kiểm soát sau quy hoạch./.