Những người sản xuất thành công găng tay y tế
Việc ứng dụng và sản xuất thành công găng phẫu thuật y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các bệnh viện trong nước với giá thành chỉ bằng 50% sản phẩm cùng loại của các nước Nhật Bản, Malaysia, mà còn xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
Đòi hỏi từ thực tiễn
Găng phẫu thuật y tế là một sản phẩm chủ yếu và quan trọng được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xếp găng mổ trong danh mục vật tư tiêu hao cơ bản và thiết yếu tối quan trọng không được thiếu. Trong các kế hoạch chiến lược dài hạn của ngành y tế, Bộ Y tế luôn yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế cần tập trung nguồn lực nghiên cứu sản xuất trong nước các loại vật tư tiêu hao chủ yếu, trong đó găng phẫu thuật là một trong những đòi hỏi bức thiết của ngành cần phải chủ động được sản xuất trong nước.
Nước ta có vùng nguyên liệu cao su tập trung nhiều ở các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên. Nguồn nguyên liệu sẵn có này dồi dào ở trong nước, không lẽ hằng năm phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu găng phẫu thuật dùng trong y tế? Đứng trước sự đòi hỏi bức xúc của thực tế, Xí nghiệp cao su y tế tiền thân của Công ty cổ phần MERUFA đã chập chững đi từng bước nhỏ, tự mày mò nghiên cứu sản xuất găng phẫu thuật.
Trong một thời gian dài, nước ta phải dựa vào nguồn viện trợ của các nước anh em để nhập khẩu găng phẫu thuật. Chỉ có một số ít cơ sở sản xuất nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt tay vào sản xuất găng mổ với quy mô nhỏ, phương tiện thủ công, lạc hậu.
Thời kỳ này, công nhân sản xuất găng mổ phải làm việc trên dây chuyền thủ công rất nặng nhọc. Công nhân tay cầm bàn khuôn nhúng vào bể mủ, sấy găng bằng lò than. Vì là làm thủ công như vậy, găng sản xuất ra mủ cao su không đều, kỹ thuật không bảo đảm, găng bị thủng, độ đàn hồi không tốt, bột cao su rơi vãi trong găng nhiều...nên không đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các phòng mổ với đòi hỏi phải vô trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh cũng như cán bộ y tế.
Đó là chưa kể đến, người công nhân do phải cầm bàn khuôn nhúng vào bể mủ (nơi khí amoniac rất đậm đặc) nên 100% công nhân đều mắc bệnh nghề nghiệp. Nhẹ thì viêm mũi dị ứng, nặng hơn là viêm xoang. Sản xuất găng phẫu thuật y tế thời kỳ đó khó khăn và nặng nhọc là vậy, nhưng theo lời kỹ sư Phạm Xuân Mai, hồi đó “sướng”! Bởi, găng làm ra đến đâu có người đến tận cổng xí nghiệp lấy về. Không phải suy nghĩ đến đầu ra của sản phẩm. Găng có hỏng hay dở, đều không phải đau đầu tính chuyện hậu mãi, nhà nước đã lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Làn gió đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đã không cho phép những cung cách làm ăn cũ còn tồn tại. Kỹ sư Phạm Xuân Mai cùng các cộng sự đã nhận thấy không thể duy trì lối làm ăn “lãi giả, lỗ thật”. Và họ bắt tay vào suy nghĩ xây dựng một dây chuyền sản xuất găng phẫu thuật hoàn chỉnh, do chính các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, lắp đặt, đưa vào sản xuất.
Sức sáng tạo của các kỹ sư y tế Việt Nam
Năm 1992, quyết tâm xây dựng bằng được dây chuyền sản xuất găng phẫu thuật do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế đã được kỹ sư Phạm Xuân Mai bàn bạc với các cộng sự. Khó nhất trong thời điểm đó không có một mẫu thiết bị sản xuất găng, để các kỹ sư có thể học tập theo. Xí nghiệp liên doanh Việt Hung thời kỳ đó lắp đặt một dây chuyền sản xuất găng tay nhưng lại là găng tay...bảo hộ lao động. Đành chịu. Không thể học tập theo mô hình sản xuất găng đó được.
