Những phát minh tình cờ làm thay đổi cả thế giới
1. Penicillin
Trong khi nghiên cứu về khuẩn tụ cầu, Alexander Fleming đã thêm một số vi khuẩn vào đĩa cấy trước khi nghỉ dài ngày. Mặc dù biết là những vi khuẩn đó sẽ phát triển nhưng khi quay trở lại phòng thí nghiệm, ông rất bất ngờ khi phát hiện một đám mốc trên chiếc đĩa.
Sau khi xem xét kĩ lưỡng, ông phát hiện loại mốc này sản sinh ra một loại phụ phẩm kiềm chế sự phát triển của khuẩn tụ cầu. Đây là tiền đề cho sự ra đời của loại kháng sinh đầu tiên trên thế giới sau này.
2. Thép không gỉ (inox)
Các nhà sản xuất vũ khí thế kỉ 20 đã thuê Harry Brearly, một chuyên gia ngành thép người Anh, chế tạo nòng súng không gỉ.
Ngay sau khi kiểm nghiệm loại vật liệu mới với nhiều chất gây mòn như nước chanh, Harry Brearly đã nhận ra rằng đây chính là vật liệu lí tưởng để chế tạo các đồ dùng nhà bếp như dao, kéo, thìa, dĩa...
3. Thuốc nổ
Nhà hóa học người Thụy Điển Alfred Nobel đã phát minh ra thuốc nổ trong quá trình nỗ lực làm ổn định nitroglycerin, một chất lỏng dễ gây nổ.
Trong lúc vận chuyển nitroglycerin, Nobel phát hiện một trong những chiếc can chứa dung dịch bị rò rỉ và một hỗn hợp đá trầm tích có tên gọi kieselguhr đã hấp thụ chất lỏng này một cách hoàn hảo.
Vì nitroglycerin rất nguy hiểm khi xử lý ở dạng lỏng nên Nobel đã dùng kieselguhr làm chất ổn định cho dung dịch dễ nổ này.
Sau đó, Nobel đã tìm ra một phương pháp trộn lẫn chất nổ với kieselguhr mà không làm mất tác dụng của thuốc nổ. Ông công bố sản phẩm của mình vào năm 1867 và đặt tên là “dynamite”.
4. Bánh bột ngô nướng
Mọi chuyện bắt đầu với tính hay quên của Will Keith Kellogg khi ông làm phụ tá cho anh trai tại viện điều dưỡng Battle Creek. Trong lúc nấu ăn cho bệnh nhân, Kellogg đã vô tình bỏ lại bột mì để làm bánh ở bên ngoài vài giờ.
Khi trở lại, ông phát hiện thấy chúng trở nên bông xốp. Tò mò xem chuyện gì sẽ xảy ra, Kellogy bỏ chỗ bột đó vào lò nướng và tạo ra một món ăn giòn tan được các bệnh nhân hưởng ứng nhiệt liệt.
Will Kellogg đã thử nghiệm công thức mới với các loại ngũ cốc khác và thành công ngoài sức tưởng tượng khi sử dụng ngô. Đây chính là điểm xuất phát của công ty Kellogg, một công ty chuyên sản xuất bỏng ngô và các sản phẩm ngũ cốc ăn sẵn sau này.
5. Tia X
Đây không phải là sóng điện từ đầu tiên tình cờ được phát hiện.
Tối ngày 8/11/1895 khi Wilhelm Roentgen đang tiến hành một thí nghiệm sử dụng tia âm cực, ông chợt phát hiện ra một số mảnh bìa các-tông nhiễm huỳnh quang trong phòng sáng rực lên cho dù giữa các tia âm cực và những tấm bìa các-tông đó có vật ngăn cách rất dày.
Cách giải thích duy nhất là tia sáng đó đã xuyên qua vật ngăn cách cứng. Roentgen đã tìm ra tính chất của thứ tia bí mật mà ông tạm đặt tên là tia X và chính nó đã mang lại cho ông giải Nobel về vật lý đầu tiên vào năm 1901.
