Những đề án táo bạo cho tương lai
Các nhà khoa học đã bắt đầu chuẩn bị những đề án táo bạo…
Xây dựng một thành phố núi
Dân số toàn Thế giới sẽ tăng lên 50% từ nay đến năm 2050 (từ 6 tỷ lên 9 tỷ). Phải chăng cư dân trên hành tinh xanh này sẽ phải giẫm chân lên nhau, chen nhau tìm chỗ ở trên những mảnh lục địa nhỏ bé này? Ở Nhật Bản, người ta đã biết rõ vấn đề dân cư quá đông, những người có trách nhiệm của Công ty Taisei đang ấp ủ một ước mơ: xây dựng một khu dân cư cao như quả núi! Toà nhà X-Seed 4.000 sẽ cao tới 4.000m, cao hơn ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng nhất và cao nhất Nhật Bản. Dựa trên một mặt bằng có đường kính 6.500m, thành phố thực sự xây theo chiều cao này có thể chứa được 1,6 triệu người. Chỉ còn lại là vấn đề người ta thực sự chưa biết xây dựng cấu trúc của một toà nhà khổng lồ đó như thế nào và nhiều nhà kỹ sư đang vùi đầu vào nghiên cứu trước khi X-Seed xuất hiện trên mặt đất.
Thu năng lượng mặt trời từ không gian
Tìm đâu ra nguồn năng lượng khi các nguồn năng lượng dầu mỏ sẽ cạn kiệt? Chắc chắn phải tìm một phần lời giải trên đầu chúng ta. Người ta nói tới năng lượng do mặt trời sản xuất. Trên thực tế, nó có thể thu lại được bằng những panô vĩ đại của các trạm không gian. Vượt lên cao hơn hẳn các tầng mây bao phủ hành tinh, những trạm phát điện bay này sẽ thu được năng lượng ánh sáng không ít hơn các trạm thu phát nhỏ bé trên Trái đất. Một loại trạm không gian kiểu đó sẽ có thể truyền, năng lượng về Trái đất qua một ăngten và dưới dạng vi ba ( hình 1). Một suy nghĩ tốt đẹp đã nằm trong ô kéo của Cơ quan NASA từ 30 năm nay và mới được tung ra bởi các chuyên gia không gian Nhật Bản. Họ dự kiến sẽ phóng một trạm thu phát năng lượng Mặt trời trên không gian trước năm 2040.
Thu nước trong không khí
Tổ chức Opur (sử dụng sương) đã chế tạo ra những tấm panô lớn phủ một lớp màng plastic có đặc điểm là tự hạ nhiệt rất nhanh. Vật liệu này, như thế, có thể hạ tới một nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ mà các phân tử nước chuyển từ thể khí sang thể lỏng, khiến cho hơi nước tụ lại thành những giọt nhỏ. Dụng cụ này đã được thử nghiệm ở nhiều vùng khô hạn (từ Bangladeshđến Ethiopia, qua Israel ) và sắp được đặt tại Ấn Độ.
Làm cho sa mạc trở nên màu mỡ
Biến sa mạc thành vùng trồng trọt, liệu có được không? Gordon Sato tin là được. Nhà Sinh học người Mỹ này đã tiến hành biến một vùng của châu Phi bị hạn hán thành cánh đồng trồng trọt được. Đó là vùng bờ biển của Erythrée, trên bờ Biển Đỏ trong 7 năm ( hình 2). Trong khung cảnh của đề án Manzanar, ông đã cho trồng khoảng một triệu cây sú, vẹt. Hạt và lá của sú, vẹt đã được dùng làm thức ăn cho việc chăn nuôi dê và từ rừng sú, vẹt, khi nó đã phát triển đủ, sẽ có dáng vẻ của một cái nôi thực phẩm đầy cá, tôm, cua…
Nguồn: Khoa học phổ thông,số 33(1156)