Qua nghiên cứu dây chuyền sản xuất găng phẫu thuật bằng dây chuyền thủ công, kỹ sư Phạm Xuân Mai như loé trong đầu bởi sự dày công nghiên cứu đã không phụ công anh. Anh phát hiện, điều quan trọng của dây chuyền sản xuất găng hay còn gọi là “ trái tim” của một dây chuyền đó là dây chuyền nhúng tạo hình găng tự động. Giải quyết mấu chốt vấn đề này, sẽ có hàng loạt bài giải tiếp theo: Hệ thống xử lý găng sau khi tạo hình; Hệ thống kiểm tra, đóng gói, tiệt trùng găng phẫu thuật.
Sau một thời gian thiết kế, lắp đặt, các kỹ sư của Công ty cổ phần MERUFA hồi hộp chờ đợi vận hành thử để ra sản phẩm đầu tiên. “Thật bất ngờ và không tin vào mắt mình khi 100 % sản phẩm găng tay đầu tiên bị thủng tại các đầu ngón tay” - kỹ sư Mai nhớ lại.
Bao nhiêu công sức tưởng chừng như đổ ra bể. Mệt hơn nữa khi nhiều ánh mắt tỏ vẻ nghi ngờ về thành công của công trình. Không ít người bi quan: “Đề nghị Bộ Y tế cho phép nhập luôn một dây chuyền hoàn chỉnh của nước ngoài về để sản xuất”.
Không chịu thất bại, kỹ sư Phạm Xuân Mai âm thầm ngồi nghiên cứu từng bản vẽ, lại tháo tung từng bộ phận đã lắp đặt. Gần một tháng ròng, anh mới phát hiện ra nguyên nhân gây thủng găng. Đó là đoạn quay của dây chuyền nhúng găng tự động. Lại căn chỉnh. Sản phẩm thử nghiệm đầu tiên ra đời trong tiếng hò reo, mừng rơi nước mắt. Vậy là công trình sản xuất găng phẫu thuật do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế, lắp đặt đã thành công.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2005, công trình không chỉ đề cập đến việc thiết kế chế tạo một hệ thống thiết bị tự động nhúng tạo hình găng mổ có sản lượng cao, mà còn bao hàm việc nghiên cứu sáng tạo thành công một công nghệ mới áp dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất găng từ khâu bảo quản mủ cao su mới nhận về, ly tâm mủ, pha chế mủ với các hóa chất, nhúng tạo hình găng, rửa găng, trộn bột, sấy, kiểm tra xử lý găng, tiệt trùng, đến đóng gói thành phẩm.
Đặc biệt, Hội đồng Giải thưởng nhận xét: Công trình đã nghiên cứu sáng tạo một nhà máy với dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh sản xuất găng mổ với sản lượng 7 triệu đôi/năm. Công nghệ và thiết bị hoàn toàn do Việt Nam sáng chế và mang nhiều dấu ấn của kỹ sư y tế Việt Nam!
Điều đáng quý ở công trình này là từ khi nghiên cứu cho đến nay đã có bốn dây chuyền đi vào sản xuất ổn định. Sản phẩm của công ty hiện chiếm lĩnh 70% thị trường trong nước, đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế hiện hành như TCVN 6344:1998; ISO 10282:2002. Việc sản xuất găng phẫu thuật y tế do nhà máy trong nước sản xuất không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm được nguồn ngoại tệ mà còn chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng của các kỹ sư y tế Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là nó, chứng tỏ tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam, nếu như biết phát huy và tận dụng nguồn chất xám to lớn của đội ngũ trí thức.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống; nhandan.org.vn 3/5/2006