6. Keo siêu dính
Trong quá trình sản xuất ống ngắm bằng nhựa, tiến sĩ Harry Coover, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Kodak, đã tình cờ phát hiện ra một loại chất dính kết tổng hợp từ cyanoacrylate. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông lại cho rằng chất này quá dính nên không dùng được.
Nhiều năm sau, Coover mới nhận thấy tiềm năng của chất này khi nó có thể tạo ra sự kết dính đến khó tin. Năm 1958, tròn 16 năm sau khi được phát hiện, chất này mới được đăng kí sáng chế và được bán ra thị trường với cái tên “keo siêu dính”.
7. Lò vi sóng
Vào năm 1946, Percy Spencer, một kỹ sư nghiên cứu về ra-đa, đang làm việc gần máy phát xạ sóng cực ngắn thì phát hiện thấy thanh kẹo socola để trong túi áo của ông bị tan chảy. Ông liền đặt thử hạt ngô và quả trứng gần những máy phát xạ đó để thử nghiệm.
Kết quả quan sát cho thấy hạt ngô nở bung và trứng gà thì được làm chín. Phát hiện thấy tiềm năng lớn của phát minh này, công ty Raytheon đã nghiên cứu và sản xuất ra chiếc lò vi sóng đầu tiên có tên Radarange vào năm 1947.
8. Giấy ghi chú
Năm 1968, Spencer Silver, một nhà hóa học làm việc cho công ty 3M đã tình cờ phát hiện ra một loại chất kết dính có thể dễ dàng gỡ bỏ trong khi đang đi tìm công thức cho một loại keo siêu dính.
Khi đó, ông có đề xuất về phát minh này với công ty nhưng không một ai chú ý đến.
Sau nhiều nỗ lực bất thành, tình cờ một thành viên của 3M đã dùng loại keo này để giữ mẩu giấy đánh dấu trang và nó đã thể hiện được tính năng tuyệt vời khi vừa có thể dính tốt vào giấy, thậm chí có thể gỡ bỏ khi cần thiết.
Sản phẩm này được bán rộng rãi vào năm 1977 và ngày nay nó là một trong những công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong công việc văn phòng.
9. Chất chống dính Teflon
Teflon là một loại hoá chất chống dính được sử dụng trong sản suất các dụng cụ nhà bếp như nồi, niêu, xoong, chảo. Teflon làm thức ăn không bị dính vào nồi niêu trong khi nấu.
Teflon được phát hiện ra một cách tình cờ vào năm 1938 khi nhà hoá học Roy Plunkett, lúc đó đang làm việc cho Dupont, đang cố gắng tìm ra chất làm lạnh.
Dupont nhanh chóng đăng kí bản quyền vào năm 1945 và ít lâu sau đó những sản phẩm nhà bếp phủ loại chất thần kỳ này bắt đầu được tung ra thị trường.
10. Đường hóa học
Constantine Fahlberg đã tình cờ phát hiện ra đường hóa học vào năm 1879 trong khi đang tìm hiểu về các cách sử dụng khác nhau của nhựa than đá cùng Ira Remsen tại phòng thí nghiệm của trường Đại học Johns Hopkins.
Một số chất hóa học đã dính vào tay Fahlberg khi ông rời nơi làm việc mà ông không hề hay biết. Trong lúc dùng bữa, Fahlberg chợt nhận thấy bánh quy vợ làm có vị ngọt hơn bình thường.
Sau khi hỏi vợ, ông mới phát hiện chiếc bánh có vị ngọt là do một chất nào đó trong phòng thí nghiệm vẫn còn lưu trên tay ông dính vào.
Sau một thời gian nghiên cứu, Fahlberg đã tìm ra chất làm ngọt saccharine. Từ đó, phát minh của ông đã mở ra con đường mới cho ngành công nghiệp thực phẩm.