Những đóng góp nổi bật của Liên hiệp Hội các tỉnh Tây Nguyên
Nhiệm vụ tư vấn phản biện, giám định xã hội: Nhìn chung các tỉnh đều tham gia và thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội với tư cách là thành viên tham gia góp ý, phản biện các đề tài, dự án. Chỉ riêng LHH tỉnh kon Tum đã chủ động đề xuất tư vấn, phản biện một số đề án lớn của tỉnh và đã được giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện độc lập. Trung bình mỗi năm, LHH đã nhận phản biện, thẩm định 10-15 đề án cấp tỉnh. Một số đề án, dự án, quy hoạch điển hình như: Tham gia góp ý các văn kiện Đại hội đảng bộ bộ tỉnh; đề án “Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương; đề án “Triển khai thực hiện thí điểm định giá rừng Kon Tum”; Đề án “ Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020; LHH đã chủ động tìm nguồn tài trợ từ Qũy SIDA – Thủy Điển cho Chương trình phát triển bền vững…Đối với LHH tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng cũng trong tình trạng chung là chưa được UBND tỉnh giao phản biện độc lập, song một việc làm được đánh giá “Phản biện” vô hình là đã điều tra, tổng hợp kịp thời cho tỉnh về nguồn nhân lực trình độ cao. Đó là những còn số đầy thuyết phục đối với các ngành, các cấp, đặc biệt lãnh đạo tỉnh. Từ đó nhằm tham mưu lãnh đạo tỉnh cũng như các sở ban ngành trong hoạch định chính sách thu hút nhân tài và sử dụng hợp lý cán bộ cho tỉnh.
Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức: Công việc này, mỗi tỉnh hình thức làm có khác nhau và thời gian triển khai cũng khác nhau, phụ thuộc LHH thành lập sớm hay muộn. Tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk triển khai sớm nhất và đã xuất bản và phát hành nhiều số “Thông tin” nhất. LHH Kon Tum đã có 31 số bản tin “Khoa học kỹ thuật và đời sống”. LHH tỉnh Đắk Lắk đã xuất bản và phát hành được 20 số Tạp chí Khoa học kỹ thuật và riêng năm 2011 xuất bản 1.200 cuốn sách sản xuất cà phê hiệu quả cao và bền vững. Gia Lai có 5 số “Thông tin Trí thức KH-CN”. Đắk Nông có 2 số “Tập san Liên hiệp hội”. Chỉ riêng Lâm Đồng không xuất bản mà chỉ tham gia viết bài cho tập san “Thông tin khoa học công nghệ”. Mới có hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai có Website của LHH. Ngoài ra tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng còn xuất bản các kỷ yếu Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi hàng năm.
Triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) và Cuộc thi thanh thiếu niên và Nhi đồng (Cuộc thi): Mặt này, tỉnh Gia Lai mạnh nhất đã triển khai liên tục 2 năm/lần từ 2007 đến nay, rồi đến tỉnh Kon Tum. Tỉnh Lâm Đồng triển khai từ năm 2002. Còn các tỉnh khác chưa triển khai. Về Cuộc thi các tỉnh cũng khác nhau: Lâm Đồng triển khai sớm nhất, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm một lần. Tỉnh Kon Tum triển khai từ 2008. Gia Lai từ 2013. Đắk Nông mới bắt đầu từ năm 2014.
Về Nghiên cứu khoa học: Đây là mặt nổi của LHH các tỉnh Tây Nguyên, trong hai năm 2013-2014, LHH Gia Lai thực hiện 2 đề tài cấp tỉnh và cấp bộ: Cấp tỉnh “Đánh giá sự phát huy hiệu quả các đề tài, dự án KH-CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2000-2010” và cấp bộ” Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và những đóng góp của LHH các tỉnh Tây Nguyên”. Tỉnh Lâm Đồng tham gia thực hiện các chương trình: “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả các đề tài, dự án KHCN đã triển khai trên địa bàn giai đoạn 1999-2005; chương trình: “Điều tra hiện trạng môi trường và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất rau sạch tại TP. Đà Lạt’; Xây dựng Bộ Địa chí Lâm Đồng; Dự án “Ứng dụng TB KH-KT phát triển kinh tế hộ gia đình vùng DTTS”. Tỉnh Đắk Lắk: năm 2009, thực hiện đề tài “Nghiên cứu về rau sạch tại TP. Buôn Ma Thuột”; năm 2010 thực hiện một đề tài, ngoài ra còn đề xuất nhiều đề tài khác… Tỉnh Kon Tum: Chủ trì đề tài “Nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Kon Tum đến năm 2020” từ đó đã tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020;. Còn tỉnh Đắk Nông mới thành lập nên chỉ thưc hiện một Dự án cấp bộ: ‘Ứng dụng tiến bộ KH-KT xây dựng mô hình thâm canh lúa lai và ngô lai phù hợp với đồng bào DTTS tại huyện Krông Nô (2013-2014).
Hợp tác quốc tế: Về lĩnh vực này, chỉ mới có hai tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum thực hiện. LHH Kon Tum đã tìm nguồn tài trợ từ quỹ SIDA – Thủy Điển cho Chương trình phát triển bền vững. LHH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận, Công ty TNHH Mebius, Công ty TNHH Cetus của Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học về công nghiệp hữu cơ và đang thực hiện chuỗi các chương trình, dự án về “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển cộng đồng vùng nông thôn miền Núi” Trong đó Nhật Bản sẽ tài trợ kinh phí cho các thực tập sinh đi tu nghiệp về sản xuất sạch tại Nhật, sau đó về địa phương phục vụ. Dự án trồng hoa kỹ thuật cao xuất khẩu (2006-2008).
Còn về tập hợp đỗi ngũ trí thức: Đa số các LHH đều thực hiện nhiệm vụ tập hợp, doàn kết đội ngũ trí thức trên địa bàn bằng cách đề xuất cho UBDN tỉnh tổ chức gặp mặt và tôn vinh trí thức tiêu biểu. Song tận dụng, và huy động nguồn chất xám để phục vụ cho công tác phản biện độc lập hoặc nghiên cứu để chủ động đề xuất cho tỉnh còn hạn chế…